‘Báo cáo Durham’ về vụ FBI điều tra ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã yêu cầu cố vấn đặc biệt John Durham ra điều trần trước quốc hội về báo cáo của ông, được công bố hôm thứ 2, về cuộc điều tra của FBI năm 2016-2017 đối với chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.

“Chúng tôi đã liên hệ với Bộ Tư pháp để yêu cầu cố vấn đặc biệt John Durham ra điều trần vào tuần tới”, Dân biểu Jim Jordan (Cộng hòa - Ohio), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện viết trên Twitter.

Ông Jordan cho biết phiên điều trần có thể sẽ diễn ra vào ngày 25/05. Ông Durham được yêu cầu tóm tắt về cuộc điều tra của ông trong khoảng 10 phút, sau đó trả lời các câu hỏi từ các thành viên quốc hội.

Báo cáo về cuộc điều tra của FBI về ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần
Dân biểu Jim Jordan (Cộng hòa - Ohio) tại hội nghị CPAC ở National Harbor, bang Maryland, Mỹ, ngày 28/02/2019. (Ảnh: Charlotte Cuthbertson/The Epoch Times)

Trước đó, thứ 2 (15/05), Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố “báo cáo Durham” - bản báo cáo dài hơn 300 trang rất được công chúng Mỹ mong đợi - về cuộc điều tra kéo dài hơn 3 năm của công tố viên đặc biệt John Durham. Ông Durham đã điều tra về hành vi của FBI từ tháng 07/2016 đến tháng 05/2017 khi cơ quan này điều tra chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Theo “báo cáo Durham”, việc FBI vội vàng mở cuộc điều tra và việc họ sử dụng các căn cứ không có giá trị làm tiền đề cho cuộc điều tra nhằm vào ông Trump là sự khác biệt to lớn so với cách cơ quan này xử lý các cuộc điều tra nhạy cảm về mặt chính trị khác vào năm 2016.

Một ví dụ là việc FBI xử lý vụ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng email riêng để gửi đi các email tuyệt mật của chính phủ, theo báo cáo. “Báo cáo Durham” cho biết FBI và Bộ Tư pháp đã nỗ lực dẹp bỏ một cuộc điều tra về Quỹ Clinton, nhằm đạt mục đích có rất ít hoặc không có hoạt động điều tra nào diễn ra trong những tháng trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 - khi bà Hillary Clinton và ông Donald Trump tranh cử tổng thống.

Nhưng FBI lại có thái độ khác đối với ông Trump, ông Durham kết luận. Bằng chứng là “cả Hoa Kỳ lẫn Cộng đồng Tình báo dường như không sở hữu bất kỳ bằng chứng xác thực nào về sự thông đồng [giữa Nga và ông Trump] khi FBI bắt đầu cuộc điều tra Crossfire Hurricane”. Crossfire Hurricane là mật danh cho cuộc điều tra của FBI về chiến dịch tranh cử của ông Trump.

“Báo cáo Durham” cũng cho thấy các đặc vụ liên bang liên tục lờ đi các thủ tục quan trọng khi họ đưa ra yêu cầu giám sát đối với các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Báo cáo về cuộc điều tra của FBI về ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần
Cố vấn đặc biệt John Durham đến tòa án liên bang ở Washington, Mỹ, ngày 18/05/2022. (Ảnh: Teng Chen/The Epoch Times)

Nhiệm vụ của ông Durham

Ông Durham được Tổng chưởng lý khi đó là ông William Barr yêu cầu điều tra “liệu FBI có đủ cơ sở để mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane” hay không, cũng như liệu “việc mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane … vào ngày 31/07/2016 có phù hợp với cách FBI xử lý các thông tin tình báo khác mà họ đã nhận được trước ngày 31/07/2016 - những thông tin liên quan đến việc các nhóm lợi ích nước ngoài gây ảnh hưởng đến bà Clinton và các chiến dịch khác - hay không?”.

Ngoài ra, ông Durham được giao nhiệm vụ xác định xem liệu FBI có xem xét cẩn thận và đúng quy trình “các thông tin tình báo có ý nghĩa quan trọng khác” mà họ nhận được gần như cùng lúc với thông tin được sử dụng để mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane hay không. “Các thông tin tình báo có ý nghĩa quan trọng khác” đề cập ở trên là các thông tin không liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump, mà liên quan đến một kế hoạch phục vụ chiến dịch tranh cử của bà Clinton - kế hoạch này có mục đích “phỉ báng ông Donald Trump bằng cách khuấy động một vụ bê bối rằng có sự can thiệp của các cơ quan an ninh Nga [vào chiến dịch của ông Trump]”.

Đồng thời, ông Durham phải tìm ra bằng chứng về bất kỳ “hành động nào của bất kỳ nhân viên FBI hoặc bên thứ ba nào liên quan đến cuộc điều tra Crossfire Hurricane - những người đã vi phạm bất kỳ đạo luật hình sự liên bang nào, bao gồm cả việc cấm khai báo sai với các quan chức liên bang”.

Cuối cùng, ông Durham phải xác định xem “hành động của FBI hoặc nhân viên của cơ quan này trong việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc thông tin không đầy đủ cho Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISC) có vi phạm bất kỳ đạo luật hình sự liên bang nào hay không”.

“Báo cáo Durham” kết luận rằng: “Các điều tra viên Crossfire Hurricane của FBI đã không chứng thực và không thể chứng thực bất kỳ cáo buộc nào có trong Hồ sơ Steele”. Nguyên nhân một phần là vì các quan chức cấp cao của FBI đã không tuân thủ các quy tắc về phân tích thông tin đối với thông tin mà họ nhận được từ một nguồn tin có liên hệ với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Crossfire Hurricane

Ông Durham phát hiện ra rằng FBI đã không nói chuyện với những người cung cấp thông tin mà được sử dụng để mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane.

Cơ quan này cũng không kiểm tra cơ sở dữ liệu của chính họ, không đối chiếu thông tin với các cơ quan tình báo khác, không phỏng vấn các nhân chứng quan trọng và không sử dụng “bất kỳ công cụ phân tích tiêu chuẩn nào thường được FBI sử dụng để đánh giá thông tin tình báo thô”, báo cáo nêu rõ.

Ông Durham cũng chỉ ra rằng ông Peter Strzok, người phụ trách cuộc điều tra, có “cảm giác thù địch rõ ràng đối với ông Trump”.

Báo cáo về cuộc điều tra của FBI về ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần
Đặc vụ FBI Peter Strzok trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, ngày 12/07/2018. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

“Báo cáo Durham” cho biết: Nếu FBI tuân thủ các quy tắc mà chính họ lập ra, các đặc vụ của cơ quan này sẽ phát hiện ra rằng cả FBI và CIA đều không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Trump hoặc bất kỳ ai trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã liên lạc với bất kỳ quan chức tình báo nào của Nga vào bất kỳ thời điểm nào trong chiến dịch tranh cử.

Theo “báo cáo Durham”, việc FBI xử lý cuộc điều tra về ông Trump khác biệt hoàn toàn so với cách tiếp cận thận trọng mà FBI đã áp dụng khi xử lý các vấn đề liên quan đến cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - đối thủ tranh cử tổng thống của ông Trump khi đó. Ví dụ là, FBI và Bộ Tư pháp đã nỗ lực dẹp bỏ cuộc điều tra về Quỹ Clinton, nhằm đạt mục đích có rất ít hoặc không có hoạt động điều tra nào xảy ra trong những tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Durham nhấn mạnh vào cách tiếp cận khác biệt của FBI đối với thông tin tình báo mà họ nhận được từ một nguồn tin nước ngoài đáng tin cậy; nguồn tin này cho thấy chiến dịch tranh cử của bà Clinton đã lên kế hoạch bôi nhọ ông Trump bằng cách tung tin rằng ông Trump thông đồng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cũng theo nguồn tin nước ngoài này, mục tiêu của chiến dịch tranh cử của bà Clinton là chuyển sự chú ý của công chúng khỏi vụ bê bối liên quan đến việc bà sử dụng trái phép email cá nhân để truyền đi các email tối mật của chính phủ.

“Không giống như việc FBI mở một cuộc điều tra đầy đủ về các thành viên trong chiến dịch của ông Trump dựa trên thông tin thô, chưa được kiểm chứng; thì trong một vấn đề riêng biệt liên quan đến một kế hoạch có mục đích của bà Clinton, FBI chưa bao giờ mở bất kỳ loại điều tra nào, đưa ra bất kỳ nhiệm vụ nào, sử dụng bất kỳ nhân viên phân tích nào, hoặc xuất bản bất kỳ báo cáo phân tích nào”, “báo cáo Durham” nêu rõ.

FBI không thể chứng thực Hồ sơ Steele

Các nhà điều tra liên bang Mỹ đã không bao giờ chứng thực được bất kỳ tuyên bố nào trong hồ sơ khét tiếng của Steele, “báo cáo Durham” kết luận.

Tác giả của Hồ sơ Steele, cựu sĩ quan tình báo Anh Christopher Steele, từng không thể chứng thực bất kỳ tuyên bố nào ngay cả khi FBI đề nghị trả cho ông ấy 1 triệu USD để làm như vậy.

Báo cáo về cuộc điều tra của FBI về ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần
Cựu sĩ quan tình báo Vương quốc Anh Christopher Steele tại London, ngày 24/07/2020. Ông này đã từ chối lời đề nghị 1 triệu USD từ FBI về việc nêu tên những người có thể chứng minh các cáo buộc được nêu trong 'Hồ sơ Steele' khét tiếng năm 2016. (Ảnh: Tolga Akmen/AFP qua Getty Images)

Trước đó, báo cáo của cố vấn đặc biệt Robert Mueller vào năm 2019 cũng không thể chứng thực cho các tuyên bố trong Hồ sơ Steele.

Ông Steele đã thuê một công dân Nga sống ở Hoa Kỳ, Igor Danchenko, để biên soạn các cáo buộc trong hồ sơ. Giống như ông Steele, ông Danchenko không thể chứng thực bất kỳ tuyên bố nào khi đối mặt với FBI.

“Thay vào đó, ông Danchenko mô tả thông tin mà ông ấy cung cấp cho ông Steele là 'tin đồn và suy đoán' và là sản phẩm của các cuộc trò chuyện thông thường", trích “báo cáo Durham”.

‘Báo cáo Durham’ về vụ FBI điều tra ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần
Ông Igor Danchenko (phải) bên ngoài tòa án Hoa Kỳ ở Alexandria, bang Virginia, ngày 11/10/2022. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

FBI bị vũ khí hóa

“Những người cánh tả đã thâm nhập vào gần như mọi tổ chức ở đất nước này”, Dân biểu Mike Johnson (Cộng hòa - Louisiana), thành viên của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, viết trên Twitter vào hôm thứ 2. Ông Johnson từng lớn tiếng chỉ trích cái mà ông gọi là các cơ quan chính phủ bị “vũ khí hóa”.

Ông Johnson viết: “Báo cáo Durham chứng minh rằng các cơ quan thực thi pháp luật liên bang không thực thi pháp quyền, họ đã bị vũ khí hóa để tạo ra kết quả chính trị phù hợp với những người nắm trong tay quyền lực”.

Dân biểu Elise Stefanik (Cộng hòa - New York), đảng viên Cộng hòa quyền lực thứ 3 tại Hạ viện Mỹ, có cùng quan điểm với ông Johnson. Theo bà, “báo cáo Durham” cho thấy các cơ quan liên bang Mỹ đã bị vũ khí hóa để chống lại ông Trump.

Bà viết trong một tuyên bố vào hôm thứ 2 như sau: “Việc lạm dụng quyền lực này đã đi đến tận Phòng Bầu dục, nơi Tổng thống Obama và sau đó là Phó Tổng thống Joe Biden tham gia ngay từ đầu”.

Ông Durham được yêu cầu điều trần về báo cáo về cuộc điều tra của FBI đối với ‘thông đồng Trump - Nga’
Bà Elise Stefanik (Cộng hòa - New York), Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, ngày 08/06/2022. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Trong một tuyên bố đăng trên Truth Social sau khi “báo cáo Durham” được công bố và sau khi ông Jordan yêu cầu ông Durham điều trần, cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi quốc hội Mỹ hành động.

“Hành vi hoàn toàn bất hợp pháp này [cuộc điều tra của FBI] đã có tác động rất lớn đến cuộc bầu cử [năm 2016] … Chúng ta đang chứng kiến một Tội ác Thế kỷ!”, ông Trump viết. “Quốc hội phải làm gì đó về việc này. [Nó] không bao giờ được xảy ra nữa!”.

Trong một tuyên bố được công bố vào hôm thứ 2, FBI đã thừa nhận những sai lầm của họ trong cuộc điều tra năm 2016-2017 về chiến dịch tranh cử của ông Trump. Cơ quan này cũng nói rằng họ đã thực hiện một số cải cách để xử lý những sai lầm đó.

“Hoạt động điều tra [của FBI] trong năm 2016 và 2017 - mà công tố viên đặc biệt Durham vừa đưa ra báo cáo điều tra - là lý do khiến ban lãnh đạo hiện tại của FBI đã thực hiện hàng chục hành động khắc phục, những hành động khắc phục này đã được làm trong một thời gian”, FBI viết. “Nếu những cải cách đó được thực hiện vào năm 2016, những sai lầm được nêu ra trong báo cáo [của ông Durham] có thể đã được ngăn chặn”.

Xuân Hoa tổng hợp

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

‘Báo cáo Durham’ về vụ FBI điều tra ‘thông đồng Trump - Nga’: Ông Durham được yêu cầu điều trần