Bình luận: Hoa Kỳ và Tây Âu lo lắng về viễn cảnh kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc chiến bất khả chiến bại ở Châu Âu? Đó là điều mà các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) lo ngại nhất. Mối quan ngại đang không ngừng gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine bước sang tháng thứ ba và chưa có dấu hiệu về một chiến thắng cũng như một giải pháp ngoại giao khả thi.

Viễn cảnh về một bế tắc đang làm dấy lên lo ngại rằng, Ukraine có thể vẫn là một chiến trường chết chóc ở châu Âu. Đồng thời, nó có thể là nguồn gốc của sự bất ổn trên phạm vi lục địa và toàn cầu trong nhiều tháng, hay thậm chí nhiều năm tới.

Năng lượng và an ninh lương thực là những quan ngại trước mắt. Trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và vật lộn để đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu, cuộc chiến ở Ukraine có thể làm tổn hại hơn nữa đến nền kinh tế toàn cầu. Và nếu Nga chọn cách leo thang, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột trên phạm vi rộng lớn hơn sẽ gia tăng.

Mỹ và các đồng minh đang bơm một lượng vũ khí sát thương không nhỏ vào Ukraine để duy trì cuộc chiến. Trong khi hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, ở thời điểm hiện tại, ít nhất Kyiv cũng đang giữ vững được 'phong độ'. Tuy nhiên phương Tây cần tiếp tục viện trợ quân sự nếu họ muốn ủng hộ lời thề chiến thắng của Tổng thống Volodomyr Zelenskyy, hoặc ít nhất là tiếp tục đối đầu hoặc đánh bại những bước tiến của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không cho thấy động thái làm leo thang cuộc xâm lược bằng việc tổng động viên quân đội hoặc sử dụng vũ khí trái phép, song ông cũng không có dấu hiệu lùi bước. Ông Zelenskyy cũng vậy. Người đứng đầu Ukraine khẳng định rằng, nước này sẽ không chỉ đáp trả cuộc xâm lược của Nga mà còn giành lại quyền kiểm soát Crimea và các khu vực khác mà Nga đã chiếm đóng hoặc kiểm soát từ năm 2014.

Ông Ian Kelly, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã nghỉ hưu, từng là đại sứ Mỹ tại Gruzia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác cho biết: “Rất khó để đạt được một giải pháp thương lượng vào thời điểm này".

Ông Kelly khẳng định: “Không có chuyện Ukraine sẽ lùi bước. Họ nghĩ rằng họ sẽ thắng".

Đồng thời, ông Kelly nói rằng cho dù ông Putin có bao nhiêu tính toán sai lầm về sức mạnh và ý chí kháng cự của Ukraine hay sự đoàn kết và quyết tâm của các đồng minh NATO đi chăng nữa, ông ấy cũng không thể chấp nhận thất bại.

Ông Kelly nói: “Việc rút quân sẽ là hành động 'tự sát' đối với Putin. Rất khó để đạt được một giải pháp thương lượng vào thời điểm này. Cả hai bên đều không sẵn sàng ngừng chiến và khả năng cao là cuộc xung đột sẽ kéo dài vài năm. Ukraine sẽ trở thành vết mưng mủ giữa châu Âu".

Giới chức Mỹ có vẻ đồng ý với nhận định này, dù Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phát biểu trong chuyến thăm Kyiv vào tháng trước rằng, mục tiêu của Washington không phải chỉ giúp Ukraine bảo vệ mình, mà còn để “làm suy yếu” nước Nga đến mức độ không thể thực hiện một chiến dịch quân sự tương tự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong tuần này: “Chiến lược của chúng tôi là chứng kiến ​​Ukraine vươn lên sau chiến thắng này. Ukraine sẽ làm như vậy tại bàn đàm phán. Mục tiêu của chúng tôi là củng cố vị thế của Ukraine tại bàn đàm phán đó khi chúng tôi tiếp tục áp đặt chi phí gia tăng lên Liên bang Nga”.

Sự bất định ở Ukraine đang gây lo ngại cho giới chức của một số nước châu Âu, nhất là các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania – những thành viên NATO nằm gần Nga.

Đối với các quốc gia Baltic và các quốc gia khác ở sườn phía đông của NATO, mối đe dọa là có thật và những ký ức về sự chiếm đóng và cai trị của Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn. Họ cho rằng, việc nhượng bộ Nga ở Ukraine sẽ chỉ khiến ông Putin mở rộng hơn nữa về phía tây.

"Thành thật mà nói, chúng tôi vẫn chưa nói về việc chấm dứt xung đột”, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói trong cuộc trả lời phỏng vấn AP ngày 9/5.

Ông nói rằng bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào ở Ukraine sẽ mở ra một thế giới mà “trật tự dựa trên luật”, nay đã được thay thế bằng “trật tự dựa trên luật rừng”.

Ông Landsbergis gợi ý các nước phương Tây nên ra tuyên bố công khai về định nghĩa chiến thắng. “Đến mức độ nào thì chúng ta có thể tuyên bố chiến thắng? Kịch bản nào mà chúng ta muốn thấy?” ông Landsbergis nói.

Ông Landsbergis đã thẳng thắn kêu gọi lật đổ ông Putin khỏi vị trí nhà lãnh đạo của Nga, vượt xa quan điểm của Mỹ và của các nhà lãnh đạo NATO khác. Ông nói rằng, thay đổi chế độ ở Moscow là cách duy nhất để bảo vệ an ninh của châu Âu và phương Tây trong dài hạn.

Ông nói:" Theo quan điểm thẳng thắn và cởi mở của tôi, cần thay đổi chế độ ở Nga. Có thể đối với Hoa Kỳ, việc cởi mở về phương diện này sẽ khó khăn hơn nhiều, nhưng sẽ có một lúc nào đó chúng ta phải đối mặt với nó, vì điều này rất quan trọng".

Huyền Anh

The AP



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Hoa Kỳ và Tây Âu lo lắng về viễn cảnh kết thúc chiến tranh Nga - Ukraine