Bộ phim 'Unsilenced' là minh chứng cho lòng dũng cảm của nhóm người bị bức hại ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một luật sư nhân quyền đã ca ngợi những nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công trong việc phơi bày cuộc bức hại của Trung Quốc là hành động “dũng cảm”.

Đó là những bình luận của luật sư nhân quyền David Matas về bộ phim đoạt giải thưởng Peabody - "Unsilenced" (tạm dịch: Không im lặng). Bộ phim được công chiếu tại rạp chiếu phim Lido ở Melbourne, Úc, vào ngày 8/12.

Luật sư nhân quyền Matas từng nhận Huân chương Canada và cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình cho công trình điều tra tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Sự kiện diễn ra vào Ngày Nhân quyền (10/12) khi thế giới kỷ niệm 75 năm ngày Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Sự kiện này nhằm mục đích nhắc nhở người dân đứng lên để bảo vệ nhân quyền, vốn đang tiếp tục xấu đi ở Trung Quốc.

Theo ông Matas, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã nỗ lực phối hợp để vượt tường lửa và kiểm duyệt nhằm chống lại tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

"Có rất nhiều người Trung Quốc đã rời khỏi đất nước và tiếp cận với thông tin [từ thế giới] bên ngoài, sau đó họ đã có nhiều sáng kiến ​​táo bạo như [những gì] chúng ta chứng kiến trong bộ phim này", ông Matas bình luận vào ngày 8/12 trong một cuộc trò chuyện với ông John Xiao, tổng biên tập của The Epoch Times tại Úc.

Ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, đã phát biểu tại một sự kiện vào ngày 22/11/2022. (Ảnh: Frank LU/New Tang Dynasty)

“Đòn bẩy cho sự thay đổi cần phải đến từ bên ngoài Trung Quốc”, ông Matas nói.

“Người dân [ở Trung Quốc] có quá nhiều rủi ro, ngay cả khi họ biết điều gì đang xảy ra và ngay cả khi họ phản đối những gì đang diễn ra, thì họ cũng đang tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm khi cố gắng thay đổi, thậm chí là để nói rõ sự cần thiết phải thay đổi".

“Vì vậy, nếu chúng ta muốn chứng kiến một sự thay đổi ở Trung Quốc, chúng ta phải trở thành tiếng nói cho sự thay đổi đó".

Bộ phim Unsilenced dựa trên câu chuyện có thật về hai cặp sinh viên của Đại học Thanh Hoa Trung Quốc. Họ cùng nhau giúp một nhà báo phương Tây vượt qua bộ máy giám sát và sự phong tỏa nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), để phơi bày thực trạng bức hại nhân quyền đang xảy ra tại Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công.

Mặc dù bốn sinh viên đã phải trả giá đắt cho hành vi mạo hiểm này, nhưng chính lòng dũng cảm của họ đã có tác dụng lâu dài trong việc chống lại bộ máy tuyên truyền được Bắc Kinh hậu thuẫn chặt chẽ, đồng thời đánh thức chính nghĩa và lương tri của mọi người.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện của Phật gia bao gồm 5 bài tập thiền định nhẹ nhàng, chậm rãi, an hòa và giáo lý Pháp Luân Công dựa trên các giá trị Chân - Thiện - Nhẫn. Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, lần đầu tiên được giới thiệu cho công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi do những lợi ích của nó đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của các học viên. Đến năm 1999, theo ước tính chính thức của chính phủ Trung Quốc, Pháp Luân Công đã thu hút khoảng 70 - 100 triệu học viên.

Lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị của ĐCSTQ. Tháng 7/1999, Giang phát động một chiến dịch tàn bạo nhằm xóa bỏ môn tu luyện này. Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tùy tiện với ước tính từ 1,5 đến 2,5 triệu bị giam trong các trại lao động trong năm 2010.

Đọc thêm:

Vì sao ĐCS Trung Quốc muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P2): Âm mưu, thủ đoạn và tội ác

Nạn mổ cướp tạng sống học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

Ông Xiao nói với khán giả tại sự kiện rằng, nhiều người trong số họ đã xúc động đến rơi lệ trong buổi công chiếu. Chính sự kiên trì của các học viên Pháp Luân Công trong việc giảng rõ sự thật về cuộc bức hại trong hơn 20 năm qua đã minh chứng cho điều đó, ông cho hay.

"Để cung cấp thông tin dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau cho mọi người - như nội dung của bộ phim (Unsilenced) - họ [các học viên Pháp Luân Công] phải đối mặt với nguy cơ bị mất mạng, mất người thân, mất nghề nghiệp, và thậm chí là dành phần đời còn lại trong tù, nhưng họ vẫn tiếp tục thực hành chiểu theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn”.

Ủy viên Hội đồng Box Hill Blair Barker đã xem bộ phim vào ngày 8/12, và cho biết, mặc dù ông đã biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, nhưng cảnh các học viên bị tra tấn trong tù quả thực "chấn động".

“Tôi biết đó là sự thật bởi vì tôi đã nói chuyện với những người mà tôi từng đại diện. Họ cũng từng bị đối xử như vậy. Điều này không nên xảy ra ở bất kỳ đâu”, ông Barker nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng ông rất ấn tượng trước sự kiên cường của nhân vật chính trong phim.

Ông Nguyễn Văn Bon (Bon Nguyễn), cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt tại Úc, nói với The Epoch Times rằng, ông biết các chiến thuật tuyên truyền mà ĐCSTQ sử dụng nhờ kinh nghiệm của ông ở Việt Nam trước khi đến Úc.

Ông nói: “1,4 tỷ người dân Trung Quốc đều là nạn nhân của ĐCSTQ, và họ nên được sống trong tự do. Nhưng để làm được điều đó, ĐCSTQ cần phải sụp đổ và trở thành một hệ thống dân chủ. Chỉ khi đó, mọi người mới có thể nói ra sự thật mà không bị bức hại".

Theo ông Gerard Flood, Thủ quỹ của Đảng Lao động Dân chủ, Úc và các quốc gia trên toàn thế giới nên công nhận sự đóng góp của nhóm học viên Pháp Luân Công.

“Nếu không có sự lãnh đạo của họ, chúng ta sẽ núp dưới cái bóng của ĐCSTQ, thứ gây nguy hiểm cho người dân ở khắp mọi nơi, bao gồm cả Myanmar, Tây Tạng và Tân Cương”, ông Gerard nói với The Epoch Times.

Cựu thành viên Lực lượng Không quân Robert Gray, người cũng tham dự buổi công chiếu vào ngày 8/12, nói với The Epoch Times rằng, những nỗ lực âm thầm của các học viên Pháp Luân Công, chẳng hạn như phân phát các tấm áp phích được in sẵn ở Trung Quốc, dường như là cách duy nhất để họ truyền tải thông điệp.

“Nếu quý vị cố gắng làm bất cứ điều gì khác, quý vị sẽ bị giam giữ vô cớ; bị tra tấn và sát hại", ông nói.

“Chứng kiến và thấu hiểu những điều mà [nhân vật chính] đã trải qua, những điều mà gia đình anh đã trải qua, những điều mà đồng nghiệp của anh đã trải qua, và điều đó vẫn đang diễn ra - trong nhiều trường hợp còn tồi tệ hơn nữa, [ví như] nạn mổ cướp nội tạng - Tất cả cần phải chấm dứt".

Lo sợ sự thật về Covid-19 bị phơi bày ĐCSTQ tăng cường đàn áp Pháp Luân Công
Người tu luyện Pháp Luân Công ở Vienna (Áo) diễn lại quá trình ĐCSTQ mổ cướp nội tạng các học viên bị giam giữ ở Trung Quốc, trong cuộc biểu tình phản đối việc nhập nội tạng người từ Trung Quốc vào Áo, ngày 01/10/2018. (Ảnh: Joe Klamar/AFP/Getty Images)

Cưỡng bức mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công

Kể từ tháng 7/1999, ĐCSTQ đã gây ra “tội ác chống lại loài người” đối với các học viên Pháp Luân Công, trong đó cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn là một trong những “tội ác tàn man rợ nhất của thế kỷ 20”.

Vào tháng 6/2019, một Tòa án độc lập điều tra về Trung Quốc do Ngài Geoffrey Nice KC làm chủ tọa, người trước đây từng chủ trì vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic ở La Haye, đã phát hiện ra rằng "không còn nghi ngờ gì nữa", việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, cụ thể là các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, đã diễn ra trong một thời gian rất dài với một số lượng lớn nạn nhân.

Công trình nghiên cứu của luật sư nhân quyền Matas về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, với sự cộng tác của ông David Kilgour - một luật sư nhân quyền quốc tế và là cựu Ngoại trưởng Châu Á - Thái Bình Dương - đã được xuất bản lần đầu vào năm 2006.

Mười năm sau, bản cập nhật Kilgour Matas Gutmann được xuất bản. Đây là kết quả của sự hợp tác của hai luật sư Matas và Kilgour cùng với nhà báo điều tra Ethan Guttman.

Vào ngày 8/12, ông Matas nói với The Epoch Times rằng: “Có rất nhiều tài liệu về số lượng ghép tạng mà không thể giải thích được dưới bất kỳ hình thức nào".

"Quý vị có rất nhiều thông tin liên quan đến khách du lịch ghép tạng. Chúng tôi có rất nhiều lời khai của nhân chứng... có rất nhiều tình tiết khác nhau đang diễn ra. Vì vậy, thu hoạch nội tạng không diễn ra một lần, mà nó là một chuỗi các bước được tiến hành”.

Ông Matas nói rằng, ông có một phần bản ghi âm cuộc điện thoại điều tra của một cá nhân. Người này được cho là đã nhận được chỉ thị mổ cướp tạng các học viên Pháp Luân Công của cựu lãnh đạo Trung Quốc, Giang Trạch Dân.

Theo một báo cáo (pdf), hàng trăm bệnh viện đã cung cấp dịch vụ ghép tạng, hàng nghìn bác sĩ phẫu thuật cấy ghép được đào tạo, quân đội tiến hành nghiên cứu cấy ghép và ngành công nghiệp ức chế miễn dịch được nhà nước trợ cấp.

Ngành ghép tạng của Trung Quốc bùng nổ vào năm 2000, trùng hợp với thời điểm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

ĐCSTQ đã phủ nhận các cáo buộc rằng họ đã tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng, và lập luận rằng việc tăng lên hàng chục nghìn ca phẫu thuật hàng năm là nhờ những người hiến tặng tự nguyện.

Ông Matas cho biết hiện tại, 19 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật chống du lịch ghép tạng.

"Tuy nhiên, thế giới có đến 194 quốc gia. Ở Úc, Ủy ban Liên ngành đã đề xuất luật này và chính phủ đã đồng ý, nhưng nó vẫn chưa được ghi nhận", ông Matas nói thêm.

“Ở Canada, luật này có vẻ như sắp được thông qua, nó đã trải qua hầu hết các giai đoạn. Tuy nhiên, luật đề xuất đã trôi nổi trong 10 năm".

Một báo cáo có tiêu đề "Compassion, Not Commerce: An inquiry into human organ trafficking and organ transplant tourism" (tạm dịch: Từ bi, không phải thương mại: Điều tra về nạn buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng) đã được công bố vào tháng 12/2018. Báo cáo cân nhắc về việc, liệu Úc có nên mở rộng luật buôn bán nội tạng nhằm cấm công dân ra nước ngoài để ghép tạng phi đạo đức hay không; cũng như liệu Úc có nên gia nhập Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống Buôn bán Nội tạng Người hay không.

"Theo tôi, về nguyên tắc, họ không phản đối. Chỉ đơn giản là họ còn có những vấn đề khác, họ quá bận tâm đến những thứ khác, và họ chưa nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Thành thật mà nói, không có nhiều người ở những quốc gia như thế này coi đó là vấn đề".

Theo ông Matas, mặc dù Giang Trạch Dân là một nhân vật chủ chốt trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, nhưng cái chết của Giang có nghĩa là có rất ít cơ hội đưa Giang ra trước công lý.

“Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng”, ông Matas chia sẻ.

“Vẫn còn rất nhiều thủ phạm khác, và vẫn cần có một hệ thống tư pháp để đưa họ ra trước vành móng ngựa. Bản thân các tội ác và vai trò của [Giang Trạch Dân] trong [cuộc bức hại] sẽ được ghi nhớ".

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bộ phim 'Unsilenced' là minh chứng cho lòng dũng cảm của nhóm người bị bức hại ở Trung Quốc