Báo Mỹ khẳng định nhà báo của họ bị bắt giữ ở Nội Mông, Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một bài báo đăng trực tuyến vào ngày 4/9, tờ Los Angeles Times của Mỹ cho biết, phóng viên của họ đã bị bắt đến đồn cảnh sát, bị thẩm vấn, bị túm cổ áo, đẩy vào phòng giam và giam giữ hơn 4 tiếng trước khi bị trục xuất khỏi khu vực phía bắc Trung Quốc.

Một tờ báo của Mỹ cho biết, một trong những nhà báo của họ đã bị bắt giữ ở Nội Mông, Trung Quốc khi nhà báo này đang đưa tin về những căng thẳng liên quan đến chính sách của chính quyền Trung Quốc về việc giảm sử dụng tiếng Mông Cổ trong trường học.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến các nhà báo của 2 nước đang hoạt động tại 2 quốc gia này.

Phóng viên này đã bị các nhân viên cảnh sát mặc thường phục bao vây tại một trường học ở Hohhot, thủ phủ của Nội Mông, và đưa vào xe cảnh sát đến đồn cảnh sát. Cảnh sát nói rằng cô không được phép gọi đến Đại sứ quán Hoa Kỳ.

“Một nhân viên đã nắm lấy cổ họng cô ấy bằng cả hai tay và đẩy cô ấy vào một phòng giam”.

Ba quan chức chính phủ và một sĩ quan cảnh sát đã đi cùng cô đến một ga tàu tại Bắc Kinh và đứng ở cửa sổ cho đến khi tàu khởi hành, tờ Los Angeles Times cho biết.

Bài báo không đưa thông tin danh tính của nhà báo, nhưng trưởng văn phòng Bắc Kinh của tờ báo, Alice Su, xác nhận đó chính là cô. Tuy nhiên, cô không cung cấp thông tin nào khác.

Ban tuyên giáo thành phố Hohhot chưa phản hồi về vụ việc.

Thông tin này được đưa ở đoạn gần cuối bài viết của cô Su về các cuộc biểu tình và tẩy chay lớp học đã xảy ra ở Nội Mông trong tuần này về chính sách tăng cường sử dụng tiếng Trung tại các trường học mà tiếng Mông Cổ là ngôn ngữ giảng dạy chính.

Nội Mông có 25 triệu dân, giáp với đất nước Mông Cổ về phía bắc. Khoảng 17% dân số ở Nội Mông là người dân tộc Mông Cổ, người Hán chiếm 79%.

Ngay trước khi năm học mới bắt đầu vào tuần này, giới chức Nội Mông công bố những thay đổi đối với các trường trong khu vực. Các tiết học văn của học sinh tiểu học và trung học cơ sở sẽ chuyển sang dùng sách giáo khoa quốc gia và hướng dẫn bằng tiếng Quan Thoại, còn một số tiết học khác sẽ được thực hiện trong 2 năm tới.

Những người phản đối chính sách này cho rằng động thái này là nhằm buộc người dân hòa nhập vào nền văn hóa Hán chiếm đa số của Trung Quốc. Họ lo sợ tiếng mẹ đẻ của họ có thể bị xóa sổ theo thời gian.

Trong năm nay, Hoa Kỳ đã phân loại một số hãng truyền thông thuộc chính phủ Trung Quốc tại nước này là phái bộ nước ngoài và giới hạn số lượng thị thực dành cho các phái bộ này xuống còn một vài nhân viên. Theo đó, các hãng truyền thông này buộc phải giảm quy mô nhân viên là người Trung Quốc của mình hoạt động tại Mỹ.

Để trả đũa, Trung Quốc đã trục xuất các nhà báo của 3 tờ báo Mỹ và yêu cầu một số văn phòng thông tấn của Hoa Kỳ bao gồm cả The Associated Press nộp các thủ tục giấy tờ tương tự như yêu cầu của Hoa Kỳ đối với một phái bộ nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Đầu tuần này, chính phủ Úc cho biết, một nhà báo người Úc tên là Cheng Lei làm việc cho đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ. Hiện không rõ tại sao nhà báo này lại bị bắt giữ.

Cô Cheng là người dẫn chương trình BizAsia trên CGTN - kênh tiếng Anh của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV. Cô sinh ra ở Trung Quốc và làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Úc trước khi bắt đầu sự nghiệp báo chí với CCTV ở Bắc Kinh vào năm 2003.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Báo Mỹ khẳng định nhà báo của họ bị bắt giữ ở Nội Mông, Trung Quốc