Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc vào danh sách các phái bộ ở nước ngoài, ngoại trừ CCTV

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây đã yêu cầu 05 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Hoa Kỳ (ngoại trừ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc - CCTV) đăng ký hoạt động với tư cách là các cơ quan đại diện (các cánh tay nối dài) của chính phủ Trung Quốc, kèm theo đó là những quy định tương ứng.

CCTV là cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và là cơ quan ngôn luận tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). CCTV có 50 kênh, và Kênh 9 (CCTV-9) được đổi tên thành CGTN (Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc) vào năm 2015. CGTN được sở hữu và vận hành bởi CCTV.

Trong khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu CGTN phải đăng ký với tư cách là “phái bộ nước ngoài”, bản thân CCTV lại không phải thực hiện thủ tục này.

CCTV Kênh 4 (CCTV-4) hiện đang hoạt động tại Hoa Kỳ và phát trực tiếp bằng tiếng Hoa tới các cộng đồng người Mỹ gốc Hoa. Các kênh CCTV khác có chương trình trực tuyến cho cộng đồng nói tiếng Hoa tại Hoa Kỳ.

ĐCSTQ từ lâu đã nổi tiếng với việc áp đặt các lệnh kiểm duyệt đối với các phương tiện truyền thông.

Mặc dù ĐCSTQ đã và đang nỗ lực mở rộng tuyên truyền ra xã hội quốc tế trong những năm gần đây, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã xếp Trung Quốc vào vị trí 177/180 đối với Chỉ số tự do báo chí thế giới RSF vào năm 2019.

RSF là một tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ quốc tế hàng đầu với sứ mệnh bảo vệ quyền tự do thông tin.

Tháng 3/2019, RSF đã đưa ra một báo cáo có tiêu đề “Mục tiêu theo đuổi một trật tự truyền thông thế giới mới của Trung Quốc”. Báo cáo nêu rõ: “Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cố gắng hết sức để thiết lập một trật tự truyền thông thế giới mới dưới sự kiểm soát của mình, với mục đích răn đe và ngăn chặn mọi chỉ trích đối với chính quyền đất nước này”.

Báo cáo cho biết thêm, việc mở rộng tầm ảnh hưởng này có nguy cơ đe dọa tự do báo chí trên toàn thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng: “Các kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc đã phát sóng ít nhất 83 tuyên bố ‘thú tội bắt buộc’ kể từ năm 2013, trong số đó có 19 bản ‘thú tội’ liên quan đến các nhà báo hoặc những người viết blog”.

Ngoài ra, vào tháng 1/2020, tổ chức Freedom House (FH) đưa ra một báo cáo với tiêu đề “Loa phóng thanh toàn cầu của Bắc Kinh: Mở rộng ảnh hưởng truyền thông của ĐCSTQ từ năm 2017”. Báo cáo nêu rõ, trong quá trình mở rộng ảnh hưởng qua các phương tiện truyền thông ở nước ngoài, chính quyền Trung Quốc đã “làm lu mờ các quy tắc dân chủ, làm suy giảm chủ quyền quốc gia, khiến sự bền vững tài chính của các kênh truyền thông độc lập bị suy yếu và vi phạm pháp luật của một số quốc gia”.

Được thành lập vào năm 1941, FH là một tổ chức phi chính phủ được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, với sứ mệnh ủng hộ nhân quyền, dân chủ và tự do chính trị.

Báo cáo của FH đưa ra ba mục tiêu của ĐCSTQ trong việc mở rộng ảnh hưởng truyền thông trên phạm vi toàn cầu:

1) Hướng các quốc gia đến cái nhìn tích cực đối với chế độ độc tài của ĐCSTQ;

2) Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, mở rộng việc đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài, cũng như tăng cường can dự chiến lược ở nước ngoài;

3) Cô lập, bôi nhọ, hoặc triệt tiêu hoàn toàn đối với: các “tiếng nói” chống ĐCSTQ, các bình luận chính trị sắc sảo, hoặc các báo cáo vạch trần các hoạt động tiêu cực của chính quyền Trung Quốc hiện thời.

Một số ví dụ về các ‘sản phẩm truyền thông’ của CCTV

Thông qua một công cụ tìm kiếm trực tuyến, The Epoch Times đã tìm thấy một số ví dụ về các “sản phẩm truyền thông” của CCTV.

Vào ngày 1/1, CCTV cho biết Sở cảnh sát Vũ Hán đã có các hành động ngăn chặn các tin đồn thất thiệt về bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán, và 08 người được “gán nhãn” là “lan truyền tin đồn” đang phải đối diện với cơ quan pháp luật.

Một trong tám người này là bác sĩ Lý Văn Lượng, người mà sau này được biết đến như một anh hùng vì đã cố gắng đưa ra cảnh báo sớm cho công chúng về sự lây lan của virus Corona.

Bác sĩ Lý qua đời vào tháng 2 sau khi bị nhiễm virus này. Trước khi qua đời, anh đã đăng lên phương tiện truyền thông xã hội một bức ảnh anh đang nằm trên giường bệnh, trong tay anh cầm tờ giấy mà cảnh sát đã buộc anh phải ký thừa nhận vì đã lan truyền tin đồn.

Có thể nói, CCTV đóng vai trò quan trọng trong việc che đậy tính nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại thành phố Vũ Hán và trên toàn quốc.

Ngoài ra, để ngăn chặn các báo cáo thực tế về tình hình dịch virus này đối với cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ đã dùng tới một số chiêu trò, bao gồm cả việc trục xuất ba phóng viên của Wall Journal Street trong thời gian gần đây.

Trong một ví dụ khác, vào ngày 30/12, CCTV đã phát một chương trình giới thiệu về Trại cải tạo Tân Cương ở Trung Quốc, cũng như cách thức mà trại này đã dùng để cải tạo và chuyển hóa người “Hồi giáo cực đoan” Duy Ngô Nhĩ như thế nào. Trong chương trình này, Trại cải tạo Tân Cương được gọi là “Trung tâm huấn luyện và đào tạo nghề nghiệp”.

Trong khi đó, người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm người dân tộc Hồi giáo chủ yếu sống ở Tân Cương. Theo báo cáo, các trại cải tạo ở Tân Cương được vận hành bên ngoài hệ thống pháp luật kể từ năm 2017, nhằm mục đích chuyển hóa người Duy Ngô Nhĩ.

Chính quyền địa phương đã giam giữ hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ tại đây, và tuyên bố rằng đây là các trung tâm giáo dục dành cho việc cải tạo tự nguyện để chống lại chủ nghĩa cực đoan, và đẩy mạnh việc đồng hóa nhóm người này.

Ngoài ra, vào ngày 9/8, một bản tin của CCTV đã cáo buộc các nhân viên CIA của Hoa Kỳ đã huấn luyện cho những người biểu tình Hồng Kông để họ tham gia vào các hoạt động bạo lực chống lại chính quyền địa phương.

Vào ngày 15/4, CCTV đã tải lên YouTube một bộ phim tài liệu dài hai tập mang tên “Tây Tạng: Cuộc sống mới thịnh vượng”. Phim tài liệu này do Đài truyền hình Bắc Kinh (BTV) sản xuất, mô tả cách Dalai Lama “đánh lừa” các sĩ quan quân đội Trung Quốc để chạy trốn khỏi đất nước này, và sau đó công khai phản bội quê hương vào năm 1959.

Đức Dalai Lama là người nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1989 và Huy chương Vàng của Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2006. Ông là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã trốn sang Ấn Độ vào năm 1959 để thoát khỏi cuộc đàn áp chính trị và tôn giáo của ĐCSTQ.

Vào ngày 15/7, CCTV đưa tin biện hộ cho các nỗ lực của ĐCSTQ trong việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bản tin cho rằng việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ trích những nỗ lực xây dựng đảo của Trung Quốc là một cuộc tấn công bôi nhọ quốc gia này. CCTV cũng đã phát sóng một bộ phim tài liệu gồm sáu tập có tựa đề “Biển Đông” vào tháng 7/2019, nhằm mục đích chứng minh chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực này.

Trung Quốc đã xây dựng ít nhất bảy hòn đảo nhân tạo bằng cách lấp đầy các rạn san hô ở Biển Đông vào giữa năm 2015. Tổng diện tích của những hòn đảo nhân tạo này là khoảng 800 héc ta. Trong đó, một hòn đảo có sân bay dành cho máy bay quân sự. Năm 2016, một tòa án quốc tế ở La Hay đã ra phán quyết chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vào ngày 22/11/2019, CCTV đã báo cáo rằng hải quân Trung Quốc đã trục xuất các tàu hải quân Mỹ ra khỏi lãnh hải Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi kể từ tháng 10/2015, các chiến hạm Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Các hoạt động giám sát của hải quân Hoa Kỳ được cho là giúp duy trì quyền tự do hàng hải, đồng thời góp phần ngăn chặn việc Trung Quốc gây hấn, bắt nạt các quốc gia láng giềng ở Biển Đông.

The Epoch Times đã gửi email và liên lạc điện thoại với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhằm làm rõ thông tin tại sao CCTV không phải đăng ký là đại diện phái bộ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.

CCTV-4 đã được Cục điều tra dân số Hoa Kỳ chọn là một trong những đối tác truyền thông của mình và đã nhận được tiền thuế của Hoa Kỳ từ Chương trình Điều tra Dân số năm 2020.

Thùy Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc vào danh sách các phái bộ ở nước ngoài, ngoại trừ CCTV