Các bản ghi âm tiết lộ nỗi 'bức xúc' của nhân viên WHO với một số quốc gia khi đại dịch bùng nổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một loạt bản ghi âm và tài liệu nội bộ của WHO mà Associated Press thu được cho thấy, dù có nhiều điểm thất vọng về cách nhiều quốc gia phản ứng trong đại dịch, các nhà khoa học của tổ chức này cũng không thể bày tỏ công khai vì những lý do chính trị.

Khi virus Corona Vũ Hán bùng nổ trên toàn cầu, các nhà khoa học tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đôi khi cảm thấy thất vọng vì những sai lầm của một số quốc gia tài trợ hàng đầu của họ nhưng lại khó lòng công khai. Các bản ghi âm bị rò rỉ mà Associated Press (AP) thu được từ các cuộc họp nội bộ của WHO cho thấy những nhận xét mà tổ chức này sẽ không muốn tiết lộ.

Trung tâm của những tình huống khó xử tại WHO bắt nguồn từ việc tổ chức này không có quyền hạn thực thi hoặc thẩm quyền để điều tra dịch bệnh một cách độc lập. Thay vào đó, cơ quan này dựa vào các cuộc đàm phán hậu trường và sự hợp tác với các nước trên thế giới, CTV News cho biết.

Khi đại dịch bắt đầu lây lan nhanh chóng, WHO thường né tránh việc phê bình một số nhà tài trợ lớn nhất của mình, bao gồm Nhật Bản, Pháp và Anh. Các nhà khoa học của WHO đã đánh giá một số phương pháp tiếp cận của các quốc gia này là "rùng rợn" và "một phòng thí nghiệm không may để nghiên cứu virus", theo hàng chục bản ghi âm từ các cuộc họp và tài liệu nội bộ của WHO từ tháng 1/2020 đến tháng 4/2020 mà Associated Press có được.

Giáo sư Sophie Harman dạy môn chính trị quốc tế tại Đại học Queen Mary ở London nhận định: “Bằng cách không lên tiếng khi các quốc gia đang làm những điều đáng nghi vấn, WHO đang làm suy yếu quyền lực của chính mình trong khi thế giới lâm nguy”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng sẽ không khôn ngoan về mặt chính trị nếu WHO quá thẳng thắn, trừ khi các quốc gia trao cho cơ quan này nhiều quyền lực hơn, CTV News cho biết. Đáng tiếc là Đức và Pháp gần đây đã phản đối đề xuất này, AP cho biết.

Đồng giám đốc Suerie Moon của Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Viện Cao học Geneva cho biết: “Nếu [Tổng giám đốc] Tedros có lập trường quá gay gắt đối với các nước thành viên, thì sẽ có những hậu quả đáng tiếc".

Người phát ngôn của WHO Farah Dakhlallah cho biết, kể từ khi virus Corona Vũ Hán bắt đầu bùng phát, "các quan chức của WHO đã và đang tiếp tục thảo luận thẳng thắn và cởi mở với các đối tác chính phủ... Chúng tôi tự hào về một văn hóa tổ chức khuyến khích các cuộc thảo luận thẳng thắn".

Tuy nhiên, theo AP nhận định, việc WHO công khai chất vấn các quốc gia thành viên không phải là chưa từng có tiền lệ. Trước đó trong đợt bùng phát dịch SARS, tổ chức này đã đe dọa đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc khi nước này tìm cách che giấu các ca bệnh; hay vào năm 2003, WHO đã lên tiếng kêu gọi Nigeria đảo ngược phong trào tẩy chay vaccine bại liệt tại nước này; còn hồi năm ngoái, tổ chức này đã cáo buộc Tanzania không chia sẻ đầy đủ thông tin về dịch Ebola với thế giới.

Cũng theo báo này, sự dè dặt của WHO đối với các quốc gia bắt nguồn từ Trung Quốc. Bất chấp cuộc gặp hồi tháng Giêng giữa Tổng giám đốc Tedros và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, thông tin từ Bắc Kinh về chủng virus corona mới vẫn thưa thớt trong suốt tháng Hai.

Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 Maria Van Kerkhove của WHO nhấn mạnh, tình trạng thiếu thông tin chi tiết khiến tổ chức này không thể "nhận định những gì [có hiệu quả] và những gì chưa".

Việc đánh giá vai trò của WHO đối với đại dịch diễn ra vào thời điểm quan trọng, vì cơ quan này hiện được giao nhiệm vụ giúp mua và phân phối vaccine ngừa virus Corona Vũ Hán trên toàn thế giới nếu có bất kỳ loại vaccine nào được chứng minh hiệu quả, đặc biệt là đối với các quốc gia kém phát triển.

Một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Nga, đã từ chối tham gia chiến dịch này. Tuy nhiên, vào ngày 15/11, nhà khoa học trưởng của WHO là Tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết, bà hy vọng nếu ông Biden chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ "mở ra cánh cửa" để Hoa Kỳ tái kết nối với tổ chức này.

Du Miên

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Các bản ghi âm tiết lộ nỗi 'bức xúc' của nhân viên WHO với một số quốc gia khi đại dịch bùng nổ