Bất chấp việc Nga rút lui, LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vẫn tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp việc Nga ngừng tham gia vào thỏa thuận cho phép xuất khẩu nông sản của Ukraine ra thị trường toàn cầu, Liên Hợp Quốc (LHQ), Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vẫn đang thúc đẩy việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen với một kế hoạch xuất cảng 16 tàu ngũ cốc vào ngày 31/10.

Moscow đã tạm dừng vai trò của mình trong thỏa thuận Biển Đen hôm thứ Bảy (29/10), ngưng vận chuyển hàng hoá từ Ukraine, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga nói động thái này là nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đối với Hạm đội Biển Đen của Moscow ở Sevastopol, Crimea. Theo đó, Nga đã đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc "vô thời hạn" vì không thể "đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự" đi lại theo thỏa thuận này.

Hôm 30/10, LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng giải cứu thỏa thuận ngũ cốc này. Người phát ngôn của LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã vô cùng lo lắng trước quyết định của Nga và phải hoãn chuyến công du nước ngoài để cố gắng khôi phục hiệp định nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.

Theo các nhà phân tích, giá lúa mì trên thị trường có thể sẽ tăng vào thứ Hai sau quyết định của Nga, vì cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất lúa mì lớn của thế giới.

Kể từ tháng 7, gần 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành của Ukraine đã được xuất khẩu. Một Trung tâm Điều phối chung (JCC) bao gồm các cơ quan chức năng của LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã quyết định nối lại thỏa thuận này.

Vào ngày 30/10, không có chuyến tàu nào xuất cảng qua hành lang ngũ cốc. Tuy nhiên, LHQ tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch xuất cảng 16 tàu - 12 tàu đi và 4 tàu đến - vào hôm thứ Hai (31/10).

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, ông đang liên lạc với những người đồng cấp Nga và Ukraine để tìm cách cứu vãn thỏa thuận này, đồng thời khuyến cáo các bên tránh gây thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đều đã khuyến khích Nga cân nhắc lại quyết định của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo hôm thứ Bảy (29/10) rằng, lập trường của Nga là "hoàn toàn phi lý" và sẽ chỉ làm trầm trọng thêm nạn đói trên toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Moscow đã vũ khí hóa lương thực.

Hôm Chủ nhật, Đại sứ Nga tại Washington đã phản pháo lại, gọi phản ứng của Mỹ là "thái quá" khi đưa ra những tuyên bố sai lệch về hành động của Moscow.

Ukraine trước cáo buộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol bằng 16 máy bay không người lái vào sáng ngày 29/10. Moscow cáo buộc nỗ lực "tấn công khủng bố này" có sự góp sức của các "chuyên gia" hải quân Anh. London đã phủ nhận cáo buộc này.

Ukraine không xác nhận cũng như không phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công và nói rằng, chính Nga phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công đó.

Ông Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, tuyên bố Moscow lợi dụng các vụ nổ cách hành lang ngũ cốc 220 km (137 dặm) như một "cái cớ giả mạo" cho động thái đã được lên kế hoạch từ lâu.

"Nga đã quyết định tiếp tục các trò chơi gây ra đói kém từ lâu và bây giờ đang tìm cách biện minh cho điều đó", ông Kuleba nói trên Twitter mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Hôm 29/10, Chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga dàn dựng các vụ tấn công vào chính các cơ sở của chính mình.

Ukraine thường xuyên cáo buộc Nga sử dụng Hạm đội Biển Đen để phóng tên lửa hành trình vào các địa điểm dân sự của Ukraine. Một số nhà phân tích quân sự tin rằng điều này sẽ khiến cho hạm đội trở thành mục tiêu quân sự.

Nga đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp vào ngày 31/10 để xem xét về vụ việc Sevastopol, Phó Đại sứ LHQ Dmitry Polyanskiy nói trên Twitter.

Tàu chở ngũ cốc bị chặn

Trước khi thỏa thuận ngũ cốc hết hạn vào ngày 19/11, Nga tuyên bố rằng họ có những vấn đề lớn và Ukraine cáo buộc rằng Moscow đã chặn gần 200 tàu lấy hàng ngũ cốc.

Vào thời điểm thỏa thuận được ký kết, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho hay, khoảng 47 triệu người đang phải chịu "nạn đói nghiêm trọng" do chiến tranh khiến các chuyến hàng của Ukraine bị đình trệ, gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và khiến giá cả tăng vọt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cáo buộc Nga cố gắng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, cho rằng 218 tàu bị chặn và không thể vận chuyển hàng tiếp tế hoặc cập các cảng của Ukraine.

Ông Zelenskyy tuyên bố, 40.000 tấn lúa mì của nước này đã được đưa lên một con tàu do Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ thuê và chuyển đến Ethiopia, nơi mà ông mô tả là "đang trên bờ vực của nạn đói" và đang trải qua tình trạng thiếu lương thực "thảm khốc". Yemen và Somalia cũng trong tình cảnh tương tự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, quyết định phi lý của Nga đòi hỏi phải có phản ứng quốc tế mạnh mẽ từ LHQ và nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20).

"Đây là một nỗ lực hoàn toàn trắng trợn của Nga nhằm tái tạo mối đe dọa về nạn đói trên quy mô lớn đối với châu Phi và châu Á”, ông Zelenskyy nói trong một bài phát biểu qua video, đồng thời nói thêm rằng Nga nên bị trục xuất khỏi G20.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp việc Nga rút lui, LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine vẫn tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen