Biden cảnh báo về 'hỗn loạn vi hiến' do lệnh cấm phá thai của Texas

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm ngày 2/9, Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng một luật của tiểu bang Texas áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc nạo phá thai được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho phép thực thi sẽ gây ra "hỗn loạn vi hiến" do vi phạm quyền của phụ nữ vốn được tôn trọng trong gần nửa thế kỷ qua.

Tối cao Pháp viện, với tỷ lệ đa số thẩm phán có tư tưởng bảo thủ 6-3, cũng đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào họ sẽ ra phán quyết đối với một trường hợp sắp tới sâu rộng hơn có thể hạn chế quyền phá thai trên toàn quốc, vì nó đã ban hành lệnh cấm phá thai sau tuần thứ sáu của thai kỳ.

Lệnh cấm của Texas cho đến nay đã vượt qua được những thách thức pháp lý một phần vì một đặc điểm rất đặc biệt cho phép người dân tự quản việc thực thi luật này. Nếu ai đó khởi kiện thành công những phụ nữ tìm cách phá thai sau tuần thứ sáu của thai kỳ hoặc kiện những người giúp họ, thì người đó có thể thu về khoản tiền mặt ít nhất 10.000 đô la từ người bị kiện.

Những người ủng hộ quyền dân sự cảnh báo rằng khái niệm này có thể gây hại nếu nó được các bang khác áp dụng hoặc áp dụng cho các quyền gây tranh cãi khác, chẳng hạn như quyền sở hữu súng.

"Nó gây ra sự hỗn loạn vi hiến và trao quyền cho những người tự cho mình là người thực thi pháp luật để gây ra những tác động tàn khốc", Tổng thống Biden, một thành viên Đảng Dân chủ, cho biết trong một tuyên bố chỉ đạo các cơ quan liên bang hành động để bảo vệ quyền phá thai được ghi trong quyết định Roe kiện Wade năm 1973 của Tối cao Pháp viện. "Những người hoàn toàn xa lạ giờ đây sẽ được trao quyền can thiệp vào quyết định về sức khỏe cá nhân và riêng tư nhất của phụ nữ".

Bằng một cuộc bỏ phiếu 5-4, các thẩm phán vào cuối hôm thứ Tư ngày 1/9 đã từ chối yêu cầu khẩn cấp của các nhà cung cấp dịch vụ phá thai và chăm sóc sức khỏe phụ nữ đối với phán quyết thực thi lệnh cấm trong khi vụ kiện vẫn tiếp tục.

Lệnh cấm có hiệu lực sớm vào thứ Tư ngày 1/9 và cấm phá thai sau tuần thứ 6, vào thời điểm mà nhiều phụ nữ thậm chí không nhận ra mình đang mang thai. Luật vẫn có thể bị chặn ở một số giai đoạn khác.

Luật này sẽ dẫn đến lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với thủ thuật nạo phá thai ở bang Texas - tiểu bang đông dân thứ hai của Hoa Kỳ - vì 85% đến 90% các ca phá thai được thực hiện sau 6 tuần của thai kỳ Theo đó, có thể nhiều phòng khám sẽ phải đóng cửa, các nhóm ủng hộ quyền phá thai cho biết.

Một trong sáu thẩm phán có tư tưởng bảo thủ của Tối cao Pháp viện, Chánh án John Roberts, đã phản đối cùng với ba thẩm phán khác theo chủ nghĩa tự do.

"Lệnh của tòa án thật lạ lùng", Thẩm phán thuộc phái tự do Sonia Sotomayor bày tỏ quan điểm bất đồng.

"Được đưa ra với một đơn xin thực thi một đạo luật rõ ràng vi hiến cấm phụ nữ thực hiện các quyền hiến định của họ và trốn tránh sự giám sát của tư pháp, phần lớn các thẩm phán đã quẫn trí rồi".

Trong một lời giải thích không có chữ ký, đa số thẩm phán của Tối cao Pháp viện cho rằng việc xây dựng luật chống nạo phá thai đặc biệt ở Texas - để lại việc thực thi cho các cá nhân khởi kiện - đã hạn chế khả năng hành động của họ và quyết định của họ không phản ánh tính hợp hiến cuối cùng của luật này.

"Tòa án liên bang có quyền ra lệnh cho các cá nhân có nhiệm vụ thi hành luật, chứ không phải bản thân luật", Tối cao Pháp viện cho biết. "Lệnh này không dựa trên bất kỳ kết luận nào về tính hợp hiến của luật Texas và không hạn chế các thách thức phù hợp về mặt thủ tục khác đối với luật Texas, kể cả tại các tòa án bang Texas".

Theo cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, đa số người Mỹ tin rằng, nạo phá thai là hợp pháp ở Hoa Kỳ. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 6, khoảng 52% nói rằng nó phải là hợp pháp trong hầu hết hoặc tất cả các trường hợp, với chỉ 36% nói rằng nó phải là bất hợp pháp trong hầu hết hoặc tất cả các trường hợp.

Chủ tịch đảng Cộng hòa tại Thượng viện bang Florida, ông Wilton Simpson, nói với đài truyền hình địa phương WFLY-TV hôm thứ Năm ngày 1/9 rằng, ông dự định noi gương Texas và sẽ đưa ra lệnh cấm phá thai tương tự trong phiên họp tiếp theo của Quốc hội bang Florida.

Carol Tobias, chủ tịch Ủy ban Quyền sống Quốc gia chống phá thai cho biết: “Đạo luật này sẽ bắt đầu cứu sống hàng chục nghìn trẻ sơ sinh ở Texas và chúng tôi mong chờ ngày mạng sống của các em bé sẽ được cứu trên khắp nước Mỹ”.

Tổng thống Biden, một người theo Công giáo La Mã đã chuyển sang cánh tả trong vấn đề nạo phá thai trong những năm gần đây, cho biết Nhà Trắng sẽ xem xét các bước mà Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Bộ Tư pháp có thể thực hiện để đáp ứng luật Texas. Văn phòng Cố vấn Nhà Trắng và Hội đồng Chính sách Giới của Biden cũng sẽ xem xét vấn đề.

VẤN ĐỀ PHÂN CỰC

Nạo phá thai vẫn là một vấn đề phân cực sâu sắc, với đa số thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ quyền phá thai và hầu hết thành viên Đảng Cộng hòa phản đối quyền này. Số ca nạo phá thai được báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã giảm trong những thập kỷ gần đây, xuống còn khoảng 620.000 vào năm 2018 so với con số gần đây nhất là 790.000 của năm 2009.

Quốc hội có quyền hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc, và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã chỉ trích luật Texas. Bà thề sẽ đưa ra một dự luật để chống lại khi Quốc hội quay trở lại vào cuối tháng này.

"Mục đích của nó là tiêu diệt Roe kiện Wade, và thậm chí từ chối đưa ra ngoại lệ cho các trường hợp hiếp dâm và loạn luân", bà Pelosi nói. "Lệnh cấm này đòi hỏi phải đưa phán quyết Roe kiện Wade thành luật.

Đảng Dân chủ nắm giữ đa số hẹp trong Quốc hội, nhưng việc thông qua Hạ viện sẽ không đồng nghĩa với thành công tại Thượng viện, vốn đòi hỏi 60 trong số 100 thành viên của Thượng viện đồng ý để thông qua hầu hết các luật. Đảng Dân chủ nắm giữ 50 ghế trong Thượng viện, với Phó Tổng thống Kamala Harris nắm giữ lá phiếu bất phân thắng bại.

Quyết định của Tối cao Pháp viện cho thấy tác động của việc bổ nhiệm ba Thẩm phán có tư tưởng bảo thủ của cựu Tổng thống Donald Trump đối với tòa án cao nhất của quốc gia.

Một lệnh cấm như của tiểu bang Texas 'chưa bao giờ được phép ở bất kỳ bang nào kể từ khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết Roe kiện Wade.

Texas nằm trong số hàng chục bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo cấm thủ tục này khi một nhịp tim của thai nhi có thể được phát hiện, thường là ở tuần thứ sáu.

Tối cao Pháp viện trước đó đã chặn những lệnh cấm tương tự, trích dẫn Roe kiện Wade.

Tối cao Pháp viện sẽ tổ chức phiên điều trần để xét xử một vụ kiện khác tập trung vào lệnh cấm phá thai từ 15 tuần của bang Mississippi, trong đó bang đã yêu cầu các thẩm phán lật lại vụ kiện Roe kiện Wade. Phán quyết sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 6 năm 2022.

Nguyên Hương

Theo Reuters

 



BÀI CHỌN LỌC

Biden cảnh báo về 'hỗn loạn vi hiến' do lệnh cấm phá thai của Texas