Bắc Kinh tăng ngân sách quân sự, Mỹ và Trung Quốc tiến gần hơn đến xung đột?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình gần đây đã kêu gọi quân đội nâng cao khả năng chiến đấu và đẩy nhanh việc xây dựng một "lực lượng đẳng cấp thế giới". Phải chăng động thái này báo hiệu Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần hơn đến xung đột?

Các chuyên gia Trung Quốc lập luận rằng, nước này quyết định tăng ngân sách quân sự là do họ đã nhìn thấy trước nguy cơ bùng nổ xung đột giữa chính quyền Trung Quốc với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hơn nữa, cuộc đối đầu giữa ĐCSTQ, Hoa Kỳ và phương Tây đang leo thang nhanh chóng, và cuối cùng một cuộc đối đầu quân sự là kịch bản khó có thể khó tránh khỏi.

Cùng với chỉ thị này, ĐCSTQ tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quân sự trong năm nay lên hơn 7%. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mới đây cũng tuyên bố rằng quan hệ Mỹ - Trung có “nguy cơ trật đường ray” và có “khả năng lao vào xung đột”.

“Kỳ họp Lưỡng hội” ở Trung Quốc đề cập đến hai phiên họp toàn thể thường niên của cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Trung Quốc, đó là: Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Kỳ họp Lưỡng hội được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 4/3 đến ngày 13/3. Hôm 8/3, ông Tập Cận Bình đã tham dự một phiên họp toàn thể của các đoàn đại biểu quân đội và cảnh sát vũ trang. Ông nói rằng Trung Quốc phải củng cố và cải thiện “hệ thống và các năng lực chiến lược quốc gia tích hợp”, nhằm đẩy nhanh sự phát triển của một “quân đội đẳng cấp thế giới”.

Phát biểu trước báo giới hai ngày trước các phiên họp này, ông Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), phát ngôn viên báo chí của phái đoàn quân đội và cảnh sát vũ trang tại Kỳ họp Lưỡng hội rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng 7,2% lên 230 tỷ USD.

Ông Đàm Khắc Phi chỉ ra rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hoạt động huấn luyện quân sự cũng như nhập khẩu thêm các công nghệ và vũ khí mới. Ông nói, khoản đầu tư này “dành riêng cho mục đích bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và phát triển các lợi ích quân sự”.

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu quân sự và mức tăng “đột biến” trong năm nay đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 2019, vượt quá tốc độ tăng trưởng GDP 5% của nước này.

Xung đột tiềm tàng với Mỹ và Nhật Bản

Theo Giáo sư Tạ Điền (Frank T. Xie) của Trường Kinh doanh Aiken ở Nam Carolina, ĐCSTQ đang mở rộng chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ và Nhật Bản trong tương lai, cũng như một cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông.

Ông Tạ Điền lập luận rằng, việc ông Tập nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cải thiện sức mạnh chiến đấu trong trong cuộc họp phái đoàn quân đội và lực lượng vũ trang ngày 8/3 là điều vô cùng trọng yếu đối với chiến lược của ĐCSTQ.

“Tại thời điểm này, ĐCSTQ không đề cao vai trò lãnh đạo quân sự của Đảng, ngụ ý rằng ông Tập dường như nắm rất chặt quyền lực quân sự”, ông nói thêm.

“Ông Tập đang lo ngại rằng sức mạnh quân sự và công nghệ của Trung Quốc hiện không đủ mạnh để ứng phó với các xung đột quân sự tiềm tàng với Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan”, ông Tạ Điền nói thêm.

“Mặc dù ĐCSTQ thiếu các nguồn lực và khuynh hướng tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài, nhưng họ có thể cung cấp vũ khí cho Nga. Nhưng trên hết, những thách thức địa chính trị đang thúc đẩy ĐCSTQ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Theo Giáo sư Tạ Điền, phần lớn khí tài quân sự của Trung Quốc được nhập khẩu từ Ukraine và Nga.

Ông nói: “Xung đột Nga - Ukraine là chứng minh cho thấy thiết bị quân sự của Ukraine và Nga tụt hậu đáng kể so với công nghệ quân sự của phương Tây và ĐCSTQ rõ ràng cũng nhận ra khoảng cách này”.

“ĐCSTQ đang nỗ lực cải thiện năng lực chiến đấu của quân đội bằng cách đánh cắp các công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ. Hơn nữa, họ đang cố gắng mở rộng năng lực của mình thông qua chiến tranh phi đối xứng, cũng như trong tất cả các khía cạnh của chiến tranh hoặc chiến tranh không hạn chế”.

Hình ảnh máy bay không người lái trinh sát tầm cao WZ-7 của Lực lượng Phòng không Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) một ngày trước Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, hôm 27/9/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images)

Ngân sách quân sự tăng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung

Mặc dù Trung Quốc và Hoa Kỳ được khuyến khích hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp tục leo thang, đặc biệt là khi ĐCSTQ tăng cường triển khai quân sự tại các khu vực tranh chấp, chẳng hạn như Biển Đông, và ngày càng trở nên hung hăng đối với Đài Loan.

Giáo sư Tạ Điền nhấn mạnh rằng: “Rõ ràng là sự đối đầu giữa ĐCSTQ với Hoa Kỳ và phương Tây đang leo thang rất nhanh chóng. Tôi cho rằng một cuộc đụng độ quân sự chắc chắn là điều không thể tránh khỏi. ĐCSTQ đang tăng chi tiêu quân sự, điều này sẽ dẫn đến việc các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, cũng có động thái tương tự".

Ngân sách mới nhất của Tổng thống Joe Biden cho năm tài chính 2024, được công bố hôm 9/3, đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng lên 842 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm tài chính 2023.

Ngân sách của Tổng thống Biden bao gồm 9,1 tỷ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc nhằm chống lại sự hung hăng của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Để đối phó với căng thẳng leo thang với ĐCSTQ, sáng kiến này nhằm duy trì và cải thiện năng lực quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. 400 triệu USD khác sẽ được gửi vào một quỹ được Quốc hội Mỹ ủy quyền để chống lại ĐCSTQ trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế và kỹ thuật.

Trong một cuộc họp hôm 06/03, ông Tập đã trực tiếp chỉ trích Hoa Kỳ. Ông cáo buộc "các quốc gia phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã dốc toàn lực ngăn chặn, bao vây và đàn áp" ĐCSTQ. Điều này đã “mang đến những thách thức nghiêm trọng và chưa từng có” đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Đáp lại lời chỉ trích của ông Tập Cận Bình, chuyên gia về các vấn đề thời sự của Hoa Kỳ Trần Phá Không tuyên bố rằng các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ thường tránh sử dụng thuật ngữ như "xã hội phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo". Thuật ngữ này được sử dụng trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Ông Trần nhấn mạnh rằng bằng cách nêu đích danh Hoa Kỳ, ông Tập có thể đã thúc đẩy leo thang tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế xuất cảng nghiêm ngặt đối với việc mua lại thiết bị bán dẫn, công nghệ và nhân tài của Bắc Kinh vào tháng 10/2022. Mục tiêu của các hạn chế này là sử dụng công nghệ bán dẫn để ngăn chặn sự phát triển quân sự của Trung Quốc và ngăn chặn hoạt động gián điệp trong tương lai đối với các cá nhân trong và ngoài nước. Kể từ khi Mỹ thực thi những hạn chế này, các nhà sản xuất chip của Trung Quốc không thể mua các công nghệ của Hoa Kỳ.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh tăng ngân sách quân sự, Mỹ và Trung Quốc tiến gần hơn đến xung đột?