Bất chấp nạn đói, Triều Tiên phóng thử tên lửa lần hai trong chưa đầy một tuần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay, ngày 11/1, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo; theo thông tin từ quân đội Hàn Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa thứ hai trong chưa đầy một tuần. Trong nước, thiếu lương thực, thực phẩm đang là vấn đề nghiêm trọng hàng đấu với dân sinh và quân đội của nước này.

Quân đội Hàn Quốc và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đồng loạt xác nhận rằng Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo ra biển vào sáng sớm hôm nay (ngày 11/1). Đây là vụ thử nghiệm tên lửa lần hai của đất nước bí hiểm bậc nhất thế giới này trong vòng chưa đầy một tuần. Động thái này diễn ra sau khi Chủ tịch nước ông Kim Jong Un hối thúc thêm những bước tiến mới trong quân sự (theo tin từ Reuters)

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ chính phủ Tokyo cho biết, quả tên lửa dường như đã hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Kim Jong Un thề sẽ tăng cường năng lực quân sự

Lời thề năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh việc quân đội cần được tăng cường, tiến nhanh về công nghệ, sức mạnh để đối phó với tình hình quốc tế ngày càng bất ổn trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ bị đình trệ. Để thực hiện chỉ đạo này, trong tuần qua, Triều Tiên đã phóng thử liên tiếp hai tên lửa đạn đạo. Chưa biết các tên lửa này có mang theo đầu đạn hạt nhân hay không.

Thứ Tư tuần trước, ngày 5/1, Triều Tiên cho biết họ đã bắn một "tên lửa siêu thanh" trúng mục tiêu.

Vụ phóng tên lửa hôm nay (ngày 11/1) diễn ra sau khi phái bộ của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, với sự tham gia của Pháp, Ireland, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Albania, đã đưa ra một tuyên bố chung lên án vụ thử tên lửa hôm 5/1 mà Triều Tiên công bố.

Bức ảnh không xác định ngày này do Hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 10/9/2017 cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (phía trước bên trái thứ 2) tham dự buổi biểu diễn nghệ thuật dành cho các nhà khoa học và kỹ thuật viên hạt nhân, người làm việc trên hydro bom. mà chế độ tuyên bố đã thử nghiệm thành công, tại Nhà hát Nhân dân ở Bình Nhưỡng. (Ảnh của STR / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh không xác định ngày này do Hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 10/9/2017 cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (phía trước bên trái thứ 2) tham dự buổi biểu diễn nghệ thuật dành cho các nhà khoa học và kỹ thuật viên hạt nhân, người làm việc trên hydro bom. mà chế độ tuyên bố đã thử nghiệm thành công, tại Nhà hát Nhân dân ở Bình Nhưỡng. (Ảnh của STR / AFP qua Getty Images)

"Những hành động này làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng quân sự, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định của khu vực", Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield cho biết trong tuyên bố hôm thứ Hai. Những cuộc thử nghiệm như vậy không chỉ cải thiện năng lực của Triều Tiên mà còn mở rộng những gì mà họ có thể cung cấp cho các khách hàng, những đại lý vũ khí bất hợp pháp trên khắp thế giới, bà nói thêm (theo Reuters).

Bà nói: “(Triều Tiên) thực hiện các khoản đầu tư quân sự này với cái giá phải trả là hạnh phúc của người dân Triều Tiên".

Các quan chức quân đội Hàn Quốc hôm thứ Sáu bày tỏ nghi ngờ về khả năng của "tên lửa siêu thanh" mà Triều Tiên tuyên bố đã bắn thử vào tuần trước. Quan chức quân đội Hàn Quốc nói rằng nó dường như thể hiện sự tiến bộ hạn chế đối với các tên lửa đạn đạo hiện có của Bình Nhưỡng.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm tất cả các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các chương trình này.

Ông Thomas Greenfield nhắc lại lời kêu gọi các nước trên thế giới thực thi các biện pháp trừng phạt, yêu cầu Triều Tiên quay trở lại đàm phán và từ bỏ tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Các gia đình Triều Tiên đang mòn mỏi vì đói

Triều Tiên dốc toàn lực phát triển vũ khí hạt nhân và phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, còn người dân thì đang sống trong cảnh khốn khó. Nạn đói ở Triều Tiên được các tổ chức quốc tế cảnh báo và thực tế đã diễn ra từ cuối năm 2021.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, vào ngày 14/6/2021, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố một báo cáo ước tính rằng, Triều Tiên sẽ sản xuất được khoảng 5,561 triệu tấn lương thực từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021, và sản lượng trung bình trong 5 năm qua là 5,612 triệu tấn. Nếu nhìn vào số liệu từ năm 2020 đến năm 2021, lượng lương thực thực tế sẵn có ở Triều Tiên chỉ có 4,889 triệu tấn, cao hơn một chút so với mức tiêu thụ trung bình 4,541 triệu tấn, vậy thực tế là nước này sẽ thiếu hụt tới 858.000 tấn lương thực.

Người dân Triều Tiên cúi đầu tưởng nhớ ông Kim Jong Il, họ bị cấm cười trong 11 ngày. (Ảnh: Getty Images)
Người dân Triều Tiên cúi đầu tưởng nhớ ông Kim Jong Il, họ bị cấm cười trong 11 ngày. (Ảnh: Getty Images)

Theo báo cáo, FAO cảnh báo nếu Triều Tiên không nhận được lương thực nhập khẩu hoặc hỗ trợ nhân đạo, người dân sẽ phải hứng chịu một nạn đói từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. Báo cáo cho biết, tình trạng thiếu lương thực luôn là vấn đề dân sinh lớn ở Triều Tiên, năm ngoái, mưa lớn và bão cũng khiến năng suất cây trồng giảm.

Vào ngày 3/6/2021, Viện Phát triển Hàn Quốc chỉ ra rằng, có thể chắc chắn là Triều Tiên hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng lương thực, và nhiều gia đình đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thiếu lương thực. Cơ quan này chỉ ra rằng, người dân Triều Tiên hiện đang bán các tài sản cơ bản của gia đình để mua thực phẩm. Cách làm như vậy không bền vững và phải được giải quyết bằng hành động ngay lập tức.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu nói trên, sản lượng cây lương thực của Triều Tiên trong năm ngoái thấp hơn 4 triệu tấn một chút. Nếu muốn duy trì cuộc sống cho đất nước với dân số gần 26 triệu người này, thì cần khoảng 5,2 triệu tấn lương thực.

Ông Song Young-chae, một nhà hoạt động của Tổ chức Phi chính phủ “Liên minh Toàn cầu nhằm Ngăn chặn Thảm sát Triều Tiên”, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Telegraph rằng, chúng tôi biết được từ những người cung cấp thông tin, đó là người dân Triều Tiên đang phải hứng chịu thống khổ và họ đang chết dần chết mòn.

Ông Song nói rằng về nạn đói mà Triều Tiên đang phải trải qua, một mặt là do nhà nước quản lý kinh tế kém; mặt khác là do tiền được chi vào sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa. Mặc dù Hàn Quốc đã đề nghị cung cấp lương thực và các hỗ trợ khác nhưng Bình Nhưỡng đã không đáp lại.

Năm 2020, nền kinh tế của Triều Tiên bị suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1997, trong khi sản lượng ngũ cốc của nước này cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011.

Thanh Đoàn

 



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp nạn đói, Triều Tiên phóng thử tên lửa lần hai trong chưa đầy một tuần