Các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện đặt câu hỏi về chính sách của ông Biden với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại về các chính sách đối phó với Trung Quốc của chính quyền ông Biden, khi tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời câu hỏi trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào ngày 10/3.

Dẫn đầu lời chỉ trích là Hạ nghị sĩ Cộng hòa Chris Smith (New Jersey). Ông đã hỏi ông Blinken về việc liệu tân ngoại trưởng có áp đặt “một hậu quả nghiêm trọng” đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về những vi phạm nhân quyền của chế độ này hay không. Một câu hỏi khác là về việc liệu ông có giữ lại “danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ để đưa các công ty Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền vào danh sách đen hay không.

Dân biểu Smith tuyên bố: “Tôi đã chủ trì hơn 75 phiên điều trần tại quốc hội, tập trung hoàn toàn vào các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, bao gồm cả đàn áp tôn giáo tràn lan, tra tấn, lao động khổ sai, cưỡng bức phá thai, mổ cướp nội tạng, đàn áp dân chủ, kiểm duyệt phương tiện truyền thông, bỏ tù các nhà báo và blogger, và tội diệt chủng".

Trả lời các câu hỏi của vị dân biểu Cộng hòa, Ngoại trưởng Blinken cho biết, ông dự định xây dựng “liên minh các quốc gia có cùng chí hướng chia sẻ những lo ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc”.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi quyết tâm đặt nhân quyền và dân chủ trở lại trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình, để đảm bảo rằng chúng tôi có những công cụ cần thiết có hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy nhân quyền và dân chủ”.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Scott Perry (Pennsylvania) phát biểu khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ở Washington vào ngày 10/3/2021. (Ting Shen-Pool / Getty Images)
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Scott Perry (Pennsylvania) phát biểu khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ở Washington vào ngày 10/3/2021. (Ting Shen-Pool / Getty Images)

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Scott Perry (Pennsylvania) đã chất vấn ông Blinken về quan điểm đối với cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở khu vực Tân Cương hẻo lánh phía tây Trung Quốc. Cụ thể, Dân biểu Perry đặt câu hỏi liệu tân ngoại trưởng Mỹ có đồng ý với đánh giá của Tổng thống Joe Biden về việc Trung Quốc có “các chuẩn mực khác nhau” hay không. Ông Blinken dường như đã bỏ qua câu hỏi này.

Tân ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi đã và chúng tôi sẽ tiếp tục mạnh mẽ lên tiếng và phơi bày trước ánh sáng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này".

Ông Biden đã đưa ra bình luận trên trong một sự kiện của CNN Town Hall vào giữa tháng Hai, khi ông nhớ lại cuộc nói chuyện qua điện thoại của mình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vài ngày trước đó. Tân tổng thống Mỹ nói: “Về mặt văn hóa, mỗi quốc gia có những chuẩn mực khác nhau và các nhà lãnh đạo của họ phải tuân theo”, đề cập đến sự áp bức của chế độ Trung Quốc ở Tân Cương so với lập trường của Hoa Kỳ về nhân quyền.

Các nhà phê bình cho rằng, nhận xét của ông Biden có hàm ý khẳng định tính hợp pháp đối với sự vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở khu vực Tân Cương. Tại đây, hơn 1 triệu người thuộc các dân tộc thiểu số, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung.

Vào tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Mike Pompeo tuyên bố, chính quyền Bắc Kinh đã phạm "tội ác diệt chủng" và "tội ác chống lại loài người" đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Andy Barr (Kentucky) đã đề cập đến quyết định tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của chính quyền ông Biden. Dân biểu Barr nói với Ngoại trưởng Blinken rằng ông “thấy hãi hùng” trước quyết định này, vì cơ quan y tế này là một “kẻ đồng chủ mưu trong việc che đậy vụ bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán”.

Dân biểu Cộng hòa Andy Barr (Kentucky) phát biểu trong phiên điều trần ở Washington vào ngày 10/3/2021. (Ting Shen-Pool / Getty Images)
Dân biểu Cộng hòa Andy Barr (Kentucky) phát biểu trong phiên điều trần ở Washington vào ngày 10/3/2021. (Ting Shen-Pool / Getty Images)

Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố rút Hoa Kỳ khỏi WHO vào tháng 5/2020, vì lý do WHO đã từ chối thực hiện các cải cách do Hoa Kỳ khuyến nghị. Sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp ngăn chặn việc rút lui khỏi WHO của Hoa Kỳ.

Dân biểu Barr đã chất vấn ông Blinken về việc liệu chính quyền ông Biden có “nghiêm túc trong việc buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm” vì đã gây ra đại dịch hay không.

Đáp lại, Ngoại trưởng Blinken đánh giá, tốt hơn là Hoa Kỳ nên thực hiện các cải cách cho WHO từ bên trong, thay vì không tham gia vào tổ chức này.

Bắc Kinh đã không công khai thừa nhận rằng virus Corona Vũ Hán có thể lây nhiễm từ người sang người cho đến ngày 20/1/2020 - vài tuần sau khi Đài Loan gửi email cảnh báo tới WHO về nguy cơ lây truyền từ người sang người của chủng virus này. WHO đã phủ nhận việc email của Đài Loan có chứa cảnh báo này.

Quyết định gia nhập lại WHO của ông Biden cũng là mối quan tâm hàng đầu của Hạ nghị sĩ Cộng hòa Greg Steube (Florida). Dân biểu Steube cũng yêu cầu ông Blinken giải thích lý do tại sao ông Biden đã hủy bỏ một số chính sách cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền ông Trump. Các chính sách này bao gồm cả việc từ chối giữ tên gã trùm công nghệ Trung Quốc Huawei trong “danh sách thực thể”, và trì hoãn việc phê duyệt các quy tắc ngăn cản đầu tư của Mỹ vào các công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội của ĐCSTQ.

Ngoại trưởng Blinken không trả lời đầy đủ câu hỏi của Dân biểu Steube nhưng đã lên tiếng bảo vệ quyết định gia nhập lại WHO của ông Biden.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện đặt câu hỏi về chính sách của ông Biden với Trung Quốc