Báo cáo điều tra: Trung Quốc săn lùng người Đài Loan ở nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một báo cáo mới của một nhóm nhân quyền cho thấy hơn 600 người Đài Loan bị bắt ở nước ngoài đã bị trục xuất về Trung Quốc trong những năm gần đây. Bắc Kinh cho rằng các nghi phạm Đài Loan trong một số trường hợp ở nước ngoài cần được dẫn độ về Trung Quốc vì nạn nhân của họ bao gồm cả người Trung Quốc đại lục.

Tổ chức Nhân quyền Safeguard Defenders cho biết, hoạt động này đã được "sử dụng như một công cụ để phá hoại chủ quyền của Đài Loan", BBC đưa tin.

Đài Loan, hòn đảo tự cho mình là một quốc gia độc lập, từ lâu đã khăng khăng rằng những người Đài Loan bị bắt ở nước ngoài phải được đưa trở lại đất nước của họ.

Nhưng Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai thuộc Trung Quốc.

Safeguard Defenders cho biết các vụ trục xuất, được đối chiếu từ các báo cáo truyền thông từ năm 2016 đến 2019, "được sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nước ngoài" và cáo buộc Trung Quốc đang "săn lùng" người Đài Loan.

Tổ chức Nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha này chỉ ra rằng những người Đài Loan được dẫn độ về Trung Quốc, nơi họ "không có gốc gác và không có gia đình", đồng thời cảnh báo rằng họ có nguy cơ bị đàn áp và ngược đãi nhân quyền nghiêm trọng.

Tổ chức này lập luận rằng, một số quốc gia đang vi phạm luật nhân quyền quốc tế trong việc tuân theo các hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh, đặc biệt là Tây Ban Nha và Kenya. hai nước này đã dẫn độ nhiều nhất người Đài Loan sang Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc cho rằng các nghi phạm người Đài Loan trong một số trường hợp nên bị dẫn độ về Trung Quốc vì nạn nhân của họ bao gồm cả người Trung Quốc đại lục.

Không có thông tin nào được cung cấp trong báo cáo về số phận của những người Đài Loan bị dẫn độ sang Trung Quốc, nhưng Tổ chức Nhân quyền lưu ý rằng ít nhất có hai người đã được chiếu trên truyền hình Trung Quốc để nói lời xin lỗi công khai với nạn nhân.

Nó cũng nêu bật một trường hợp năm 2016 ở Kenya, nơi các nhà chức trách ở đó bảo vệ quyết định của họ gửi một nhóm người Trung Quốc và Đài Loan đến Trung Quốc, trong đó có một số người được tuyên bố trắng án. Họ nói rắng, quốc gia châu Phi không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Năm 2017, Đài Loan đã cố gắng đàm phán nhiều lần với chính quyền Campuchia để hủy bỏ việc dẫn độ một nhóm người Đài Loan sang Trung Quốc, nhưng không thành công.

Đáp lại báo cáo mới nhất, chính phủ Đài Loan được AFP dẫn lời nói rằng Trung Quốc "không có quyền tài phán" đối với những người Đài Loan bị bắt hoặc bị kết án ở nước ngoài, và rằng Bắc Kinh muốn "thể hiện chủ quyền của mình đối với Đài Loan".

"Chúng tôi một lần nữa cảnh báo phía Trung Quốc rằng lĩnh vực chống tội phạm không liên quan đến chính trị và chúng tôi hy vọng các đơn vị thực thi pháp luật của cả hai bên có thể tiếp tục hợp tác trên cơ sở hiện hành để đấu tranh hiệu quả với tội phạm và bảo vệ sự an toàn nơi công cộng".

Trung Quốc vẫn chưa phản hồi.

Theo chính sách "Một Trung Quốc", Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng bất kỳ quốc gia nào muốn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trước tiên phải cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan. Điều này đã dẫn đến việc Đài Loan bị cô lập về mặt ngoại giao với cộng đồng quốc tế.

Theo Tổ chức Nhân quyền Safeguard Defenders, Trung Quốc ngày càng cho thấy rằng, họ không những không coi trọng pháp quyền và vi phạm các chuẩn mực quốc tế, mà còn không do dự truy đuổi các đối thủ của mình trên khắp thế giới. Thông qua đàn áp xuyên quốc gia và dẫn độ chính thức, CHND Trung Hoa đang truy bắt những kẻ đào tẩu kinh tế, người tị nạn Duy Ngô Nhĩ, những người bảo vệ nhân quyền và những người Hong Kong chạy trốn. Nhưng một nhóm ít được chú ý hơn cho đến nay: hàng trăm công dân Đài Loan đã bị giam giữ và bị ép buộc dẫn độ từ khắp nơi trên thế giới về Trung Quốc đại lục.

Các quy tắc dẫn độ quốc tế và nhân quyền quy định các điều kiện rõ ràng về việc dẫn độ có thể chấp nhận được và các cơ sở để tự động từ chối. Cốt lõi của các chuẩn mực quốc tế này là nguyên tắc không bồi hoàn, chỉ đơn giản ra lệnh rằng không quốc gia nào được gửi bất kỳ ai đến một quốc gia khác, nơi họ có nguy cơ bị đàn áp hoặc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Tại Trung Quốc, quyền cơ bản của con người bị từ chối một cách cố ý mà không bị trừng phạt. Những vi phạm nhân quyền này đều phổ biến và có hệ thống như giam giữ tùy tiện, tra tấn, thủ tiêu và bức cung.

Việc dẫn độ công dân Đài Loan đến CHND Trung Hoa dưới áp lực của Bắc Kinh nên bị coi là vi phạm quyền con người được xét xử công bằng và quyền không bị tra tấn của họ. Cộng đồng quốc tế nên thực hiện các bước ngay lập tức để ngăn chặn hành vi này.

Nguyên Hương



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo điều tra: Trung Quốc săn lùng người Đài Loan ở nước ngoài