Các nhà kinh tế: Ông Trump bị đổ oan về vụ sụp đổ của SVB và Signature

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay lập tức sau khi ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và ngân hàng Signature sụp đổ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số đảng viên Dân chủ đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump rằng: Chính nỗ lực bãi bỏ quy định của ông vào năm 2018 đã dẫn đến hậu quả này.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn của mình vào thứ 2 (13/03), ông Biden khẳng định rằng chính quyền tiền nhiệm đã hủy bỏ một số tiêu chuẩn đối với ngân hàng. Tổng thống Mỹ đương nhiệm cho rằng những tiêu chuẩn đã bị hủy đó là để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2008.

“Dưới thời chính quyền Obama – Biden, chúng tôi đã đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với các ngân hàng như ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature, bao gồm cả đạo luật Dodd-Frank, để đảm bảo cuộc khủng hoảng mà chúng ta chứng kiến hồi năm 2008 sẽ không xảy ra nữa”, ông Biden nói. “Thật không may, chính quyền trước tôi đã hủy đi một số trong những yêu cầu đó”.

Viết trong một bài xã luận đăng trên tờ New York Times vào hôm thứ 2, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân chủ - Massachusetts) đã kêu gọi Tòa Bạch Ốc và các cơ quan quản lý ngân hàng “đảo ngược việc bãi bỏ đầy nguy hiểm các quy định ngành ngân hàng thời Trump”.

“Nếu Quốc hội và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã không giảm thiểu giám sát, thì SVB và Signature đã phải tuân thủ các yêu cầu mạnh mẽ hơn về vốn và thanh khoản để chống lại các cú sốc tài chính”, bà Warren viết.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng cho rằng sự thất bại của SVB là hậu quả từ việc chính quyền Trump bãi bỏ một số quy định.

Ông Trump có phải là thủ phạm tạo ra khủng hoảng?

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký thành luật Đạo luật Tăng trưởng Kinh tế, Giảm thiểu Quy định và Bảo vệ Người tiêu dùng (Economic Growth, Regulatory Relief, and Consumer Protection Act), trên thực tế cắt giảm một số phần của đạo luật Dodd-Frank năm 2010. Ông Trump đã cố gắng giảm bớt các quy định đối với các ngân hàng vừa và nhỏ. Bằng cách nâng ngưỡng “quá nghiêm trọng để có thể khiến hệ thống tài chính có thể sụp đổ” từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD, các ngân hàng này sẽ không bị buộc phải trải qua các bài kiểm tra về sức chịu đựng căng thẳng.

Các nhà kinh tế: TT Biden và đảng Dân chủ đổ oan cho ông Trump về sự sụp đổ của SVB và Signature
Cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) tại Hilton Anatole ở Dallas, Texas, Mỹ, ngày 06/08/2022. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

Hành động của ông Trump nhận được sự ủng hộ của 33 Dân biểu và 17 Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, nhưng nhiều người phản đối đã cảnh báo rằng người nộp thuế sẽ phải chịu rủi ro lớn hơn nếu hệ thống tài chính gặp nguy hiểm.

Ông Thomas Hogan - từng là nhà kinh tế trưởng của Ủy ban Thượng viện Mỹ về các vấn đề Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị - không cho rằng những lời chỉ trích về ông Trump là chính đáng.

“Trên thực tế, tôi sẽ nói ngược lại rằng, gần như chắc chắn rằng khi các ngân hàng bị quản lý chặt chẽ hơn, họ sẽ khó hoạt động hơn”, ông nói với The Epoch Times.

Ông trích dẫn nghiên cứu của bản thân - một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Regulatory Economics - để giải thích rằng đạo luật Dodd-Frank khiến ngân hàng vận hành tốn kém hơn vì phải trả một khoản lớn cho chi phí trung bình hàng năm và do đó họ sẽ phải đối mặt với khả năng sụp đổ lớn hơn.

Một lý do chính để giải thích cho cuộc khủng hoảng hiện nay của các ngân hàng là các quy định về định giá theo thị trường - thứ xác định cái gọi là giá trị thích hợp của tài sản hoặc nợ phải trả dựa trên giá thị trường hiện tại.

Ông Hogan nói: “Nếu các ngân hàng đang có kế hoạch nắm giữ những chứng khoán này, thì họ thực sự không có nguy cơ sụp đổ". “Nhưng quy định trên khiến họ có vẻ như đang gặp rủi ro, đó là nguyên nhân gốc rễ gây ra những mối đe dọa này”.

Theo ông Laurence Kotlikoff, tác giả và Giáo sư kinh tế tại Đại học Boston, các bài kiểm tra sức chịu đựng trong Dodd-Frank “là một trò đùa tệ hại”.

Ông Kotlikoff gần đây đã viết: “SVB chắc chắn đã vượt qua bài kiểm tra sức chịu đựng mới nhất. Nhưng những người gửi số tiền lớn và không được bảo hiểm không quan tâm đến việc ngân hàng của họ có tỷ lệ vốn như thế nào - chẳng hạn như 10% (thấp đến mức nực cười, nhưng bằng cách nào đó được coi là tương đối thích hợp)". “Sau ngày hôm nay, họ sẽ nhận ra rằng những ngân hàng vượt qua bài kiểm tra sức chịu đựng Dodd-Frank có thể sụp đổ ngay lập tức”.

Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, những thách thức đối với các ngân hàng đang chịu rủi ro là kết quả của môi trường lãi suất tăng cao. Ngân hàng Thung lũng Silicon đã tham gia đầu tư mạo hiểm. Họ đã cố gắng bù đắp những rủi ro này bằng cách đầu tư vào các tài sản có rủi ro thấp, như trái phiếu dài hạn. Tuy nhiên, khi Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, các biện pháp thắt chặt cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu.

Tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ lo ngại về việc “mất khả năng thanh khoản phù hợp” trong hệ thống tài chính.

Ông Peter Schiff, nhà kinh tế trưởng và chiến lược gia toàn cầu tại Euro Pacific Capital, tuyên bố rằng các quy định về ngân hàng của chính phủ đã khuyến khích các công ty này mua trái phiếu kho bạc dài hạn và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp.

Ông tweet vào thứ 2: “Chính phủ đổ lỗi sự thất bại của #SVB cho quyết định dại dột của ban quản lý khi mua trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn và MBS [chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp]. Nhưng các quy định về ngân hàng của chính phủ đã khuyến khích những giao dịch mua đó với các điều khoản kế toán thuận lợi; không có cắt giảm giá trị hay định giá theo thị trường, bất chấp rủi ro lãi suất cao”. “Tất cả #ngân hàng đủ ngu ngốc để mua trái phiếu kho bạc dài hạn và MBS khi lợi tức ở mức thấp kỷ lục mọi thời đại hiện đã được #Fed giải cứu. Còn các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân cũng mắc phải sai lầm tương tự thì sao? Tại sao họ không được giải cứu?”.

Ông Steve Hanke, Giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học John Hopkins và thành viên cấp cao tại Viện Độc lập, cho biết nguồn cung tiền bị thu hẹp cũng gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Ông tweet: “Như tôi đã dự đoán, việc Fed thu hẹp nguồn cung tiền đã tạo ra một cuộc thảm sát trong lĩnh vực ngân hàng”.

Dữ liệu từ Fed tiết lộ rằng nguồn cung tiền M2 đã giảm trong tháng thứ 2 liên tiếp vào tháng 1, giảm gần 1,73%. Vào tháng 12, lần đầu tiên nó đã giảm hơn 1%. Nó đã trên đà giảm kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 02/2021.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Các nhà kinh tế: Ông Trump bị đổ oan về vụ sụp đổ của SVB và Signature