Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Trung Quốc vẫn là 'tấm gương sáng chói' về đàn áp tôn giáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo ông Rashad Hussain, Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ĐCS Trung Quốc tiếp tục là một “tấm gương sáng chói” về một chế độ đàn áp công dân của mình thực hiện quyền tự do tôn giáo.

“Có quá nhiều chính phủ vẫn không nản lòng về việc đàn áp đối với công dân của họ. Không có gì ngạc nhiên khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một ví dụ điển hình”, ông phát biểu trong nhận xét ngày 2/6 khi công bố một báo cáo dài 2.000 trang của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo thế giới, trong đó có 140 trang dành riêng cho Trung Quốc.

Báo cáo thường niên đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm đối với các tín đồ tôn giáo của Trung Quốc, những người thường xuyên bị đe dọa trừng phạt vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của họ. Các địa điểm tôn giáo bị đóng cửa và các tín đồ bị bỏ tù vì phân phát tài liệu về tín ngưỡng của họ.

Ông Hussain mô tả vùng xa phía tây của Tân Cương, nơi hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác bị giam giữ trong một mạng lưới các trại giam giữ, như một “nhà tù ngoài trời”.

Ông nói: “Có hàng nghìn thành viên trong gia đình người Duy Ngô Nhĩ - những đứa trẻ rất khao khát muốn biết cha mẹ của mình đang ở đâu, nhưng sợ hãi về việc họ có thể bị (ĐCS Trung Quốc) phát hiện ra và tự hỏi, liệu gia đình mình có bao giờ được đoàn tụ hay không”.

Các nhóm tín ngưỡng khác cũng không thoát khỏi sự đàn áp nặng nề. ĐCS Trung Quốc công nhận 5 tôn giáo - Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Tin lành và Công giáo - gọi đó là “các hiệp hội tôn giáo yêu nước” và buộc các nhóm tôn giáo phải đăng ký với các hiệp hội này để tổ chức các buổi lễ thờ cúng. Một quy định mới có hiệu lực vào tháng 5/2021 yêu cầu tất cả các giáo sĩ tôn giáo thề trung thành với ĐCS Trung Quốc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời tạo một cơ sở dữ liệu về “nhân viên tôn giáo”.

“CHND Trung Hoa tiếp tục quấy rối tín đồ của các tôn giáo khác mà họ cho là không phù hợp với học thuyết của ĐCS Trung Quốc, phá hủy các nhà thờ Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Đạo giáo và bằng cách gây khó khăn về công ăn việc làm và nhà ở đối với các tín đồ Thiên chúa, Hồi giáo, Tây Tạng, các Phật tử, và các học viên Pháp Luân Công", Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết hôm 2/6.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện của Phật gia bao gồm các bài giảng về đạo đức theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn và 5 bài công pháp chậm rãi an hòa. Pháp Luân Công bắt đầu được người sáng lập là ông Lý Hồng Chí phổ biến ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990. Năm 1999, sau 7 năm được người truyền người, số người theo tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc lên tới 70 đến 100 triệu người, theo số liệu của Nhà nước Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng của Pháp Luân Công đã khiến ĐCS Trung Quốc coi là mối đe dọa lớn nhất và vô cùng lo sợ. Ngày 20/7/1999, lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động chiến dịch đàn áp đề “xóa sổ” môn tu luyện hòa bình Pháp Luân Công.

Kể từ đó, hàng triệu người tu luyện môn này đã bị giam giữ trên khắp các nhà tù, trại lao động và trại cải tạo trên khắp Trung Quốc, nơi họ bị tra tấn, tẩy não, lao động cưỡng bức và mổ cướp nội tạng.

Vào tháng 5/2021, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố hạn chế thị thực đối với ông Yu Hui, một quan chức Trung Quốc tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở thành phố Thành Đô, tây nam Trung Quốc.

Theo dữ liệu trên trang Minghui.org, trang web chuyên thu thập thông tin trực tiếp về chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra tại Trung Quốc, ít nhất một người bị liệt do bị tra tấn trong tù trong nhiệm kỳ của Yu và một người khác mắc chứng rối loạn tâm thần.

Hồ sơ của Minghui.org cho thấy, gần 6.000 vụ bắt giữ và 10.000 vụ quấy rối các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ vào năm 2021. Trong số đó, bà Cai Xiufang 98 tuổi ở tỉnh Cát Lâm đã bị giam giữ hàng giờ trong lồng kim loại vì đã nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Trong sáu tháng đầu năm 2021, các tín đồ từ ít nhất 18 tỉnh và thành phố, chiếm hơn một nửa Trung Quốc, đã chứng kiến ​​các nhà chức trách cưỡng bức việc thu thập mẫu máu và dữ liệu sinh trắc học của những học viên này, đôi khi đột nhập vào nhà của họ, trang Minghui đưa tin. Những động thái như vậy đã làm dấy lên cảnh báo rằng, ĐCS Trung Quốc có thể đang tạo ra một cơ sở dữ liệu so sánh nội tạng để 'chuẩn bị' cho công cuộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng sau này.

Vào năm 2019, một hội đồng chuyên gia độc lập đã kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã giết các tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng của họ và bán trên thị trường cấy ghép với “quy mô đáng kể”, một hành động chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù.

Vào tháng 5, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về các báo cáo về hoạt động mổ cướp nội tạng liên tục, có hệ thống, vô nhân đạo từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, và cụ thể hơn là từ các học viên Pháp Luân Công”.

Một phần riêng biệt trong báo cáo của Bộ Ngoại giao về Hồng Kông cũng tiết lộ, không gian tự do tôn giáo bị thu hẹp khi ĐCS Trung Quốc siết chặt kiểm soát.

Tám quầy thông tin Pháp Luân Công ở Hồng Kông đã bị đập phá và phun sơn, điều mà nhóm này mô tả là các cuộc tấn công phối hợp vào tháng 4/2021. Nhiều nhà lập pháp thân Bắc Kinh đã cố gắng đàn áp nhóm tinh thần theo luật an ninh quốc gia sâu rộng của thành phố do ĐCS Trung Quốc áp đặt. Đạo luật đã hình sự hóa các hành vi mà chế độ này quy là hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố hoặc thông đồng với thế lực ngoại quốc, nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến ở Hồng Kông.

Vào tháng 6/2021, một nhóm không rõ danh tính đã treo các biểu ngữ phỉ báng Hồng y Joseph Zen, một nhà phê bình thẳng thắn đối với ĐCS Trung Quốc, xung quanh bảy nhà thờ Công giáo đang có kế hoạch tổ chức thánh lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cụ Zen 90 tuổi đã bị bắt vào tháng trước vì bị cáo buộc vi phạm điều khoản “thông đồng với thế lực ngoại quốc” trong luật an ninh quốc gia. Ông không nhận tội và sẽ ra hầu tòa vào ngày 19/9.

Lam Giang
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Trung Quốc vẫn là 'tấm gương sáng chói' về đàn áp tôn giáo