Báo cáo Nhân quyền tố cáo Trung Quốc tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo nêu tên ông Biện Lệ Triều, một giáo viên xuất sắc tại trường trung học ở tỉnh Hà Bắc, từng bị kết án 13 năm tù phi pháp từ năm 2012.

Phần Trung Quốc trong “Báo cáo Nhân quyền năm 2022” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) công bố vào ngày 20/3/2023, nêu rõ cuộc đàn áp Pháp Luân Công và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn. Ngoài Trung Quốc, báo cáo còn cho biết chính phủ Nga có lệnh cấm cực đoan đối với các nhóm tôn giáo ôn hòa, trong đó có Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công hướng dẫn mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt quá các quy định về pháp luật.

Báo cáo Nhân quyền về tình hình ở Trung Quốc

Báo cáo Nhân quyền có phần nội dung về Trung Quốc dài 87 trang, trong đó liệt kê 25 loại vi phạm nhân quyền mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện trong năm qua, như giết người, bắt cóc, tra tấn, bắt giam tùy tiện và không xét xử công bằng. Nhiều vi phạm bắt nguồn từ việc ĐCSTQ muốn bóp nghẹt các quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và hoạt động tín ngưỡng.

Một hình thức giam giữ hành chính là bắt “các tín đồ tôn giáo và tâm linh, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công” trong cái gọi là các trung tâm “giáo dục”.

Báo cáo năm 2021 trích dẫn ví dụ của ông Nhậm Hải Phi, một học viên Pháp Luân Công bị bắt mà không có lệnh của chính quyền, đã bị giam giữ mà không cần xét xử và không bị buộc tội kể từ tháng 6/2020.

Vợ của ông Nhậm Hải Phi, bà Vương Tinh, sống ở Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng vào ngày bị bắt, ông đã bị đánh đập dã man tại đồn cảnh sát Cam Tỉnh Tử, thành phố Đại Liên. Ông bị suy tim và thận nặng và rơi vào tình trạng nguy kịch. Sau đó ông được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Tân Hoa, thành phố Đại Liên.

Trong danh sách các tù nhân được nêu tên trong báo cáo nhân quyền có học viên Pháp Luân Công Biện Lệ Triều (Bian Lichao), một cựu giáo viên cấp hai ở tỉnh Hà Bắc bị kết án 13 năm tù vào năm 2012. Vợ ông, người không tu luyện Pháp Luân Công, đã bị bỏ tù vì tố cáo cuộc bức hại của chính quyền, và qua đời vào năm 2020 do tràn dịch ổ bụng trong thời gian ngồi tù, theo Minghui.org.

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp mang biểu ngữ tố cáo cuộc bức hại ở Trung Quốc, trong cuộc diễn hành qua trung tâm Warsaw, Ba Lan, hôm 09/09/2022. (Ảnh: Mihut Savu/The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp mang biểu ngữ tố cáo cuộc bức hại ở Trung Quốc, trong cuộc diễn hành qua trung tâm Warsaw, Ba Lan, hôm 09/09/2022. (Ảnh: Mihut Savu/The Epoch Times)

Báo cáo Nhân quyền năm 2022 cũng viết về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, trong đó nêu rõ:

"Một số nhà hoạt động đã tố cáo chính phủ Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, bao gồm cả những người theo tôn giáo và tâm linh như các học viên Pháp Luân Công và những người Hồi giáo bị giam giữ ở Tân Cương".

Theo đó, vào ngày 4/4/2022, Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ đã công bố một bài báo nghiên cứu đã được thẩm định. Bài báo chỉ ra rằng Trung Quốc đang vi phạm “quy tắc hiến tạng của người chết”, rằng một người hiến tạng phải chính thức tuyên bố là đã chết thì mới được mổ lấy bất cứ nội tạng nào của họ.

Theo báo cáo: “Các tác giả đã phân tích 2.838 bài báo từ các ấn phẩm cấy ghép bằng tiếng Trung Quốc và phát hiện ra rằng trong 71 trường hợp, nguyên nhân gây tử vong là do chính việc cấy ghép nội tạng, nó đã được thực hiện trước khi các bác sỹ đưa ra quyết định hợp pháp về việc chết não.”

Báo cáo Nhân quyền năm 2022 về Nga

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) cũng đề cập đến việc chính phủ Nga đàn áp Pháp Luân Công trong năm 2022. Theo đó, chính quyền Nga đã lạm dụng luật chống khủng bố, cũng như các biện pháp khác, để dán nhãn sai cho các nhóm tín ngưỡng ôn hòa như Pháp Luân Công.

Báo cáo Nhân quyền năm 2022 cho biết, chính phủ Nga đã có những chỉ thị cấm các hoạt động của học viên Pháp Luân Công. Đồng thời, các cộng đồng bị cấm ở Nga như Pháp Luân Công trở thành đối tượng bị phân biệt đối xử, quấy rối, điều tra, khám xét, quản thúc tại gia hoặc giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt.

Hôm 30/1/2023, Tòa án Nhân quyền Âu Châu (ECHR) đã ra phán quyết rằng lệnh cấm của Nga đối với các tài liệu liên quan đến môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công là bất hợp pháp.

Đàn áp Pháp Luân Công ở Bắc Triều Tiên

Tuy không được đưa vào báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao, nhưng Pháp Luân Công cũng bị đàn áp ở Bắc Triều Tiên.

Theo bài báo năm 2019 của Đài Á châu Tự do, Bắc Triều Tiên bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công với “vòng đàn áp đầu tiên, 100 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt ở Bình Nhưỡng.” Pháp Luân Công đã phổ biến rộng rãi trong các gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng và những thương gia thường đến Trung Quốc kinh doanh. Sau khi bị phát hiện, những học viên đã thành mục tiêu của chính phủ Triều Tiên và bị kết án lao động khổ sai hoặc lao động cải huấn, theo Falun Info.

Hoa Kỳ ‘sẽ tiếp tục tập trung’ vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc

Bà Erin Barclay, phụ tá ngoại trưởng lâm thời đặc trách Cục Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, nói về các dự luật nhằm quy trách nhiệm cho những kẻ phạm tội thu hoạch nội tạng người ở Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào điều đó trong hàng loạt các vấn đề về nhân quyền và buôn người tại nơi vấn đề đó phát sinh,” bà nói khi trả lời câu hỏi của The Epoch Times tại cuộc họp báo hôm 20/03 về Báo cáo Nhân quyền năm 2022.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Athens, Hy Lạp, hôm 21/2/2023. (Ảnh: Michael Varaklas/Pool/AFP/Getty Images)

Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Báo cáo Nhân quyền nhằm cung cấp một nguồn tài liệu để bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người trên khắp thế giới.

“Nhân quyền là phổ quát. Chúng không được quy định bởi bất kỳ quốc gia, triết lý hay khu vực nào. Chúng áp dụng cho mọi người ở mọi nơi”, ông Blinken tuyên bố.

Dương Minh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo Nhân quyền tố cáo Trung Quốc tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công