Biển Đông: Căng thẳng gia tăng khi Bắc Kinh 'khai thác triệt để' nguồn thủy sản ở vùng biển tranh chấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căng thẳng tiếp tục tăng cao ở Biển Đông khi Bắc Kinh tăng cường hiện diện ở vùng biển tranh chấp trong bối cảnh lo ngại về nguồn khai thác thủy sản ngày càng suy kiệt.

Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới và tuyên bố chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông đang tranh chấp.

Chính quyền nước này tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở các vùng biển trù phú và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - hai quần đảo tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy trữ lượng đánh bắt cá trong khu vực đã giảm mạnh 95% kể từ những năm 1950. Trong hai thập kỷ qua, CSIS cũng ước tính số lượng đánh bắt đã giảm 75%.

Trung Quốc đổi cờ hiệu tàu, ngang nhiên xâm phạm đánh bắt ở vùng lãnh hải nước ngoài

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành đánh cá với hàng tỷ USD khoản trợ cấp được đưa ra để thúc đẩy các tàu thuyền Trung Quốc trong khu vực.

Năm 2018, CSIS nhận thấy chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp 5,5 tỷ bảng Anh (7,2 tỷ USD) cho ngư dân Trung Quốc để đảm bảo họ có thể đi xa hơn và đánh bắt lâu hơn ở Biển Đông.

Tàu đánh cá Trung Quốc tại một bến cảng nhỏ ở Tân Môn, tỉnh Hải Nam, ngày 14 tháng 4 năm 2002. (Ảnh: LIU JIN / AFP qua Getty Images)
Tàu đánh cá Trung Quốc tại một bến cảng nhỏ ở Tân Môn, tỉnh Hải Nam, ngày 14 tháng 4 năm 2002. (Ảnh: LIU JIN / AFP qua Getty Images)

Sự cạnh tranh gia tăng ở các vùng biển giàu tài nguyên đã khiến ngư dân địa phương từ các nước láng giềng phải đánh bắt xa bờ hơn và khiến giá cá tăng vọt.

Tabitha Mallory, Giám đốc điều hành của Viện Hải dương Trung Quốc, một công ty nghiên cứu về chính sách nghề cá, khẳng định Bắc Kinh có lợi thế rất lớn so với các nước láng giềng như Philippines, vì họ có thể tránh một số quy định đánh bắt.

Bà Mallory tuyên bố Trung Quốc có thể thay đổi cờ hiệu của tới 1.000 tàu của họ khi đánh bắt cá trong khu vực.

Chia sẻ với Al Jazeera, bà nói: “Một trong những điều Trung Quốc làm là đổi cờ cho tàu của họ, để tránh một số hạn chế mà các nước sở tại phải chịu đối với các đội tàu đánh cá nước ngoài. Có một báo cáo gần đây, ước tính có khoảng một nghìn tàu cá đang hoạt động theo cách này thực sự thuộc sở hữu của Trung Quốc”.

“Và vì vậy để so sánh, ngành đánh bắt xa bờ của Trung Quốc thường xuyên có khoảng 3.000 tàu”, bà nói

Trung Quốc khẳng định họ có thể đánh bắt cá ở những nơi họ muốn và tuyên bố chủ quyền với những khu vực rộng lớn trên Biển Đông cho đến tận bờ biển của Philippines, Malaysia và Đài Loan.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia kiểm soát các nguồn tài nguyên biển trong “vùng đặc quyền kinh tế” 200 dặm. Khu vực xa hơn đó được coi là vùng biển quốc tế.

Theo luật pháp quốc tế, một phần lớn Biển Đông thuộc quyền cai trị của Việt Nam, nhưng Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các tuyến đường thủy.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền vùng biển hình chữ U, bao gồm các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam cũng như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt quá mức cho phép với tổng thời gian lên đến 73.000 giờ chỉ trong một vòng tháng, quanh quần đảo bảo tồn thiên nhiên Galapagos thuộc Ecuador ở phía đông Thái Bình Dương. (Ảnh: RICHARD A. BROOKS/AFP qua Getty Images)
Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt quá mức cho phép với tổng thời gian lên đến 73.000 giờ chỉ trong một vòng tháng, quanh quần đảo bảo tồn thiên nhiên Galapagos thuộc Ecuador ở phía đông Thái Bình Dương. (Ảnh: RICHARD A. BROOKS/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh cũng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế do Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam kiểm soát.

Cùng với nguồn khai thác thủy sản quan trọng, Biển Đông cũng là một khu vực chiến lược quan trọng, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2015 cho thấy ước tính hàng hóa trị giá 5,3 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua các tuyến đường thủy mỗi năm.

'Hạm đội' tàu cá Trung Quốc tận diệt tài nguyên ngoài khơi Ecuador

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt quá mức cho phép với tổng thời gian lên đến 73.000 giờ chỉ trong một vòng tháng quanh quần đảo bảo tồn thiên nhiên Galapagos thuộc Ecuador ở phía đông Thái Bình Dương. Và đây cũng không phải lần đầu Trung Quốc "gian lận" trong việc đánh bắt hải sản ở các vùng biển lân cận.

Theo phân tích của Tổ chức Oceana, tổ chức quốc tế lớn nhất về bảo tồn đại dương, từ ngày 13/7 đến ngày 13/8, gần 300 tàu cá Trung Quốc với công suất hoạt động đánh bắt lên đến 99% ngay sát vùng biển của quần đảo.

Các tàu Trung Quốc đã vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình - định vị tàu biển, vậy nên dù Oceana sử dụng thiết bị bản đồ do tổ chức phi chính phủ Global Fishing Watch phối hợp với Google và cơ quan giám sát môi trường SkyTruth triển khai cũng không nhận dạng chính xác được những con tàu.

Oceana ghi nhận rằng các tàu Trung Quốc dường như đã tắt thiết bị theo dõi, do vậy cung cấp thông tin nhận dạng tàu không đồng nhất.

Chuẩn đô đốc Darwin Jarrin, tư lệnh hải quân Ecuador, hồi tháng 8/2020 cho biết trong số khoảng hơn 300 tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng biển gần quần đảo Galapagos, hơn 140 tàu đã tắt hệ thống liên lạc trong những tháng gần đây. Ông Jarrin cũng nói rằng một số tàu đã đổi tên để tránh bị theo dõi hoạt động.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Biển Đông: Căng thẳng gia tăng khi Bắc Kinh 'khai thác triệt để' nguồn thủy sản ở vùng biển tranh chấp