Campuchia gây tranh cãi khi mời Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN

Giúp NTDVN sửa lỗi

Campuchia đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bất chấp lời kêu gọi của hàng trăm nhóm nhân quyền phản đối sự tham gia của ông vì những hành động tàn bạo của quân đội nước này đối với dân thường.

Ngày 17/6, tướng Nem Sowath, Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính sách và Đối ngoại của Bộ Quốc phòng Campuchia, cho biết tất cả các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar, Tướng Mya Tun Oo được mời tham dự cuộc họp ngày 22/6.

Tướng Mya Tun Oo, người đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì vai trò của ông trong việc lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, truyền thông Myanmar Irrawaddy đưa tin.

“Vì năm nay chúng tôi là Chủ tịch ASEAN, ASEAN bao gồm 10 thành viên, nên việc mời tất cả các thành viên ASEAN là điều cần thiết. Chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận từ tám quốc gia ASEAN”, ông Sowath nói với các phóng viên.

Campuchia vẫn đưa ra quyết định này mặc dù có tới 677 tổ chức xã hội dân sự khu vực và quốc tế lên tiếng phản đối vì ông Mya Tun Oo có vai trò lớn trong việc triển khai các cuộc đàn áp tàn bạo đang diễn ra hiện nay của quân đội nước này.

Trong một bức thư gửi các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, các tổ chức nhân quyền nói trên tuyên bố rằng việc mời ông Mya Tun Oo tham dự cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) sẽ "không nhất quán" với nghị quyết trước đó của khối về việc cấm các đại diện chính trị của quân đội của Myanmar tham dự bất kỳ cuộc họp nào.

Họ nói: “Khi cho phép quân đội [Myanmar] tham gia ADMM, ASEAN có nguy cơ đồng lõa với tội ác tàn bạo của quân đội, ủng hộ và hợp pháp hóa cho quân đội tiến hành một chiến dịch khủng bố trên toàn quốc”.

Ít nhất 700.000 người đã bị buộc phải di dời kể từ khi quân đội nắm chính quyền trong cuộc đảo chính vào ngày 1/2/2021. Quân đội đã giết chết hơn 1.900 người và bắt giữ tùy tiện 14.000 người do hậu quả của các cuộc biểu tình chống chính quyền.

“Chúng tôi kêu gọi các ngài, với tư cách là bộ trưởng quốc phòng ASEAN, loại ông Mya Tun Oo ra khỏi ADMM và tất cả các cuộc họp trong tương lai. Chúng tôi cũng đề nghị quý ngài làm việc với Chính phủ Thống nhất Quốc gia với tư cách là chính phủ hợp pháp của Myanmar và hỗ trợ nước này giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar”.

Campuchia hiện là Chủ tịch của ASEAN 10 thành viên. Khối này đã thông qua đồng thuận 5 điểm như một biện pháp được thiết kế để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Vào tháng 1/2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tiến hành chuyến thăm Myanmar, có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo quân đội của Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, bất chấp lời kêu gọi từ một số nhóm nhân quyền đề nghị ông hủy bỏ chuyến đi này.

Trích dẫn đồng thuận 5 điểm về Myanmar, các Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền cho biết trên Twitter rằng động thái của ông Hun Sen gặp chế độ quân sự "làm suy yếu uy tín của ASEAN" và đe dọa nỗ lực khôi phục nền dân chủ của Myanmar.

ASEAN gồm 10 thành viên bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thùy Minh

(Theo The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Campuchia gây tranh cãi khi mời Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN