Các nước sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin, các thành viên của ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt ông Putin. Dù vậy, không phải nước nào cũng cần tuân thủ và Tổng thống Nga vẫn có thể tự do đến các quốc gia khác mà không chịu ảnh hưởng gì.

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga.

"Ông ấy rõ ràng đã gây ra các tội ác chiến tranh. Tôi nghĩ đó là quyết định chính đáng", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm 17/3 khi đề cập vụ ICC phát lệnh bắt ông Putin. "Vấn đề là cả Mỹ và Nga đều không công nhận Tòa Hình sự Quốc tế. Nhưng tôi nghĩ động thái đó đã đưa ra thông điệp rất mạnh mẽ".

"Chúng tôi đã bày tỏ rõ ràng rằng những người chịu trách nhiệm phải bị trừng phạt. Lệnh bắt là quyết định được công tố viên ICC công bố độc lập dựa trên thực tế", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Bình luận về lệnh bắt ông Putin của ICC trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng "ICC nên có quan điểm công bằng, tránh xa chính trị hóa và tiêu chuẩn kép".

Còn Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin ngày 17/3 tuyên bố quyết định của ICC là "động thái mang tính lịch sử với Ukraine và toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế". Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak thì cho rằng quyết định này "mới chỉ là bắt đầu".

Từ góc độ pháp lý, tất cả 123 thành viên ICC đều có nghĩa vụ thi hành phán quyết do các thẩm phán đưa ra. Những thành viên này gồm phần lớn các nước châu Âu, một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, nhưng không bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Bởi vậy, ông Putin vẫn có thể tự do đến các quốc gia không phải thành viên của ICC mà không phải lo ngại về lệnh bắt. Đây là lý do Tổng thống Nga nhiều khả năng vẫn tới Ấn Độ dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 5 và Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) đang nói chuyện với Phó Thủ tướng Marat Khusnullin khi họ xem các hình minh họa tái thiết trong khi ông đến thăm thành phố Mariupol của Ukraine cuối ngày 18 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: -/POOL/AFP via Getty Images)

Khó thực hiện lệnh bắt ông Putin

Ấn Độ, nước chủ nhà của SCO và G20, không phải thành viên ICC và chưa bao giờ ký hiệp ước tham gia Quy chế Rome. Ấn Độ đã tham gia rất nhiều vào các cuộc thảo luận dẫn tới việc thành lập ICC năm 1998, nhưng đã quyết định bỏ phiếu trắng khi thông qua Quy chế Rome, do văn kiện này không đưa vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt vào các hành động cấu thành tội ác chiến tranh.

Quy chế Rome được thông qua tháng 7/1998 và có hiệu lực từ tháng 7/2002, quy định mọi quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực thi quyền tài phán hình sự đối với tội phạm quốc tế. Hiệp ước cũng đề cập rằng ICC chỉ có thể can thiệp khi một quốc gia "không thể hoặc không muốn" tự tiến hành cuộc điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý.

Lệnh bắt của ICC chỉ có thể được các nước không phải thành viên thực hiện nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dựa vào quyết định của cơ quan này để mở cuộc điều tra. Tuy nhiên, do Nga là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và nắm quyền phủ quyết, một cuộc điều tra như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ được thông qua.

Do đó, lệnh bắt Tổng thống Nga chỉ có thể được thực hiện nếu ông Putin đặt chân tới lãnh thổ các quốc gia thành viên ICC. Trên thực tế, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann hôm 18/3 nói rằng Berlin tuân thủ lệnh của ICC và có nghĩa vụ bắt Tổng thống Nga, bàn giao cho ICC nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ Đức, quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome.

Ông Putin có thể dễ dàng né tránh khả năng này bằng cách không bao giờ đặt chân tới Đức, cũng không để chuyên cơ chở mình bay qua không phận Đức, nhằm tránh mọi rủi ro có thể xảy ra.

Đức đến nay là quốc gia duy nhất công khai lên tiếng xác nhận sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC, trong khi các nước khác đề né tránh đề cập điều này. Theo giới quan sát, thực tế đó cho thấy không phải thành viên nào của ICC cũng sẽ tuân thủ vô điều kiện quyết định của tòa.

ICC hồi tháng 3/2009 ra quyết định truy tố Omar al-Bashir, tổng thống Sudan, với cáo buộc chỉ đạo chiến dịch giết người hàng loạt, tấn công dân thường ở Darfur. Tuy nhiên, al-Bashir vẫn tiếp tục nắm quyền đến năm 2019 và Sudan đến nay chưa có ý định giao nộp ông này cho ICC.

Năm 2015, ông al-Bashir đến thăm Nam Phi, một thành viên của ICC. Chính phủ Nam Phi khi đó đã từ chối thực thi lệnh bắt của ICC, với lập luận rằng họ không nhận thấy "bất cứ nghĩa vụ nào theo luật pháp quốc tế hay Quy chế Rome yêu cầu bắt một nguyên thủ đang tại vị của một quốc gia không phải thành viên ICC như Sudan". Nhiều quốc gia khác mà al-Bashir đến thăm sau đó cũng từ chối bắt ông này.

Thực tiễn tư pháp quốc tế cho thấy các quyết định bắt nguyên thủ, thậm chí là cựu nguyên thủ, đều rất phức tạp và chịu tác động lớn của quan hệ ngoại giao. Năm 1998, giới chức Anh quyết định bắt cựu độc tài Chile Augusto Pinochet ở London theo lệnh truy nã quốc tế do thẩm phán người Tây Ban Nha Baltasar Garzón ban hành.

Ông Pinochet tuyên bố mình được hưởng quyền miễn trừ của cựu nguyên thủ. Tòa án Anh bác bỏ tuyên bố này, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Anh khi đó là Jack Straw cuối cùng vẫn quyết định cho phép ông Pinochet về nước với lý do "sức khỏe yếu".

Ngay cả Chủ tịch ICC Piotr Hofmanski cũng thừa nhận dù các thẩm phán của tòa đã phát lệnh bắt, việc thực thi nó tùy thuộc vào cộng đồng quốc tế. Theo Quy chế Rome, ICC không có lực lượng cảnh sát hay bất cứ công cụ riêng nào để thi hành lệnh bắt của mình. Cơ quan này cũng không được quyền xét xử vắng mặt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) nói chuyện với Phó Thủ tướng Marat Khusnullin khi họ ngồi trong Nhà hát Giao hưởng Mariupol khi ông đến thăm thành phố Mariupol của Ukraine cuối ngày 18 tháng 3 năm 2023. (Ảnh: -/POOL/AFP via Getty Images)

Phản ứng từ phía Nga

Lệnh bắt ông Putin của ICC đã gây ra một phản ứng phẫn nộ từ Điện Kremlin. "Họ ra quyết định xét xử tổng thống của một cường quốc hạt nhân không tham gia ICC. Hậu quả đối với luật pháp quốc tế sẽ rất khủng khiếp", Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đăng trên Telegram hôm 20/3.

"Quyết định của ICC cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của nền tảng, nguyên tắc luật pháp", ông Medvedev viết trong bài đăng Telegram. "Không ai tham gia bất kỳ tổ chức quốc tế nào nữa, mọi người sẽ tự thương lượng với nhau. Tất cả quyết định ngớ ngẩn của Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác sẽ bị phá vỡ. Sự sụp đổ thê lương của toàn bộ hệ thống quốc tế đang đến. Niềm tin đã biến mất".

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng chỉ trích ICC "vô dụng", chỉ mới xét xử được "khoảng 30 người vô danh" và hiệu quả hoạt động "bằng không".

"Xét cho cùng, chỉ có thể đưa ra phán quyết với một quốc gia và lãnh đạo của quốc gia đó trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi quốc gia đó đã suy yếu nghiêm trọng, gần như mất chủ quyền và quyết định công nhận phán quyết của tòa thay vì đưa ra quan điểm của chính mình. Thứ hai, khi đất nước thua trận và đầu hàng", ông Medvedev khẳng định.

Quan chức Nga cho rằng ICC đã không làm được gì "liên quan đến tội ác của Mỹ ở Afghanistan và Iraq" và điều đó càng khiến tòa mất uy tín. Ông Medvedev cũng cảnh báo về khả năng tên lửa siêu thanh Oniks được phóng từ tàu Nga ở Biển Bắc vào trụ sở của ICC ở The Hague, Hà Lan.

"Tòa án chỉ là tổ chức quốc tế cùng khổ, không phải một quốc gia NATO nên chiến tranh sẽ không xảy ra. Họ sẽ sợ hãi. Và sẽ không ai tiếc thương cho họ. Vì vậy, những người trong tòa án hãy coi chừng bầu trời đấy", ông này đe doạ.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lưu ý rằng ICC không được công nhận ở Nga, đồng nghĩa lệnh bắt "vô hiệu theo quan điểm pháp lý".

Theo phân tích của các chuyên gia, lệnh bắt của ICC đối với ông Putin chủ yếu mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine. Quyết định này có tác động thực tiễn hạn chế, bởi Nga không phải bên tham gia ICC và nước này cũng không công nhận thẩm quyền của ICC. Tổng thống Nga nhiều khả năng cũng sẽ không tới thăm các nước mà Moscow cho là "không thân thiện", trong đó có Đức.

"Trong tương lai, Tổng thống Nga có thể lên kế hoạch cẩn thận để chỉ tới thăm các quốc gia không ủng hộ lệnh bắt của ICC hoặc không có nghĩa vụ thực thi quyết định này", Luật sư Joshua Rozenberg, chuyên gia pháp lý của BBC, nhận định về nguy cơ pháp lý với ông Putin. "Nhưng dưới sức ép chính trị quốc tế hoặc yếu tố mới nổi nào đó, một quốc gia lại đổi ý, kích hoạt quy trình pháp lý thì có thể đưa ông ấy đến ICC".

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Các nước sẽ thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC ra sao?