Ba Lan sẽ đặt pháo phản lực HIMARS ngay trước mũi Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba Lan, một trong những đồng minh NATO chủ chốt của Ukraine, thông báo sẽ bố trí pháo phản lực HIMARS do Mỹ sản xuất gần biên giới với vùng Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga.

Hôm 17/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết nước này dự định đặt một số bệ phóng tên lửa HIMARS ở biên giới Nga. Ông Blaszczak cho biết các hệ thống HIMARS đã được đặt mua vào năm 2019. Quốc hội Mỹ được cho là đã chấp thuận đơn đặt hàng 500 khẩu HIMARS của Ba Lan.

"Cho đến cuối năm 2023, các hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ sẽ được trang bị cho Sư đoàn cơ giới số 16 của quân đội Ba Lan, được triển khai gần biên giới với khu vực Kaliningrad của Nga", ông Blaszczak cho biết thêm.

Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính ông Blaszczak thông báo rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán 800 tên lửa AGM-114R2 Hellfire dùng cho trực thăng Ba Lan. Hợp đồng này có giá trị khoảng 150 triệu USD và được kỳ vọng có thể giúp Ba Lan tăng cường năng lực tác chiến.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nói rằng, HIMARS đã cho thấy hiệu quả khi được sử dụng trên chiến trường Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng với quân đội Ba Lan. Ông Blaszczak cũng cáo buộc Nga có thể sẽ tấn công các nước láng giềng, đặc biệt khi Ba Lan vừa mới trở thành quốc gia NATO đầu tiên cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu - điều có thể chọc giận Nga.

Vào tháng 2, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, cách duy nhất để Moscow đảm bảo hòa bình lâu dài với Ukraine là "đẩy lùi" biên giới của các nước đồng minh Ukraine càng xa càng tốt, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra xung đột với các thành viên NATO như Ba Lan.

"Đó là lý do tại sao điều quan trọng nhất lúc này là phải đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đẩy lùi các mối đe dọa đối với biên giới đất nước chúng ta càng xa càng tốt, ngay cả khi chúng là biên giới của Ba Lan", ông Medvedev viết trên Telegram vào thời điểm đó.

Trong khi đó, Nga đã bắt đầu tăng cường các hoạt động của mình ở Ba Lan với ý định rõ ràng là cắt đứt viện trợ của nước này cho Ukraine.

Hôm 16/3, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cho biết cơ quan an ninh của nước này đã bắt một nhóm người được cho là gián điệp của Nga. Những người này bị bắt với cáo buộc đang chuẩn bị các hành động phá hoại ở Ba Lan và theo dõi các tuyến đường sắt được sử dụng vận chuyển vũ khí vào Ukraine, theo AP.

Ông Mariusz Kaminski cho hay, các nghi phạm bị bắt đang chuẩn bị “những hành động phá hoại nhằm làm tê liệt việc cung cấp thiết bị, vũ khí và viện trợ cho Ukraine”. Ông cho biết thêm, các nhân viên an ninh cũng đã thu giữ máy ảnh, thiết bị điện tử và máy phát GPS từ những người bị bắt. Ông cho rằng các nghi phạm dự định đặt những thiết bị này lên các phương tiện vận tải chở hàng viện trợ tới Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak cho rằng nhóm này đến Ba Lan từ Belarus - quốc gia giáp biên giới với Ba Lan. “Mối đe dọa là có thật”, ông Błaszczak nói.

Trong một diễn biến liên quan, phát ngôn viên chính quyền vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, ông Dmitry Lyskov, chỉ trích quyết định của Ba Lan là hành động "đe dọa". "Bất chấp bản chất tấn công rõ ràng của các bệ phóng HIMARS, người dân trong khu vực đang được các đơn vị của Hạm đội Baltic và quân đội Nga bảo vệ", ông này nhấn mạnh.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) xuất hiện trong cuộc tập trận quân sự Namejs 2022 vào ngày 26 tháng 9 năm 2022 tại Skede, Latvia. (Ảnh: GINTS IVUSKANS/AFP via Getty Images).

Thời gian gần đây, Ba Lan đã liên tục tiến hành mua sắm thêm các loại vũ khí hạng nặng nhằm đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa quân đội theo tiêu chuẩn của NATO.

Vào cuối tháng 9/2022, Ba Lan đã ký hợp đồng mua 48 tiêm kích hạng nhẹ FA-50 trị giá khoảng 13,7 tỷ USD từ Hàn Quốc. Các tiêm kích FA-50 này sẽ được sử dụng nhằm thay thế cho phi đội MiG-29 đã cũ của Không quân Ba Lan.

Trước đó, Ba Lan thông báo sẽ mua 1.000 xe tăng K2 Black Panther từ Hyundai Rotem, một công ty con về lĩnh vực quốc phòng của tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc). Trong thời gian tới, Hyundai Rotem sẽ cung cấp 180 chiếc K2, được biết đến với khẩu pháo nòng trơn 120mm mạnh mẽ, hệ thống tự động nạp đạn và tốc độ lên tới 70km/h. Số xe còn lại sẽ được chế tạo tại Ba Lan, bắt đầu từ năm 2026.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc hồi tháng 12 cũng thông qua các thỏa thuận vũ khí trị giá 28 tỷ USD, với Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic là những khách hàng lớn nhất.

Thời gian qua, Nga đã liên tục cảnh báo NATO không nên tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Nga. Moscow cũng cho rằng liên minh quân sự này gần như trở thành một phần của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine do thường xuyên cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Vùng Kaliningrad là lãnh thổ cực tây của Nga và là nơi đặt căn cứ Hạm đội Baltic của Nga. Khu vực này là vùng đất tách biệt, không có chung biên giới đất liền với phần còn lại của Nga, thay vào đó nó giáp Ba Lan và Lithuania.

HIMARS là pháo phản lực phóng loạt đặt trên khung gầm bánh lốp, có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, tầm bắn lên tới 80 km. Xe bệ phóng HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo. Trong chiến tranh Ukraine, HIMARS đã trở thành một trong những vũ khí quan trọng nhất để Kyiv phản công, giành lại nhiều vùng lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm đóng vào mùa thu năm ngoái.

Viên Minh (Tổng hợp)

 



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan sẽ đặt pháo phản lực HIMARS ngay trước mũi Nga