Bahrain - một trong những nước đi đầu tiêm vaccine Sinopharm bây giờ ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ngoái, Bahrain đã trở thành một trong những nước đầu tiên phê chuẩn sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc, mặc cho một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại vì loại vaccine này thiếu dữ liệu công khai về mức độ an toàn và hiệu quả. Gần đây, quốc gia Trung Đông này đã bắt đầu tiêm liều thứ 3 cho người dân và khuyến khích một số đối tượng lựa chọn vaccine khác.

Trong tuần này, các quan chức Bahrain đã nói với truyền thông rằng họ sẽ cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech cho một số nhóm người nguy cơ cao đã được tiêm 2 liều vaccine của Sinopharm.

Cách đây vài tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa phê duyệt vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Đây là loại vaccine đầu tiên do Trung Quốc phát triển được cơ quan y tế toàn cầu chấp thuận. Loại vaccine này do Sinopharm và Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh hợp tác phát triển, hiện là một trong những loại vaccine nội địa được tiêm chủ yếu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên ở Bahrain, theo quan sát của The Washington Post, gần 50% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng họ lại đang phải trải qua đợt dịch nghiêm trọng nhất trong vài tuần qua. Chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa hai tuần để kiểm soát dịch.

Theo Hãng thông tấn Bahrain (BNA), hôm qua ngày 3/6, nước này có 1.936 ca nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia có dân số 1,6 triệu người này lên hơn 240.000 người, với hơn 1.000 trường hợp tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Bahrain, ông Waleed Khalifa al-Manea, cho biết hôm 3/6 rằng, sau 6 tháng tiêm vaccine của Sinopharm Trung Quốc, những người trên 50 tuổi mắc bệnh mãn tính hoặc béo phì đã được khuyến khích tiêm thêm vaccine Pfizer-BioNTech.

Ở Bahrain, người dân có thể sử dụng ứng dụng di động để đặt liều vaccine tăng cường thứ ba. Mặc dù họ có thể chọn Sinopharm hoặc Pfizer-BioNTech, nhưng quốc gia này khuyến cáo những người thuộc một số nhóm rủi ro nhất định nên chọn Pfizer-BioNTech.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quốc gia láng giềng của Bahrain, cũng phụ thuộc rất nhiều vào vaccine của Sinopharm. Trước đó, họ đã thông báo rằng sẽ cung cấp liều vaccine Sinopharm thứ ba của từ giữa tháng 5 năm nay. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, một số người ở Ả Rập không tạo ra đủ các kháng thể sau khi tiêm loại vaccine này.

Các quốc gia Vùng Vịnh không phải là nơi duy nhất xuất hiện số ca nhiễm lớn sau khi tiêm vaccine của Tập đoàn Sinopharm. Tại Seychelles, Chile và Uruguay, các quốc gia này đều sử dụng vaccine Sinopharm cho kế hoạch tiêm chủng đại trà, và ngay cả khi đã tiêm thì số ca mắc bệnh vẫn tăng lên.

Báo cáo của WHO

Một báo cáo được công bố vào tháng trước của nhóm chuyên gia WHO đã trích dẫn bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc, Bahrain, Ai Cập, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, phát hiện ra rằng đối với người trong độ tuổi từ 18 đến 59, hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 của vaccine Sinopharm là 78,1%.

Mặc dù hiệu lực này nằm trong cùng phạm vi với vaccine do AstraZeneca sản xuất, nhưng nó thấp hơn nhiều so với hiệu lực của vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna - 2 loại được báo cáo có hiệu quả hơn 90%.

Nhóm chuyên gia của WHO cũng cảnh báo rằng do thiếu dữ liệu, nên không xác định được hiệu quả của vaccine Sinopharm đối với những người từ 60 tuổi trở lên.

Ngoài ra, trong tuần này WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp một loại vaccine khác do công ty Sinovac của Trung Quốc phát triển và sản xuất. Báo cáo cho biết loại vaccine này đã ngăn ngừa được 51% các triệu chứng ở người được tiêm chủng. Tuy nhiên, các quan chức nói rằng, cũng không có đủ dữ liệu để ước tính hiệu quả của vaccine Sinovac đối với những người trên 60 tuổi.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Bahrain - một trong những nước đi đầu tiêm vaccine Sinopharm bây giờ ra sao?