Các ngoại trưởng EU họp khẩn, tung gói trừng phạt mới với Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến Nga-Ukraine sắp bước sang tháng thứ 7, và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu huy động một phần lực lượng trong nước để leo thang 'chiến dịch quân sự đặc biệt' ở Ukraine. Đáp lại, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã họp khẩn để thảo luận về việc xây dựng một vòng trừng phạt mới (vòng 8).

Ngày 21/9, trang web chính thức của Liên minh châu Âu thông báo, sau khi biết tin ông Putin bắt đầu vận động cục bộ tại Nga, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell đã tổ chức một cuộc họp ngoại giao không chính thức tại New York. Ngoại trưởng của 27 quốc gia thành viên EU hiện đang ở New York để dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Josep Borrell đã tham dự một cuộc họp báo sau khi cuộc họp khẩn cấp ngoại giao không chính thức kết thúc. Ông Borrell cho biết ông đã tổ chức một cuộc họp ngoại giao không chính thức khẩn cấp, đột xuất tại New York với các ngoại trưởng EU sau khi biết tin ông Putin ra lệnh động viên lực lượng một phần, đánh dấu một sự leo thang khác của cuộc chiến Nga-Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba đã được mời tham gia trao đổi và báo cáo tóm tắt về giai đoạn đầu của cuộc họp.

Ông Josep Borrell nói: "Rõ ràng là ông Putin đang cố gắng tiêu diệt Ukraine. Ông ấy đang cố gắng phá hủy đất nước theo một cách khác vì thất bại của chiến dịch quân sự [ở Ukraine]. Ông ấy đã tuyên bố điều động cục bộ ở Nga để hỗ trợ tổ chức 'trưng cầu dân ý' bất hợp pháp trên lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm đóng. Và rõ ràng ông ấy đã đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, kể cả vũ khí hạt nhân, một cách rất công khai".

Ông Josep Borrell cho biết, thông qua cuộc họp khẩn cấp tạm thời này, EU một lần nữa lên án mạnh mẽ việc Nga thúc đẩy “trưng cầu dân ý” bất hợp pháp ở Ukraine với mục đích sáp nhập Donetsk, Kherson, một phần của Luhansk và Zaporozhie vào Liên Bang Nga. Đây lại là một vi phạm rõ ràng khác đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. EU kêu gọi Nga tôn trọng Hiến chương LHQ.

Ông nói rằng các nước thành viên EU sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong thời gian sớm nhất và sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ thiết bị quân sự cho Ukraine.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên các hãng thông tấn AFPReuters, ông Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới, nhắm vào các cá nhân và ngành công nghiệp của Nga”.

Ông lịch sự từ chối tiết lộ thêm thông tin về các lệnh trừng phạt và viện trợ quân sự Ukraine.

Vào giữa tháng 10 năm nay, ngoại trưởng các nước thành viên EU sẽ họp chính thức để thảo luận và quyết định các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Nhà ngoại giao Nga: Chiến tranh Nga-Ukraine càng kéo dài, hòa giải ngoại giao càng khó

Tờ Financial Times của Anh vào tháng 8 đã đưa tin rằng, ông Gennady Gatilov, đại diện của Nga tới trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva và là đại diện thường trực của Liên bang Nga tham dự Hội nghị Giải trừ quân bị, đã tin tưởng trong một cuộc phỏng vấn rằng đối với cuộc chiến này, Liên Hợp Quốc nên tích cực hợp tác với Nga để tiến hành hòa giải với Ukraine. Các hành động của Mỹ với các quốc gia NATO khác đã khiến Ukraine miễn cưỡng đàm phán ngoại giao.

Ông Gennady Gatilov cho rằng chiến tranh Nga-Ukraine càng kéo dài thì càng khó hòa giải thông qua các con đường ngoại giao. Hiện tại Nga và Ukraine không thể nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu vẫn tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vì vậy không thể dự đoán cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu.

“Họ (Ukraine và các nước phương Tây) sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng”.

Ông Gennady Gatilov cho rằng, Liên Hợp Quốc nên tích cực hơn trong việc làm trung gian cho cuộc chiến Nga-Ukraine, thay vì thực hiện một lập trường chính trị hóa, điều này không có lợi cho uy tín của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề quốc tế, cũng như không có lợi cho vai trò hiệu quả của Liên Hợp Quốc làm trung gian hòa giải các vấn đề quốc tế.

Chiến tranh Nga-Ukraine gây ra khủng hoảng lương thực và năng lượng

Tờ AFP hồi tháng 8 đưa tin, cuộc chiến Nga-Ukraine bùng phát ngày 24/2 sắp bước sang tháng thứ bảy, và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng bắn trong cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Trong chuyến thăm Odessa tại Ukraine, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói với các phóng viên rằng tình hình Ukraine đang rất khó khăn và triển vọng hòa bình không mấy lạc quan.

"Sẽ rất khó để tìm ra một giải pháp hòa bình trong ngắn hạn. Nhưng chúng ta phải kiên trì vì hòa bình là hành động tử tế quan trọng nhất trên thế giới", ông nói.

Tờ Bloomberg đưa tin, trong cuộc chiến Nga-Ukraine, các nước châu Âu đã rút ra bài học kinh nghiệm về địa chính trị và an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời nỗ lực hết sức để giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Nhưng giá khí đốt vẫn ở mức cao do chiến tranh và châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng vào mùa đông.

Báo cáo dẫn lời nhà bình luận chuyên mục năng lượng Javier Blas phân tích rằng, Nga đóng một vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu, và ông Putin đang chiến thắng trong cuộc chiến năng lượng đó, cho dù họ nhìn vào chỉ số hay quan điểm nào. Nếu các nước châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng và kinh tế của Nga, điều này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực thảm khốc.

Ngoài ra, về vấn đề lương thực toàn cầu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cho rằng cần đảm bảo phân bón và nông sản của Nga thâm nhập thị trường lương thực toàn cầu mà không gặp trở ngại. Nếu không, khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể nổ ra ngay trong năm tới.

Chính phủ Anh đưa ra cảnh báo tình trạng thiếu lương thực toàn cầu sẽ gây ra thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng hơn cuộc chiến Nga-Ukraine.

Thanh Hải

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Các ngoại trưởng EU họp khẩn, tung gói trừng phạt mới với Nga