Các cô gái tộc người Hazaras: Thà tự sát còn hơn bị Taliban bắt đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Hazara là người Hồi giáo dòng Shia, mà phần lớn người Afghanistan là theo dòng Sunni. Taliban cực kỳ phản đối dòng Shia, họ đã tấn công hoặc tàn sát người Hazara nhiều lần trong quá khứ. Sau khi tổ chức cực đoan này nắm quyền kiểm soát Afghanistan và tuyên bố sẽ trao quyền cho phụ nữ theo khuôn khổ "Luật Hồi giáo Sharia", phụ nữ bản địa nói chung vẫn khá bi quan, đặc biệt là các cô gái của nhóm dân tộc Hazara. Họ đã bắt đầu thảo luận về việc “thà tự sát còn hơn là bị Taliban bắt đi”.

Theo BBC, vào thời điểm này trong những năm trước ở Kabul, sinh viên đại học đang chuẩn bị cho học kỳ mới, nhưng hiện giờ nhiều sinh viên nữ đã bắt đầu xóa sạch bằng chứng rằng họ từng là sinh viên. Một cô gái giấu tên người Hazara cho biết, sau khi quân Taliban xâm chiếm Kabul, tất cả các cửa hàng đều đóng cửa, tỷ giá hối đoái thay đổi rất nhanh, giá cả tăng cao hàng giờ, và mọi người bắt đầu đội mũ trùm đầu và áo Burqa vì sợ hãi.

Ngày 17/8, Taliban tuyên bố sẽ trao quyền cho phụ nữ nhưng nhiều phụ nữ không tin lời của tổ chức này. Cô gái giấu tên người Hazara cho biết, khi cô và cha đi ra ngoài mua thuốc, cô nhìn thấy những cô gái khoảng 13, 14 tuổi trên đường cũng mặc áo Burqa, không khí của cả thành phố rất khác so với trước đây; Taliban đang tuần tra xung quanh, ngay cả khi bạn đội khăn trùm đầu, chúng vẫn nhìn chằm chằm vào bạn. Chúng nhìn bạn như thể bạn không phải là người bình thường, như thể chúng nắm mạng sống của bạn và khiến mọi người cảm thấy bản thân như là rác thải cần được xử lý...

Cô nói rằng sau khi Taliban vào Kabul, cô ngay lập tức đốt tất cả giấy tờ, bảng điểm và các chứng chỉ trên ban công nhà mình, giấu tất cả những cuốn sách, và đã ngừng sử dụng các nền tảng xã hội. Điều cô lo lắng nhất là cô từng đăng trên Facebook cá nhân các nội dung như: "Taliban là đồ bỏ đi", "Tôi sẽ chống lại chúng", "Chúng không thể cản trở quyền được giáo dục của tôi", "Chúng không thể nhốt tôi trong nhà", cô thậm chí còn cáo buộc Taliban là phần tử khủng bố, và bây giờ cô lo lắng rằng những bài viết kia sẽ khiến cô gặp họa.

Trong lịch sử Afghanistan, người Hazara đã bị phân biệt đối xử từ lâu do vấn đề sắc tộc, hơn nữa người Hazara là người Hồi giáo dòng Shia, mà phần lớn người Afghanistan là theo dòng Sunni. Bởi vì Taliban cực kỳ phản đối dòng Shia, họ đã tấn công hoặc tàn sát người Hazara nhiều lần trong quá khứ.

Cô gái này nói với BBC rằng, là một thiếu nữ, hơn nữa lại thuộc dân tộc thiểu số, cô không có chỗ để sinh tồn trên chính đất nước của mình. “Họ chắc chắn sẽ giết chúng tôi, hoặc thậm chí cưỡng hiếp trước rồi mới giết”. Cô và những người bạn của mình đã thảo luận rằng nếu Taliban đến bắt ai đó thì họ có thể sẽ phải tự sát. “Đây là việc nằm trong kế hoạch của tất cả chúng tôi, bởi vì chết đi sẽ tốt hơn là bị chúng bắt đi”, cô nói.

Một bà mẹ ở Mazar-i-Sharif, một thành phố nằm ở phía bắc của Afghanistan, chỉ ra rằng kể từ khi Taliban đến, họ đã lục soát từng nhà. Nếu trong nhà có người từng làm việc cho nước ngoài, đàn ông có thể được quay trở lại làm việc, còn phụ nữ thì không; phụ nữ cũng bị đánh nếu không đi tất. Chồng cô nói với cô rằng, nếu cô có thể nhận được giấy phép lao động ở nước ngoài, cô phải rời đi ngay cả khi phải để chồng con ở lại trong nước.

Mới đây, cựu đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan tên là Khalida Popal đã lên tiếng kêu gọi các tổ chức thể thao quốc tế giúp bảo vệ sự an toàn cho các nữ cầu thủ. Bởi vì kể từ khi Taliban lên nắm quyền, nhiều cầu thủ nữ Afghanistan đã phải lẩn trốn. Cựu trợ lý huấn luyện viên của đội bóng Haley Carter cho biết, có cầu thủ nói với cô rằng “Taliban không muốn phụ nữ đá bóng, chúng tôi gặp nguy rồi”, nếu những nữ cầu thủ này bị phát hiện liên hệ với thế giới bên ngoài, khi đó tính mạng sẽ càng nguy hiểm hơn.

Trên thực tế, chưa nói đến chơi bóng, sau khi Taliban tấn công các thành phố lớn như Kandahar, Herat và Kabul, nhiều phụ nữ đã không thể tiếp tục làm những công việc bình thường, có ngân hàng đã sa thải các nữ nhân viên. Người dẫn chương trình Shabnam Dawran của Đài truyền hình nhà nước Afghanistan cũng tiết lộ trên Twitter rằng, cô không thể vào văn phòng ngay cả khi đã xuất trình giấy phép lao động. Theo khuôn khổ các giáo lý của Taliban, họ cho rằng phụ nữ nên mặc áo dài che toàn thân Burqa và ngoan ngoãn ở nhà phục vụ chồng.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Các cô gái tộc người Hazaras: Thà tự sát còn hơn bị Taliban bắt đi