Bắc Kinh tiếp tục đổ lỗi cho Hoa Kỳ về Đại dịch viêm phổi Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 15/1, sau bao cản trở từ phía chính quyền Trung Quốc, đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO bao gồm các chuyên gia đầu ngành từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Qatar, v.v. đã đến Vũ Hán để tiến hành điều tra về nguồn gốc của virus. Ngày 28/1, đoàn chuyên gia đã hoàn tất 2 tuần cách ly để bắt đầu công việc. Cuộc điều tra của họ đang thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Một năm đã trôi qua kể từ khi virus corona chủng mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và gieo rắc đại dịch toàn cầu, Bắc Kinh giờ đây đã tăng cường nỗ lực gấp đôi để truyền bá những giả thuyết vô căn cứ rằng virus có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.

Khi đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus, các nhà ngoại giao và các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã và đang mở một cuộc tấn công bằng thông tin giả. Đồng thời, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã khuấy động một chiến dịch bôi nhọ vắc-xin của Hoa Kỳ khi “chính sách ngoại giao vắc xin” của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) thất bại trên khắp thế giới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh là người đầu tiên nhắc lại thuyết âm mưu. Bà cho biết trong một cuộc họp báo ngày 18/1 rằng Hoa Kỳ nên mời các chuyên gia của WHO đến Hoa Kỳ để “truy tìm nguồn gốc virus”.

Bà nói: “Nếu Hoa Kỳ thực sự tôn trọng sự thật, họ phải mở cửa phòng thí nghiệm sinh học tại Fort Detrick, phải minh bạch hơn trong các vấn đề như hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở nước ngoài.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó đã dồn dập đưa tin, đặt ra câu hỏi về các hoạt động tại Fort Detrick, một phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh quân sự nổi tiếng ở Maryland, và giúp chủ đề này lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Trước ngày khởi hành của đoàn chuyên gia của WHO đến Vũ Hán, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Trump đã kêu gọi cơ quan y tế gây áp lực lên chính quyền Trung Quốc để họ phải công khai hồ sơ Viện Virus học Vũ Hán (WIV). Trên cơ sở đó, WHO có thể đánh giá nguồn gốc của virus có phải là từ sự cố trong phòng thí nghiệm hay không. Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ có “lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu của WIV đã ngã bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca nhiễm virus đầu tiên được xác định ở Vũ Hán “với các triệu chứng phù hợp với COVID-19 và cúm mùa”. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Virus học Vũ Hán rằng không có sự lây nhiễm nào giữa các nhà khoa học.

Ông Gordon Chang, tác giả cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”, cho biết ĐCSTQ “có rất nhiều điều để che giấu, đặc biệt là các hoạt động của họ tại Viện Virus học Vũ Hán”.

“Trong tuyệt vọng, Bắc Kinh đang cố gắng chuyển hướng dư luận của toàn cầu sang Pháo đài Detrick của chúng tôi”, ông Chang nói trong một email.

Theo tin từ Daily Mail ngày 2/1, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Matthew Pottinger nói với một nhóm chính trị gia toàn cầu rằng, thông tin tình báo mới nhất của Hoa Kỳ cho biết, loại virus corona gây ra dichh bệnh COVID-19 bị rò rỉ từ WIV.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng phòng thí nghiệm là nguồn tin cậy nhất của virus”, ông Potttinger cho biết.

Việc Bắc Kinh tấn công các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ đánh dấu nỗ lực mới nhất của họ nhằm chuyển hướng sự chỉ trích của thế giới về việc Bắc Kinh che giấu dịch bệnh ở Vũ Hán, khiến nó lây lan toàn cầu. Tháng 3/2020, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã trơ trẽn nói một cách vô căn cứ rằng binh lính Mỹ có thể đã đem virus đến Vũ Hán vào tháng 10/2019 nhân dịp Thế vận hội Quân sự.

Những tuyên bố đó đã khiến Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, làn sóng phản đối của Hoa Kỳ và phương Tây không ngăn được ĐCSTQ rêu rao những giả thuyết vô căn cứ khác trong suốt năm qua rằng virus viêm phổi Vũ Hán có nguồn gốc từ bên ngoài Trung Quốc.

Trong vài tháng qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã xuyên tạc bình luận của các chuyên gia nước ngoài theo chiều hướng dịch bệnh bùng phát từ nước ngoài, chẳng hạn như ở Ý. Một bài báo [hiện đã được rút lại] của các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng cho rằng dịch bệnh bùng phát ở Ấn Độ trước khi lây lan sang Trung Quốc.

Gần đây, giới chức Trung Quốc tiếp tục lèo lái câu chuyện mới rằng virus đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trước khi bùng phát ở Vũ Hán, một giả thuyết bị hầu hết các nhà khoa học phương Tây bác bỏ. Tuyên bố này đã được che chắn từ cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ khi Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói vào ngày 2/1 rằng “ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy đại dịch có khả năng đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới”.

Các quan chức cũng đã đưa ra giả thuyết rằng virus được đưa vào Trung Quốc qua đường nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, mặc dù WHO cho biết, không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm hoặc từ bao bì thực phẩm.

Bôi nhọ Vắc - xin Mỹ

Trong những tuần gần đây, mặt trận thông tin giả của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào vắc-xin của Hoa Kỳ.

ĐCSTQ muốn sử dụng vắc-xin COVID-19 để tô vẽ hình ảnh toàn cầu của mình, nhưng đã phải chịu thất bại vào đầu tháng này. Một thử nghiệm giai đoạn cuối ở Brazil cho thấy vắc-xin do công ty dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinovac phát triển chỉ có 50,4% hiệu quả, vừa đủ để vượt qua ngưỡng 50 phần trăm cần thiết để được phê duyệt theo quy định.

Những ngày sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc và một số người nổi tiếng đã bắt đầu đưa tin về các trường hợp tử vong ở Na Uy và Đức sau khi tiêm vắc xin của hãng Pfizer và đặt câu hỏi về tính an toàn của loại vắc-xin này. Tin tức truyền thông cũng cho rằng truyền thông phương Tây đang kiểm duyệt tin tức. Tại Na Uy, cơ quan y tế cho biết, cho đến nay không có bằng chứng về mối liên hệ trực tiếp giữa vắc-xin và các ca tử vong. Ở Đức, những ca tử vong được xác định không liên quan đến việc tiêm chủng.

Bắc Kinh đang “cố gắng phá hoại uy tín vắc xin COVID-19 của Mỹ vì vắc-xin của Trung Quốc chỉ có hiệu quả nhẹ và có nguy cơ không an toàn”, ông Chang nói.

Đầu tuần này, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hàng loạt tin giả và các tài khoản mạng xã hội cáo buộc “WHO không khuyến nghị sử dụng vắc xin Moderna COVID-19” đã trở nên thịnh hành trên Weibo, một phiên bản Twitter của Trung Quốc. Các bài đăng trực tuyến đã xuyên tạc hướng dẫn của WHO ngày 25/1 khuyến cáo không sử dụng vắc xin Moderna cho những người dưới 18 tuổi hoặc phụ nữ có thai.

Ông Chang tin rằng các chiến dịch thông tin giả của Bắc Kinh sẽ không đạt được mục đích bởi vì "chúng đã đoạn tuyệt với thực tế".

“Trong bất kỳ trường hợp nào, cuối cùng, người dân Trung Quốc sẽ cho thế giới biết điều gì xảy ra”, ông nói thêm. “Các động thái của ĐCSTQ đã trở nên phi nhân tính đến mức họ sẽ không cho phép những lời nói dối của nó tiếp tục tồn tại”.

Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã trì hoãn hơn hai tháng mới thông báo với thế giới về sự bùng phát của virus viêm phổi Vũ Hán. Họ đã biết về sự lây truyền từ người sang người vào cuối năm 2019, nhưng đến ngày 20/1/2020 mới công khai.

Ngày 26/1, BBC lần đầu tiên phát sóng một bộ phim tài liệu ghi lại 54 ngày trước đại dịch Vũ Hán. Nội dung tiết lộ thêm bằng chứng cho thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch, ĐCSTQ đã cố gắng che giấu những bằng chứng về việc virus lây lan trên quy mô lớn và yêu cầu nhân viên y tế không được tiết lộ như thế nào.

Tờ The Guardian của Anh đưa tin hôm 27/1 rằng, trên thực tế, khi các chuyên gia của WHO đến Vũ Hán, các hành vi trấn áp dịch bệnh của ĐCSTQ vẫn tiếp tục leo thang, buộc các nạn nhân địa phương phải im lặng.

Nguyên Hương

 



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh tiếp tục đổ lỗi cho Hoa Kỳ về Đại dịch viêm phổi Vũ Hán