Bốn quốc gia Nam Mỹ hợp lực giải quyết hạm đội đánh cá của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chile, Colombia, Ecuador và Peru đã hợp lực để giải quyết nạn đánh bắt bất hợp pháp của các hạm đội lớn Trung Quốc ở quanh khu vực bờ biển của họ.

Ngày 3/11, bốn quốc gia đã ký một tuyên bố chung để “thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, ngăn cản và cùng nhau giải quyết” hoạt động đánh bắt bất hợp pháp gần vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Thái Bình Dương, theo một tuyên bố của Bộ ngoại giao Peru.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã bị các chính phủ và các nhóm môi trường chỉ trích gay gắt về việc các đội tàu đánh cá khổng lồ của nước này đang rình rập các vùng biển trong khu vực.

Trong suốt mùa hè, khoảng 300 tàu đánh cá Trung Quốc đã được phát hiện ở ngoài khơi quần đảo Galapagos, khiến Ecuador phẫn nộ. Lực lượng vũ trang của nước này cho biết, gần một nửa số tàu đã tắt hệ thống theo dõi để tránh bị theo dõi.

Các nước Nam Mỹ cũng cho biết, họ sẽ tăng cường “hợp tác và trao đổi thông tin theo thời gian thực”, liên quan đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Vào tháng Tám, Bắc Kinh đã cấm các tàu của họ đánh bắt ngoài khơi Galapagos từ tháng 9/2020 cho đến tháng 11/2020. Đội tàu này đã di chuyển về phía nam trong vùng biển quốc tế ngoài khơi Peru và Chile.

Tính đến nay, Trung Quốc có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới. Trong lĩnh vực đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát, nước này được đánh giá là tệ nhất. Đây là kết luận từ tổ chức phi lợi nhuận Global Initiative chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong một chỉ số đưa ra hồi năm 2019.

Vào tháng Chín, Nhóm bảo tồn biển Oceana đã cáo buộc Trung Quốc “cướp bóc” ở Galapagos, chủ yếu để lấy mực. Nhóm này đã ghi lại 73.000 giờ đánh bắt từ các tàu Trung Quốc chỉ trong một tháng, từ ngày 13/7 đến ngày 13/8 trong năm nay.

Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, nhà phân tích việc đánh bắt bất hợp pháp và minh bạch Marla Valentine tại Oceana cho biết: “Nỗ lực đánh bắt lớn và liên tục của hạm đội Trung Quốc đe dọa quần đảo Galapagos, loài [mực] hiếm, và tất cả những người phụ thuộc vào [loài này để duy trì] nguồn thức ăn và sinh kế”.

“Đáng buồn thay, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi nói đến tác động của đội tàu đánh cá xa bờ khổng lồ của Trung Quốc đối với các đại dương của chúng ta”, bà Marla Valentine nói thêm.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Bốn quốc gia Nam Mỹ hợp lực giải quyết hạm đội đánh cá của Trung Quốc