Các CEO phương Tây bày tỏ cảm tình với Bắc Kinh trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Trung Quốc tỏ ý muốn lôi kéo, giới CEO phương Tây đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Họ đang làm một điều tồi tệ, và có nguy cơ làm tổn hại tới lợi ích dài hạn của chính họ.

Tại hội nghị an ninh hàng năm ở Singapore hôm 04/06, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ là một cường quốc bá quyền. Với tất cả những rắc rối mà Washington đang phải đối mặt đối với Đài Loan và Ukraine, rõ ràng là Mỹ không đáng bị buộc tội như vậy.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng có mặt tại hội nghị. Ông ngồi cùng bàn ăn tối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu). Tuy nhiên, họ ngồi cách nhau quá xa để nói chuyện với nhau, điều này có lẽ là yêu cầu của Bắc Kinh.

Ông Lý đã từ chối nói chuyện với ông Austin trong nhiều năm, bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại của ông Austin và nhu cầu rõ ràng về đường dây liên lạc giữa các cường quốc hạt nhân.

Tại hội nghị, ông Austin đi vòng qua bàn và bắt tay, nhưng tất cả chỉ có thế. Ông có vẻ là người đàn ông hào hiệp hơn.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì đang sôi sục. Họ tuyên bố rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của họ. Điều này một phần là đúng, nhưng chỉ bởi vì ĐCSTQ cố gắng phá vỡ hòa bình giữa các quốc gia.

ĐCSTQ phớt lờ luật pháp quốc tế ở bất cứ đâu họ muốn, đồng thời cáo buộc Mỹ làm điều tương tự. Giống như tất cả những lời tuyên truyền hiệu quả, điều này cũng đúng một phần.

Tuy nhiên, Mỹ thường chỉ vi phạm luật pháp quốc tế để ngăn chặn các hệ tư tưởng hiếu chiến ngoài tầm kiểm soát (như của ĐCSTQ hay chủ nghĩa khủng bố), những thứ sẽ dẫn đến bạo lực quốc tế và kéo lùi nhân quyền và các quyền tự do dân chủ trên diện rộng hơn. Đúng vậy, Mỹ và các đồng minh của Mỹ đôi khi lấy độc trị độc. Nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, ta sẽ hiểu lý do tại sao chiến thuật đáng tiếc này có thể là cần thiết.

Vậy tại sao hầu hết các nước đều thích Washington hơn Bắc Kinh? Chúng ta cần hiểu điều gì để có thể vượt thoát khỏi tuyên truyền của ĐCSTQ?

Các CEO phương Tây bày tỏ cảm tình với Bắc Kinh trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Lý Thượng Phúc (thứ ba từ trái sang) nằm trong số các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên thệ nhậm chức trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh hôm 12/03/2023. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Câu trả lời là Mỹ là một cường quốc khác với Trung Quốc. Họ không cố giành lấy ngày càng nhiều quyền lực hay lãnh thổ từ các nước láng giềng. Họ không tham gia vào một cuộc diệt chủng. Họ không ủng hộ các chế độ độc tài hiếu chiến ở Nga, Iran, Miến Điện (còn được gọi là Myanmar) và Bắc Triều Tiên.

Mỹ chia sẻ quyền lực quốc tế với các quốc gia khác thông qua Liên Hợp Quốc, được thai nghén vào năm 1941 và được thành lập vào năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Winston Churchill. Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh và Moscow coi Washington và London là những kẻ thù tồi tệ nhất của họ.

Mỹ và Vương quốc Anh là hai quốc gia chịu trách nhiệm cao nhất, từ góc độ thể chế và vật chất, trong việc ngăn chặn những kẻ bắt nạt tồi tệ nhất thế giới. Đây là một phần cơ sở của “mối quan hệ đặc biệt” của hai nước (đây là thuật ngữ chủ yếu được sử dụng ở Vương quốc Anh).

Đòn cân não

Hôm 04/06, ông Austin giải thích với hội nghị an ninh hàng năm, được gọi là Đối thoại Shangri-la, rằng bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã từ chối đối thoại với ông, và thay vào đó đã dàn dựng các cuộc diễn tập nguy hiểm ở Biển Đông. Các cuộc diễn tập quân sự này của Trung Quốc, cùng với các cuộc diễn tập ở eo biển Đài Loan, là trái với luật pháp quốc tế.

ĐCSTQ không chỉ từ chối gặp ông Austin mà còn từ chối gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Bắc Kinh rõ ràng đang dùng đòn cân não với Wasington, cố gắng dọa dẫm Mỹ bằng cách từ chối đối thoại trong khi thường xuyên đe dọa các lực lượng quân sự của Mỹ với các diễn biến quân sự có thể leo thang. Đây là kiểu chiến thuật bên miệng hố (đẩy căng thẳng lên mức tối đa) cổ điển được tìm thấy trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Có thể nói rằng Mỹ hiện đang trong cuộc chiến tranh lạnh với ĐCSTQ, mặc dù hầu hết mọi người vẫn phủ nhận điều đó, bao gồm cả chính ĐCSTQ.

Lợi dụng mối quan hệ kinh doanh

Trong khi đó, ĐCSTQ cố gắng làm cho Trung Quốc có vẻ “mở cửa cho kinh doanh” để có thể tiếp tục vắt kiệt công nghệ và thương mại của Mỹ và châu Âu. Đây chính là lĩnh vực giúp Trung Quốc có được sức mạnh kinh tế cần thiết để thúc đẩy sự trỗi dậy quân sự của mình.

Các CEO phương Tây bày tỏ cảm tình với Bắc Kinh trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng
Một chiếc xe tải đi ngang qua các container của China Shipping tại Cảng Los Angeles ở Long Beach, California, hôm 01/09/2019. (Ảnh: Mark Ralston/AFP qua Getty Images)

Tổng thương mại hai chiều giữa một bên là Trung Quốc và một bên là sự kết hợp giữa Mỹ và Liên minh châu Âu là con số đáng kinh ngạc 1,6 ngàn tỷ USD vào năm 2022. Con số này rất đáng chú ý vì nó thể hiện tổng giá trị thương mại mà Mỹ và Liên minh châu Âu có thể lợi dụng để chống lại ĐCSTQ nếu Washington và Brussels đồng loạt hành động.

Nó cũng giải thích tại sao Washington và Brussels hết sức mềm mỏng với Bắc Kinh. Các doanh nghiệp phương Tây thu lợi từ hoạt động thương mại này và sử dụng ảnh hưởng chính trị của họ để cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh béo bở đó bằng cách cố gắng ổn định quan hệ Mỹ - Trung. Điều đó sẽ ổn nếu Trung Quốc cũng là một cường quốc kiểu như Mỹ. Nhưng ĐCSTQ không phải như vậy. Thay vào đó, Bắc Kinh sử dụng sự ổn định của mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc như một nền tảng để mở rộng quyền lực của mình trên toàn cầu, đến mức trở thành mối đe dọa sống còn đối với Mỹ, EU và tất cả các quốc gia có chủ quyền khác.

ĐCSTQ có khả năng thực hiện thủ đoạn này bởi vì nó có thể dễ dàng lợi dụng các hoạt động kinh doanh không được phối hợp của Mỹ (nguyên tắc thị trường tự do khiến chúng được thiết kế ra mà không có sự phối hợp) cho các mục đích bá quyền của Bắc Kinh hơn là ngược lại - Mỹ tác động đến các hoạt động kinh doanh có điều phối của Trung Quốc (nền kinh tế do ĐCSTQ chỉ huy luôn điều phối nền kinh tế trong nước của nó) cho mục đích của Mỹ là đưa dân chủ và nhân quyền vào Trung Quốc. Đây là sai lầm chiến lược lớn của mối quan hệ này. ĐCSTQ có thể ảnh hưởng đến nền chính trị của Mỹ dễ dàng hơn là ngược lại. Do đó, nhìn tổng thể, mối quan hệ kinh doanh phục vụ các mục đích chính trị của Bắc Kinh, chứ không phải của Mỹ.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh ưu tiên quan hệ thương mại với Mỹ thay vì phải đối mặt với giới lãnh đạo quân sự và ngoại giao của Mỹ. Trong khi từ chối gặp ông Austin và ông Blinken, Bắc Kinh giờ đây rất vui được gặp Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo. Do vị trí của mình, bà ấy bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các lợi ích kinh doanh của Mỹ ở Trung Quốc và do đó, ĐCSTQ dễ dàng thao túng bà hơn.

Các CEO phương Tây bày tỏ cảm tình với Bắc Kinh trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore hôm 03/06/2023. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP qua Getty Images)

Lôi kéo giới lãnh đạo doanh nghiệp

Đồng thời, ĐCSTQ đang lôi kéo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây, bao gồm gần đây nhất là từ Apple, Starbucks, Tesla, JP Morgan Chase và AstraZeneca. Những nhà lãnh đạo này nhanh chóng nắm lấy cơ hội bởi vì, nói một cách đơn giản, họ muốn kiếm nhiều tiền hơn ở Trung Quốc. Họ biết những rủi ro, kể cả rủi ro từ việc các công ty Trung Quốc đang lên đánh cắp công nghệ và khách hàng của họ. Tuy nhiên, họ muốn nguồn lợi nhuận ở Trung Quốc được duy trì càng lâu càng tốt, ngay cả trong một số trường hợp khi hoạt động kinh doanh đó đi ngược lại giá trị dài hạn cho cổ đông.

Thật không còn gì có thể tồi tệ hơn khi một doanh nghiệp tự do ủng hộ ĐCSTQ. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chính xác là điều mà một số CEO phương Tây đang làm. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là nhà lãnh đạo của AstraZeneca tại Trung Quốc. Theo Reuters, vào tháng trước, ông này cho biết AstraZeneca sẽ tìm cách trở thành một công ty yêu nước ở Trung Quốc, yêu ĐCSTQ.

Trong khi AstraZeneca có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, và dường như nó đang làm một điều kỳ lạ ở Trung Quốc. Điều này cũng đúng với nhiều công ty Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Các CEO phương Tây bày tỏ cảm tình với Bắc Kinh trong lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng