Bản ngã chính trị của ông Biden và ông Tập khiến kinh tế toàn cầu gặp khó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đang sống trong một cuộc chiến.

May mắn thay, không phải mọi cuộc chiến đều sử dụng bom và đầu đạn - những thứ san bằng các thành phố và giết chết hàng triệu người. Nhưng cuộc chiến này cũng tồi tệ gần như thế. Và dường như không có bên liên quan nào đứng ra lãnh trách nhiệm.

Đó là cuộc chiến chống lại một kẻ thù bất khả chiến bại; cuộc chiến mà trong đó những người tham gia chiến đấu đã đặt cược mọi thứ vào chiến thắng.

Giống như mọi cuộc chiến tranh khác, hậu quả đau đớn về kinh tế bởi cuộc chiến này đang tạo nên một vết sẹo cho nền kinh tế toàn cầu.

Lời hứa lớn lao của ông Biden

Trong suốt chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2020, ứng cử viên Joe Biden khi đó hứa rằng ông sẽ ‘nghiền nát’ đại dịch Covid-19.

Tất cả người Mỹ đã nghe đi nghe lại lời hứa ấy dưới hình thức này hay hình thức khác, kiểu như: “Tôi sẽ đưa ra kế hoạch đối phó với đại dịch này một cách có trách nhiệm, tôi đã thực hiện được rồi. Tôi sẽ không đóng cửa đất nước, tôi sẽ không đóng cửa nền kinh tế, nhưng tôi sẽ ‘đóng cửa’ virus”.

Trong khi đó thực tế cho thấy, virus vẫn đang làm những gì trong khả năng của nó — đó là liên tục biến đổi và lây lan.

Ông Biden đã lên một kế hoạch vĩ đại để đánh bại virus. Và ông ấy ví nó như một cuộc chiến tranh… “Tôi biết chúng ta có thể làm được và chúng ta sẽ đánh bại virus này. Nước Mỹ sẽ không thua trong cuộc chiến này. Quý vị sẽ hồi phục. Cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Điều đó sẽ xảy ra. Chuyện [tồi tệ] sẽ không kéo dài mãi mãi”.

Bằng cách tuyên bố như vậy, ông Biden đã biến chiến thắng đại dịch trở thành điều tối quan trọng. Bất cứ điều gì ngoại trừ chiến thắng hoàn toàn Covid-19 sẽ là một điều đáng bẽ mặt.

Nhưng khi biến thể Omicron bắt đầu hoành hành, chính quyền Biden chẳng thể làm gì nhiều. Trong khi các quy định về tiêm vaccine bắt buộc của liên bang đã không đem lại hiệu quả trong ‘cuộc chiến’ chống virus thì các yêu cầu về xét nghiệm và cách ly đang tiếp tục gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ.

Ông Biden đang tạo nên những mối đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế vào thời điểm mà nước Mỹ không đủ khả năng để chống đỡ

Trong khi đó, tại Trung Quốc…

Trung Quốc, bệ phóng ban đầu của virus corona, cũng muốn ‘nghiền nát’ con virus này bằng chính sách “zero-Covid”. Tờ Wall Street Journal đưa tin, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đóng cửa nhiều trạm kiểm soát vận chuyển đường bộ sau khi phát hiện chỉ một ca nhiễm Omicron. Đương nhiên, điều này đã gây áp lực lớn hơn lên các trạm kiểm soát vẫn được phép hoạt động.

Tài xế xe tải đến từ các nước giáp biên giới Trung Quốc như Việt Nam, Lào và Myanmar đã mắc kẹt trong nhiều tuần tại Trung Quốc. Và việc giải quyết những tắc nghẽn đã tồn đọng trong nhiều tuần sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.

Các cảng vận chuyển hàng hóa như Thâm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân và Đại Liên đang hoạt động chậm chạp do giới chức Bắc Kinh áp đặt nhiều hạn chế. Tại thành phố Ninh Ba của Trung Quốc, cảng biển bận rộn thứ 3 thế giới, hoạt động kiểm dịch đã khiến việc vận chuyển hàng hóa bị chậm lại một cách đáng kể. Việc chậm trễ trong thời gian một tuần có thể ảnh hưởng đến 4 tỷ USD hoạt động thương mại.

Lời hứa quét sạch virus chỉ là bản ngã chính trị

Vậy tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng các chính sách đã tạo ra thảm cảnh kinh tế như vậy?

Lý do của Trung Quốc cũng là lý do của nước Mỹ. Thể hiện tính ưu việt của chính quyền bằng việc quét sạch virus ở Trung Quốc sẽ làm đẹp và nâng cao cái tôi của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đó là một mục tiêu ngốc nghếch. Virus sẽ biến đổi, và các biến thể liên quan tới Covid sẽ không bao giờ có thể loại bỏ hết. Đó là bản chất của virus.

Đóng cửa biên giới sẽ chỉ tiếp tục làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng áp lực lên lạm phát. Khi Trung Quốc và Mỹ tiến hành cuộc chiến chống lại một loại virus đang suy yếu một cách nhanh chóng, hai nước này đang cùng nhau phá hủy nền kinh tế toàn cầu.

Nếu ông Biden muốn cải thiện chuỗi cung ứng, ông ấy nên thay đổi suy nghĩ về Covid-19 và thuyết phục “người bạn cũ” của mình là ông Tập làm điều tương tự.

Thật không may, một hiệp ước hòa bình với virus là rất khó để đạt được, vì vậy nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Điều này có nghĩa là những phao cứu sinh trong suy thoái, như quỹ SPDR Gold Shares (GLD) và Vanguard Utilities Index Fund (VPU), là những nơi đáng để xem xét đầu tư.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Tim Collins đã có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò cố vấn tài chính trước khi ông thành lập quỹ phòng hộ của riêng mình. Quỹ này mua cổ phần của các công ty như Facebook, Twitter và AirBnB trước khi chúng được niêm yết đại chúng. Ông Collins hiện là đồng tác giả của bản tin đầu tư Streetlight Confidential (cùng với Bob Byrne). Trong hơn một thập kỷ, nhiều bài viết và bài bình luận của ông đã xuất hiện trong chuyên mục RealMoney và RealMoneyPro của TheStreet.com.

Xuân Hoa

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bản ngã chính trị của ông Biden và ông Tập khiến kinh tế toàn cầu gặp khó