Cựu đặc vụ FBI: Các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ là vấn đề xã hội, không phải vấn đề súng đạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bàn về các vụ xả súng kinh hoàng gần đây tại Mỹ, một cựu đặc vụ FBI cho rằng vấn đề sâu xa không nằm ở súng, mà nằm ở con người. Cụ thể, nước Mỹ đã đưa Chúa ra khỏi trường học, gia đình không có hình bóng người cha, trẻ nhỏ không được dạy phải sống có trách nhiệm và bệnh tâm thần đang bị điều trị sai cách.

Tại Mỹ, số vụ xả súng hàng loạt được báo cáo và xác minh trong năm nay đã vượt qua con số 325. Mười lăm vụ trong số này dẫn đến tử vong. Vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 04/07, khi Robert Crimo III nổ súng trong một cuộc diễu hành ở Công viên Highland, ngoại ô Chicago, giết chết 7 người và làm bị thương một số người khác. Trước khi bị bắt, tay súng 21 tuổi đã "dự tính" một cuộc tấn công thứ hai ở Wisconsin.

The Epoch Times đã nói chuyện với ông Gregory Shaffer - cựu đặc vụ chuyên về giám sát và cựu thành viên Đội Giải cứu Con tin (HRT) của FBI, tác giả của cuốn sách “Stay Safe: Security Secrets for Today’s Dangerous World” (Sống an toàn: Bí mật an ninh trong thế giới nguy hiểm hiện nay).

Trong một nỗ lực để hạn chế cái gọi là "bạo lực súng đạn", Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp để những người nguy hiểm không thể sở hữu súng. Ông Shaffer đồng ý rằng một số người nhất định không nên sở hữu súng; tuy nhiên, ông lại “sợ hãi” khi nghe đến từ “bạo lực súng đạn”. Ông nói, nếu không có người bóp cò thì súng sẽ không có khả năng làm gì.

“Súng không gây bạo lực; con người gây ra bạo lực”. Nguyên nhân sâu xa của tất cả, ông nói, chính là “cái ác tồn tại” và những người bệnh ngày càng ít chịu sự quản lý hay được điều trị thích hợp.

Một 'thế giới nguy hiểm'

“Chúng ta đang sống trong một thế giới vô cùng nguy hiểm”, ông Shaffer nói. "Tội phạm bạo lực đang gia tăng". Năm nay, nửa tá thành phố lớn tại Mỹ có thể sẽ vượt qua mức kỷ lục về tội phạm bạo lực của năm ngoái, Fox News đưa tin. Những nơi này bao gồm Atlanta, Baltimore, Los Angeles, Thành phố New York, Philadelphia và Washington.

Ông Shaffer khuyến khích việc mọi công dân tuân thủ luật pháp và không có vấn đề về tâm thần nên mang theo súng để tự vệ. "Bạn chỉ là không bao giờ biết khi nào bạn sẽ cần nó trong thế giới hiện nay". Hơn thế nữa, ông nói tiếp, “việc không nhận thức được ai và những gì đang diễn ra xung quanh bạn cũng giống như việc bạn đeo tấm bịt mắt, đi loanh quanh và gặp rắc rối”.

Vì hầu hết những kẻ phạm tội bạo lực đều là những kẻ “hèn nhát tìm kiếm những mục tiêu yếu nhất”, điều quan trọng là phải luôn cảnh giác và cẩn thận. “Luôn luôn có kế hoạch và luôn đặt câu hỏi ‘sẽ thế nào nếu’”, ông Shaffer nói. "Bạn sẽ làm gì, nếu ngay tại thời điểm này chuyện đó xảy ra?". Chuyện đó có thể là việc bị một người lạ hoặc một tên tội phạm nguy hiểm tiếp cận tại nơi đông người. "Bạn sẽ làm gì khi đột nhiên, mọi thứ trở nên bạo lực?".

Ông Shaffer thừa nhận rằng điều ông ấy cảm thấy khó khăn nhất trong công việc quản lý rủi ro và tư vấn bảo mật là “làm cho những người tốt hiểu rằng cái ác tồn tại”. Hầu hết mọi người chưa bao giờ là nạn nhân của bạo lực, vì vậy họ nghĩ rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với họ, ông nói.

“Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm hơn, nhưng hầu hết mọi người không muốn thừa nhận điều đó”, ông Shaffer nói. “Thật khó chịu khi nghĩ rằng đất nước đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải trở nên tốt hơn”.

Các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ là vấn đề xã hội không phải vấn đề súng đạn
Ảnh chụp kẻ xả súng Robert Crimo III ở Waukegan, bang Illinois. Bức ảnh không ghi ngày tháng. (Ảnh: Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Lake/Getty Images)

Thiếu trợ giúp dài hạn

Theo ông Shaffer, kẻ bắn súng "điên rồ" ở Công viên Highland có thể là một ứng cử viên cho trại tâm thần. Tuy nhiên, ông cho biết, các cơ sở tâm thần đã loại bỏ đi việc chữa trị cho những người loạn trí. Ông nói: “Nước Mỹ không có cơ sở vật chất mà nước Mỹ từng có để chữa trị cho những người này”.

Kể từ những năm 1960, Mỹ đã chuyển đổi từ việc thể chế hóa các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các cơ sở tâm thần của nhà nước sang việc dựa vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần vận hành bởi cộng đồng.

Một số người cho rằng, điều này đã dẫn đến "cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần", tạo ra một hệ thống mà "chăm sóc quá mức những người chỉ đang bị lo lắng và không điều trị đủ cho những người bị tâm thần nghiêm trọng”.

Ông Shaffer cho biết trạng thái tinh thần của kẻ xả súng Crimo đã không được những người thân thiết nhất để ý đến.

Bạn bè của Crimo từng nói rằng hắn ta đang ở trong "vòng xoáy đi xuống", nhưng gia đình đã làm ngơ trước tình trạng của hắn. Có thông tin cho rằng Crimo đã đấu tranh với ý định tự tử và tự làm hại bản thân trong khoảng thời gian kéo dài tới 6 năm. Ông Shaffer nói: “Nếu có ai hiểu rõ nhất về con trai mình, thì đó chính là cha và mẹ”.

Năm 2019, các báo cáo của cảnh sát cho thấy Crimo đã tự tử và đã nhiều lần đe dọa gia đình hắn ta. Theo Sở Cảnh sát bang Illinois, một bộ sưu tập dao đã được tìm thấy và mang đi khỏi nhà của Crimo; điều này cho thấy “mối nguy hiểm rõ ràng và thường trực”. Tuy nhiên, Crimo lại có thể có được giấy phép sử dụng súng của bang Illinois khi người cha đồng ký vào đơn đăng ký (vì hắn ta chưa đủ 21 tuổi).

Nguyên nhân bạo lực gia tăng

Ông Shaffer nhận thấy rằng nhiều người đang tìm kiếm lý do để giải thích cho gia tăng tội phạm bạo lực.

“[Vị trí của] Chúa ở đâu?" và "những người cha trong gia đình đang ở đâu?" ông Shaffer đặt câu hỏi. "Nhiều đứa trẻ không còn kính sợ Chúa, không còn có được một cấu trúc gia đình lành mạnh và thường không phải chịu trách nhiệm trước ai”.

Nhà truyền giáo Franklin Graham từng nói: "Chúng ta đã đưa Chúa ra khỏi trường học và hầu hết các gia đình đang bỏ Chúa ra khỏi việc nuôi dạy con cái của họ".

Về những người cha trong gia đình, Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Mỹ báo cáo rằng tỷ lệ ly hôn đang là 2,3/1.000 người. Gần 1/4 trẻ em dưới 18 tuổi ở Mỹ chỉ sống với cha hoặc mẹ và không có người lớn nào khác. Điều đó có nghĩa là hàng triệu trẻ em phải sống trong những ngôi nhà không cha.

Ông Shaffer tóm tắt lời giải thích của mình về tội phạm bạo lực ở Mỹ như sau: “Không có hình bóng của Chúa, không có hình bóng người cha, không có trách nhiệm, [và] không có điều trị [sức khỏe tâm thần]”.

Các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ là vấn đề xã hội không phải vấn đề súng đạn
Cảnh sát rào xung quanh hiện trường vụ bắn súng trong cuộc diễu hành 04/07 ở Công viên Highland, bang Illinois, ngày 04/07/2022. (Ảnh: Youngrae Kim / AFP qua Getty Images)

‘Giải pháp’ lại làm trầm trọng thêm vấn đề

Trong khi hầu hết những người sở hữu súng là những công dân tuân thủ luật pháp - những người không có lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, thì “có nhiều người khác đang đi bộ trên đường phố Mỹ với súng - những người mà sức khỏe tâm thần của họ đã bị tổn thương nghiêm trọng”, ông Schaffer cho biết.

Ông nói: “Thay vì nhận được chăm sóc sức khỏe thích hợp (điều mà về cơ bản không còn khả dụng nữa), họ thường được tiêm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)”. SSRI là một số loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn phổ biến nhất hiện nay.

Ông Shaffer chỉ ra rằng “nhiều loại thuốc trong số này được cho là ngăn ngừa trầm cảm và tự tử, nhưng các tác dụng phụ được liệt kê trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc nói rằng chúng có thể gây ra lo lắng, trầm cảm và ý định tự tử”.

Điều này đặt ra câu hỏi: "Nếu đúng như vậy, làm thế nào để bạn điều trị một vấn đề sức khỏe tâm thần khi các tác dụng phụ tiềm ẩn chính là vấn đề đang được điều trị?".

Một cảnh báo của FDA nêu rõ: “Các bệnh nhi đang được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm cho bất kỳ chỉ định nào cần được theo dõi chặt chẽ khi tình trạng bệnh xấu đi, cũng như khi có hành vi kích động, cáu kỉnh, tự tử và những thay đổi bất thường về hành vi, đặc biệt là trong vài tháng đầu của đợt điều trị bằng thuốc, hoặc vào những thời điểm thay đổi liều lượng - dù tăng hay giảm”.

Kết quả là, ông Shaffer nói, "Mỹ cần phải xem xét nghiêm túc những điều này."

Súng không phải là vấn đề

Theo ông Shaffer, súng là một phần của nước Mỹ kể từ khi lập quốc. Có tới 44% hộ gia đình Mỹ sở hữu súng.

Ông Shaffer nói: “Súng vẫn luôn tồn tại nhưng điều mới có là những vụ xả súng hàng loạt và những vụ xả súng chủ động”. Cuối cùng, ông nói, tội phạm bạo lực là “một vấn đề xã hội, không phải vấn đề về súng”.

Xuân Hoa

Theo J.M. Phelps - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cựu đặc vụ FBI: Các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ là vấn đề xã hội, không phải vấn đề súng đạn