Bắc Kinh nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và Caribe

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông qua các chính sách đầu tư, thương mại, và ngoại giao, Trung Quốc đang dần mở rộng ảnh hưởng của mình sang sân sau của Mỹ - Mỹ Latinh và vùng Caribe (LAC).

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến thêm một bước trong việc cô lập Đài Loan khi gần đây, Nicaragua đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc để ngả sang Bắc Kinh. Điều này khiến Đài Loan chỉ còn 14 quốc gia đồng minh. Đồng minh mạnh nhất của họ tất nhiên là Mỹ. Hiện tại, ĐCSTQ đang tìm cách thay thế Mỹ để trở thành nhà lãnh đạo thế giới. Trung Quốc tấn công Mỹ ngay ở sân sau của Mỹ gồm trung & nam Mỹ và vùng Caribe.

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về giao lưu thương mại với Phi châu và nhiều khu vực ở Á châu. Dù Trung Quốc vẫn đang đứng sau Mỹ trong giao thương ở Mỹ châu, nhưng khoảng cách này ngày càng thu hẹp. Năm 2009, đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 4% các dự án mới ở Mỹ Latinh. Đến năm 2019, con số này đã tăng lên 6,8%. Trong khi đó, Mỹ chiếm khoảng 22% tổng số vốn đầu tư. Tuy nhiên, ở một số nước, đầu tư của Trung Quốc nổi bật hơn cả. Bắc Kinh chỉ mới đầu tư vào Chile cách đây 5 năm, nhưng đã trở thành nguồn cung vốn chủ chốt của quốc gia này.

Thị phần mua bán và sáp nhập của Trung Quốc ở Mỹ Latinh là 2,4% vào năm 2009; nhưng đã tăng lên 16,3% vào năm 2019. Điều này giúp Trung Quốc nâng cao vị thế, chỉ đứng sau Mỹ. Tương tự, năm 2000, thương mại của Trung Quốc với khu vực này là 16 tỷ USD; hiện nay, con số đó là hơn 400 tỷ USD.

Trong thời kỳ hỗn loạn của các cuộc cách mạng cánh tả ở Mỹ Latinh, vào những năm 1980, một số nước LAC đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc. Những nước này gồm có Bolivia, Nicaragua, và Uruguay. Nicaragua chuyển quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1985, và hai lần nữa vào năm 1990 và 2020. Các quốc gia LAC khác có động thái tương tự gồm Bahamas năm 1997, Dominica năm 2004, Grenada năm 2005, Costa Rica năm 2007, và El Salvador năm 2018.

Mỹ đã bàn giao Kênh đào Panama cho người Panama vào năm 1999. Khu vực Kênh đào Panama không còn là lãnh thổ của Mỹ. Cùng năm, công ty Hutchison-Whampoa của Trung Quốc được cấp quyền khai thác các cảng ở cả hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Kênh đào này. Panama là quốc gia đầu tiên trong LAC ký kết Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Ngay cả trước khi Panama công nhận Trung Quốc, Bắc Kinh đã giành được hợp đồng sử dụng các cảng container do các công ty nhà nước Trung Quốc điều hành trên Kênh đào Panama.

Từ năm 2008 - 2016, Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết thỏa thuận ‘đình chiến’ trong việc kêu gọi các nước Mỹ Latinh và các nước đang phát triển chuyển đổi công nhận ngoại giao. Khi quốc gia ở Phi châu là Gambia đề nghị thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, Trung Quốc đã từ chối bởi phải tuân theo thỏa thuận ngừng tranh chấp. Năm 2016, bà Thái Anh Văn được bầu làm Tổng thống Đài Loan, Trung Quốc đã chấp nhận lời đề nghị của Gambia. Ngoài ra, Sao Tome and Principe, một quốc gia châu Phi nhỏ khác, cũng thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh trong cùng năm đó.

Bắc Kinh nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và Caribe, Trung Quốc đang dần mở rộng ảnh hưởng của mình sang sân sau của Mỹ gồm Mỹ Latinh và Caribe
Tổng thống Gambia Adama Barrow đi dạo với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 21/12/2017. Hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2016 (Ảnh: Nicolas Asfouri / AFP / Getty Images)

Các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang Trung Quốc đã nhận được rất nhiều ưu đãi trong cho vay, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, sân vận động thể thao, phòng khám, và quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ví dụ, Costa Rica đã có được sân vận động thể thao ngay sau khi chuyển quan hệ ngoại giao sang Trung Quốc vào năm 2007.

Năm 2017, Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Ngay trước khi quyết định này được thông báo, tập đoàn Landbridge của Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cảng container Panama Colon, một cảng nước sâu, trên đảo Margarita của Panama, và khu liên hợp hậu cần trị giá 1 tỷ USD. Tổng thống Panama khi đó là ông Juan Carlos Varela đã giữ bí mật về quyết định này. Ông chỉ thông báo với Mỹ một giờ đồng hồ trước khi đưa ra thông báo chính thức.

Một năm sau, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Panama. 2 nước đã ký kết 19 thỏa thuận hợp tác liên quan đến thương mại, cơ sở hạ tầng, ngân hàng, du lịch, giáo dục, cũng như hiệp ước dẫn độ.

Năm 2018, Cộng hòa Dominica và El Salvador cũng chuyển quan hệ ngoại giao sang Bắc Kinh. Dominica đã được cung cấp một gói đầu tư và cho vay trị giá 3,1 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, và một nhà máy điện khí tự nhiên.

Trước khi thay đổi đối tác ngoại giao, Dominica đã là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong khu vực, với kim ngạch thương mại lên đến 2 tỷ USD. Đến năm 2020, thương mại giữa 2 quốc gia này tăng lên khoảng 2,4 tỷ USD. Trong đó, Cộng hòa Dominica chịu thâm hụt thương mại nghiêm trọng với gần 2 tỷ USD.

Những người bạn còn lại của Đài Loan ở Mỹ châu gồm có: Belize, Guatemala, Haiti, Honduras, Paraguay, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, và Saint Vincent and Grenadines. Trong khi đó, 19 quốc gia ở LAC đã tham gia BRI của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh đã ký kết “quan hệ đối tác chiến lược” với 10 quốc gia khác trong khu vực.

Việc chuyển đổi công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc thường đi kèm với việc bị cắt giảm viện trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, ĐCSTQ rất thành thạo trong việc viết séc. Do vậy, hầu như các quốc gia này không cảm nhận mất mát nào. Để tăng ảnh hưởng của mình ở Mỹ châu và chống lại ĐCSTQ, Mỹ phải hợp tác thiết thực với các nước LAC, giúp họ tăng trưởng GDP. Vào năm 2013, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden nói rằng, Mỹ có thể tham gia Liên minh Thái Bình Dương với tư cách cố vấn. Liên minh này là một hiệp ước thương mại giữa Chile, Colombia, Mexico, và Peru.

Mỹ, cùng với G7, đang lên kế hoạch cho chương trình “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”, một phương tiện tài trợ cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. Chương trình này sẽ cạnh tranh với BRI của Trung Quốc.

Trong khi Đài Loan mất quan hệ ngoại giao trong LAC, Mỹ đang tăng cường hỗ trợ Đài Loan. Lính Mỹ, dưới thời chính phủ ông Trump và ông Biden, đang đồn trú trên đảo Đài Loan. Trung Quốc chắc chắn đang giành được chỗ đứng, nhưng Mỹ vẫn giữ vị trí ưu thế của mình trong khu vực - đặc biệt là khi nói đến Kênh đào Panama.

Tầm quan trọng của Kênh đào Panama đã tăng lên trong đại dịch COVID-19, do Mỹ thúc đẩy quá trình định hình lại chuỗi cung ứng. Mỹ vẫn là nước chủ chốt trong việc khai thác các cảng biển, chiếm 66% lượng hàng hóa. Ngược lại, Trung Quốc chỉ chiếm 13% lưu lượng trên Kênh đào. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước sử dụng nhiều nhất Khu thương mại tự do Colón.

Mỹ vẫn đang dẫn trước, nhưng chính sách đối ngoại của Mỹ cần được điều chỉnh nhằm chống lại sự xâm lấn của ĐCSTQ ở Mỹ châu.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và Caribe