Bắc Kinh 'bất bình' vì 'các cáo buộc' về Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh cho biết họ rất 'bất bình' với Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ vì các quốc gia này đã lên án hành động phóng tên lửa đạn đạo quân sự vào vùng biển xung quanh Đài Loan, gọi đó là hành động 'đổ lỗi' và 'hoàn toàn không thể chấp nhận được'.

Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Úc Penny Wong, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh quyết định tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.

Các ngoại trưởng cũng lên án việc Bắc Kinh phóng tên lửa đạn đạo quân sự vào vùng biển xung quanh Đài Loan.

“Các Bộ trưởng ngoại giao kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay các cuộc tập trận quân sự", tuyên bố chung cho biết.

“Không có thay đổi nào trong chính sách 'Một Trung Quốc', cũng như các lập trường cơ bản đối với Đài Loan của Úc, Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ".

Đáp lại, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cáo buộc Mỹ là "kẻ phá hoại lớn nhất" đối với hòa bình ở eo biển Đài Loan và cho rằng Bắc Kinh là nạn nhân của "hành động khiêu khích chính trị".

Bắc Kinh cũng chỉ trích Úc đứng về phía Hoa Kỳ trong việc lên án hành động của Bắc Kinh, hơn là “bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ” với đối tác thương mại lớn nhất của quốc đảo này.

Giữ nguyên hiện trạng trong khu vực

Trong một tuyên bố riêng vào ngày 05/8, bà Wong nói rằng việc phóng tên lửa là "không cân xứng và gây mất ổn định" cho khu vực, đồng thời bà kêu gọi Trung Quốc "kiềm chế và giảm leo thang".

Bà Wong cũng lưu ý rằng không có sự thay đổi nào đối với chính sách 'Một Trung Quốc' của Úc.

ntdvn_bac-kinh-ban-hanh-yeu-sach-4-diem-tai-thiet-quan-he-voi-uc
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong (trái) đã chạm khuỷu tay với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Nusa Dua trên hòn đảo nghỉ mát Bali của Indonesia vào ngày 8/7/2022. (Ảnh: Johannes P. Christo/POOL/AFP/Getty Images)

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cũng ra thông cáo đáp lại tuyên bố của bà Wong, một lần nữa cáo buộc Hoa Kỳ phá vỡ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Cơ quan này cũng cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu “mọi hậu quả” nếu tiếp tục “thay đổi hiện trạng” trong khu vực.

Tuy nhiên, Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố rằng ông không muốn "thay đổi hiện trạng".

“Chúng tôi muốn duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực và không muốn thay đổi hiện trạng. Đó cũng là lập trường của Hoa Kỳ", ông nói với đài ABC.

Thủ tướng không đưa ra bình luận nào về quyết định thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, nói rằng đó là “vấn đề của Trung Quốc”.

Ông Albanese nói: “Chúng tôi cần duy trì lộ trình mà chúng tôi đang đi, đó là tìm kiếm sự hợp tác và quan hệ tích cực với Trung Quốc, nơi chúng tôi có thể bảo vệ các giá trị và lợi ích quốc gia của Úc".

“Trong đó bao gồm Luật Biển, cho phép tự do hàng hải và đi lại an toàn ở khu vực Biển Đông".

Úc duy trì chính sách 'Một Trung Quốc', không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập mà là một phần của Trung Quốc.

ĐCSTQ duy trì nguyên tắc 'Một Trung Quốc', trong đó tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được thống nhất với đại lục. Nước này không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, Đài Loan đã tự quản từ năm 1949 và chưa bao giờ bị kiểm soát bởi ĐCSTQ. Và chính phủ dân chủ và nền kinh tế thị trường đang phát triển mạnh của Đài Loan đảm bảo rằng, quốc đảo này có đủ năng lực để duy trì mối quan hệ thương mại lành mạnh với nhiều cường quốc toàn cầu.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh 'bất bình' vì 'các cáo buộc' về Đài Loan