Các trại đào tạo nghề hàng loạt trá hình ở Tây Tạng bị quốc tế lên án

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 22/9, một nhóm các nhà lập pháp quốc tế đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì áp đặt một chương trình đào tạo nghề hàng loạt ở Tây Tạng giống với hệ thống đang được sử dụng ở Tân Cương.

Trong một tuyên bố, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc, đồng thời xử phạt những người chịu trách nhiệm về các hoạt động tồi tệ này.

Tuyên bố này đi kèm với một báo cáo của IPAC làm rõ thông tin về “một hệ thống lao động cưỡng bức phổ biến rõ ràng ở Tây Tạng” do ĐCSTQ thiết lập.

ĐCSTQ gọi đó là Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chương trình này "gợi nhớ một cách đáng lo ngại về việc đào tạo nghề cưỡng chế và chuyển giao lao động hàng loạt do chính quyền Trung Quốc áp đặt với người Duy Ngô Nghĩ ở Tân Cương", bản tuyên bố cho biết.

Chuyển lao động dư thừa ở nông thôn sang ngành công nghiệp là một phần quan trọng trong động lực thúc đẩy nền kinh tế và giảm nghèo của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền nhận định rằng, ở những khu vực như Tân Cương và Tây Tạng, nơi có phần lớn dân số là người dân tộc và lịch sử bất ổn, thì các chương trình này đặt trọng tâm thái quá vào đào tạo tư tưởng thay vì đào tạo nghề. Đồng thời, việc đưa ra hạn ngạch của chính phủ và quản lý theo kiểu quân đội cho thấy, việc chuyển đổi nghề này có tính cưỡng chế.

Học giả Trung Quốc Adrian Zenz cùng tham gia viết báo cáo của IPAC nói rằng, chương trình đào tạo là "cuộc tấn công mạnh nhất, rõ ràng nhất và có chủ đích vào sinh kế truyền thống của người Tây Tạng mà chúng ta đã thấy kể từ Cách mạng Văn hóa".

Báo cáo đã được chứng thực bởi một cuộc điều tra của Reuters được công bố vào ngày 22/9.

Các nhà lập pháp cho biết, bản báo cáo của IPAC cho thấy rằng, bất chấp những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp “các quyền cơ bản của con người”.

Các nhà lập pháp viết: “Chúng tôi cùng lên án mạnh mẽ những hành vi này và kêu gọi chính phủ Trung Quốc dừng những hành động tàn bạo này ngay lập tức”.

Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận việc liên quan đến lao động cưỡng bức và cho biết, Trung Quốc là một quốc gia có nền pháp trị và người dân tham gia lao động hoàn toàn tự nguyện, kèm theo đó chính phủ Trung Quốc cũng có những khoản bồi thường thích đáng.

IPAC kêu gọi các chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu theo Đạo luật trừng phạt Magnitsky đối với những người chịu trách nhiệm, đồng thời điều chỉnh những tư vấn về rủi ro cho các doanh nghiệp để họ có thể tránh mua phải hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất.

IPAC cũng yêu cầu các chính phủ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về tình hình của người dân Tây Tạng và cử đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đến Tây Tạng để điều tra các cáo buộc về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc.

Cuộc điều tra đã nhận được sự tán thành từ nhiều quốc gia, với 63 chữ ký ủng hộ đại diện cho Úc, Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hoa Kỳ và 10 quốc gia Châu Âu.

Cũng trong ngày 22/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã “thống nhất” thông qua Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ. Đạo luật này sẽ “ngăn chặn một số hoạt động nhập khẩu hàng hoá từ Tân Cương và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến vi phạm nhân quyền”.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Các trại đào tạo nghề hàng loạt trá hình ở Tây Tạng bị quốc tế lên án