Bộ Tứ nhóm họp tại Nhật Bản, nhưng chỉ 1 người dám nêu tên ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc họp gần đây nhất của Đối thoại An ninh Bộ Tứ cho thấy mỗi quốc gia có thể có những cách tiếp cận khác nhau đối với các thách thức.

Ngày 6/10, bốn quốc gia trong số các nước dân chủ mạnh nhất ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhóm họp để thảo luận về việc áp chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, chỉ một người dám nêu tên Chính phủ Trung Quốc.

Australia, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản đều có chung thách thức là mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc, cho dù do các cuộc đụng độ biên giới trên dãy Himalayas, sự siết chặt kinh tế hay sự xâm phạm không phận.

Tuy nhiên, cuộc họp gần đây nhất của Đối thoại An ninh Bộ Tứ cho thấy mỗi quốc gia có thể có những cách tiếp cận khác nhau đối với các thách thức.

Cuộc họp diễn ra tại Nhà khách Iikura xa hoa ở trung tâm Tokyo, Nhật Bản.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu về những thách thức từ ĐCSTQ mà Bộ Tứ cần cùng nhau giải quyết.

Ông nói: "Với tư cách là đối tác trong Bộ tứ này, điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải hợp tác để bảo vệ người dân và quốc gia đối tác của mình khỏi sự bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức của [Đảng Cộng sản Trung Quốc]".

"Khi chúng ta gặp nhau vào năm ngoái, tình hình rất khác, chúng ta không thể ngờ được đại dịch toàn cầu bùng phát từ Vũ Hán”.

"Cuộc khủng hoảng [dịch bệnh này] đã trở nên vô cùng tồi tệ do sự che đậy của ĐCSTQ".

"Bản chất độc đoán của chế độ đó đã khiến các nhà lãnh đạo của nó nhốt và bịt miệng những công dân Trung Quốc rất dũng cảm cố gắng lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh".

Cách thức các quốc gia còn lại trong Bộ tứ đối đầu với Trung Quốc

Sau đó, Ngoại trưởng Úc là bà Marise Payne phát biểu như sau:

"Bộ tứ có một chương trình nghị sự tích cực - đó là một mạng lưới ngoại giao hỗ trợ chúng ta, với tư cách là các nền dân chủ, cùng liên kết để ủng hộ các lợi ích chung".

"Chúng ta tin tưởng vào một khu vực được quản lý theo luật lệ, không phải theo quyền lực. Chúng ta tin vào tầm quan trọng cơ bản của các quyền cá nhân và trong một khu vực mà các tranh chấp được giải quyết theo luật pháp quốc tế".

Tuy bà không nêu tên cụ thể một quốc gia nào trong phần phát biểu của mình, nhưng không cần phải suy nghĩ về quốc gia mà bà Marise Payne ám chỉ.

An ninh hàng hải sẽ tất nhiên là nằm trong chương trình nghị sự, nhưng bà Payne cũng đưa ra một số nội dung khác của chương trình bao gồm "hợp tác y tế ... khoáng sản và công nghệ quan trọng, chống lại bóp méo thông tin sai lệch và hỗ trợ nhân đạo".

Cũng giống như bà Marise Payne, Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Subrahmanyam Jaishankar đã đưa ra "các vấn đề quan trọng về kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh bao gồm chống khủng bố, an ninh mạng và hàng hải, hợp tác y tế, ổn định và thịnh vượng của khu vực".

Theo ông Euan Graham - một cựu quan chức ngoại giao người Anh và hiện là Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tất cả các nội dung đều là một phần của một chiến lược có chủ đích.

Ông Graham nói: "Tôi nghĩ rằng [chương trình nghị sự] là một nỗ lực có chủ ý để làm cho có vẻ không xung đột và không đối đầu với Trung Quốc. Họ đã bàn về phản ứng với đại dịch trước".

"Tôi cho rằng Bộ Tứ sẽ luôn tồn tại trong liên minh hoặc mô hình tiềm năng chống Trung Quốc".

Trung Quốc cho rằng Bộ Tứ là một 'bè phái độc quyền'

Những tuyên bố mạnh mẽ và thẳng thắn từ ông Pompeo dường như không phù hợp với ngoại giao tinh tế của các quốc gia khác.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Bộ Tứ với các nhóm chính thức khác trong khu vực đó là Bộ Tứ là một nhóm không chính thức, không có thông cáo chung để từng thành viên phải đồng ý. Do đó, mỗi quốc gia có thể có những quan điểm cực kỳ khác nhau trong phạm vi rộng lớn của một "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở ”.

Ông Graham cho rằng: "Với một số khía, Bộ Tứ đang giải quyết những vấn đề còn sót lại sau các cuộc họp của ASEAN, nơi không thể thực sự đồng ý hoặc nói một cách cởi mở về một số vấn đề gây tranh cãi mà Trung Quốc không muốn thảo luận công khai".

Ông Graham nhận định rằng: "Đó là lợi thế... mà Trung Quốc chắc chắn sẽ bày tỏ sự phản đối đối với cuộc họp đang diễn ra, nhưng nước này không có quyền phủ quyết".

Chế độ ĐCSTQ đã lên án Bộ Tứ là một nỗ lực để kìm hãm sự phát triển của mình.

Chế độ này hẳn đã theo dõi chặt chẽ Bộ Tứ và tuần trước lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc phải chống lại "bè phái độc quyền" đang nhắm mục tiêu vào bên thứ 3 (ám chỉ Trung Quốc).

Theo ông Derek Grossman - một cựu quan chức tình báo Mỹ và hiện là nhà phân tích cấp cao tại Rand Corporation, Bộ Tứ dường như đang hướng tới việc công khai chống lại Trung Quốc, theo ABC.

Ông Derek Grossman nói: "Cả 4 quốc gia ngày càng thể hiện việc chống Trung Quốc vì những lý do riêng của họ. [Tuy nhiên] các nước này nên đề cập cụ thể đến Trung Quốc hay không? Có một số mặt trái tiềm ẩn nếu làm như vậy".

Ông cho rằng nếu các quốc gia nhắc tên Trung Quốc, thì chỉ “dẫn đến việc Bắc Kinh cho rằng Bộ tứ này thực sự là một liên minh để kiềm chế Trung Quốc. Một điều khác là sẽ rất khó để thu hút các quốc gia khác tham gia Bộ Tứ - đây là điều thường được nhắc đến".

Khi ở Tokyo, ông Pompeo nói với tờ Nikkei rằng, ông muốn "thể chế hóa" Bộ Tứ để xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự và sau đó sẽ mở rộng.

Quốc gia nào sẽ sẵn sàng tham gia vào Bộ Tứ là một vấn đề khác.

Trong nỗ lực kiềm chế tham vọng bành trướng của ĐCSTQ, các quan chức Mỹ và châu Âu có kế hoạch thiết lập một "NATO châu Á" với sự tham gia của các cường quốc trong khu vực.

Theo Washington Times, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường đang lên đang ‘thay đổi cơ bản cán cân quyền lực toàn cầu’ theo những cách có thể thúc đẩy NATO trở nên toàn cầu hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen E. Biegun gần đây cũng đề nghị rằng, sự liên kết trong quốc phòng không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, có thể là khởi đầu Liên minh kiểu NATO ở Châu Á. Phát biểu tại cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Ấn vào tháng trước, ông Biegun nói rằng, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ tiếp theo hoặc nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump, điều đó sẽ là một nội dung cần được tập trung.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Tứ nhóm họp tại Nhật Bản, nhưng chỉ 1 người dám nêu tên ĐCS Trung Quốc