Căn cứ quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn là hổ giấy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã xây dựng một số hòn đảo trên Biển Đông, nhưng liệu họ có thể bảo vệ những hòn đảo này hay không? Các cơ sở quân sự mà họ thiết lập gây ảnh hưởng thế nào đến công việc của Mỹ ở Biển Đông? Gần đây, học giả ngoại giao Mỹ Robert Farley đã viết trên tạp chí The National Interest phân tích về vấn đề này và chỉ ra rằng, căn cứ quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn là hổ giấy, quân đội Mỹ không khó để chọc thủng nó.

Ông Robert Farley thường đóng góp bài viết cho tạp chí The National Interest, ông là tác giả của cuốn The Battleship Book (tạm dịch: Sách Chiến hạm) và là giảng viên cấp cao tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson thuộc Đại học Kentucky, Mỹ.

Theo ông Farley, các hòn đảo ở khu vực Biển Đông có ý nghĩa quân sự nhất định, nhưng quan trọng hơn, chúng như một yêu sách chính trị đối với các nguồn tài nguyên đường thủy và dưới biển. Trong quân sự, chúng là lớp vỏ mỏng của hệ thống A2/AD của Trung Quốc. Trong một số trường hợp, lớp vỏ mỏng này có thể sẽ quấy nhiễu quyền tự do hành động của Mỹ, nhưng không quân và hải quân của Mỹ không khó để xuyên thủng nó.

Vũ khí A2/AD mà ông Farley đề cập đến là một thuật ngữ mới do Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đặt ra để chỉ các loại vũ khí của Trung Quốc, bao gồm tàu ​​ngầm tiên tiến, tên lửa đất đối không, tên lửa chống vệ tinh (Anti-satellite weapon) cùng công nghệ và vũ khí chiến tranh mạng máy tính.

Ông Farley cho rằng, trong Thế chiến II, Nhật Bản phát hiện rằng việc kiểm soát các hòn đảo đã mang lại một số lợi thế về chiến lược, nhưng vẫn không đủ để buộc Mỹ phải hạ gục từng hòn đảo một.

Ngoài ra, theo thời gian, những hòn đảo này đã trở thành một loại trách nhiệm chiến lược khi Nhật Bản luôn phải cố gắng duy trì cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và thiết bị cho chúng. Các hòn đảo ở Biển Đông nằm ở vị trí rất thuận tiện cho Trung Quốc, nhưng chúng có thực sự đại diện cho tài sản quân sự của Trung Quốc hay không? Câu trả lời là có, nhưng giá trị của chúng sẽ giảm đi nhanh chóng trong các cuộc xung đột thực tế.

Cơ sở

Trung Quốc đã thiết lập rất nhiều cơ sở quân sự trên Biển Đông, chủ yếu ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng sân bay trên các rạn san hô như Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross), đồng thời xây dựng các cơ sở hạ tầng tiềm năng gồm tên lửa, ra-đa và máy bay trực thăng ở một số nơi nhỏ hơn.

Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã thiết lập một căn cứ quân sự quan trọng trên đảo Phú Lâm (Woody Island). Ngoài ra, còn xây dựng các cơ sở ra-đa và máy bay trực thăng ở một số nơi khác thuộc quần đảo.

Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng trên toàn bộ khu vực, điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự của họ trong tương lai. Trên các căn cứ tương đối lớn (ở Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập, đảo Phú Lâm) còn có cơ sở hạ tầng cần thiết để quản lý máy bay quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu và tàu tuần tra cỡ lớn. Các tên lửa, ra-đa và máy bay này sẽ mở rộng phạm vi sát thương của quân đội Trung Quốc trên khắp Biển Đông.

Tên lửa

Một số hòn đảo đóng vai trò là căn cứ cho các hệ thống SAM (hay còn gọi là hệ thống Tên lửa đất-đối-không, bao gồm HQ-9 với tầm bắn khoảng 200 km, có lẽ sau cùng còn có S-400 của Nga), và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM). Những tên lửa này biến Biển Đông trở thành khu vực gây chết chóc đối với các tàu và máy bay Mỹ không có khả năng tàng hình hoặc không có hệ thống phòng không nhiều lớp.

Dưới sự hỗ trợ của mạng lưới ra-đa, hệ thống SAM có thể hạn chế hiệu quả khả năng máy bay địch tiến vào Biển Đông trong tình huống không có sự hỗ trợ đáng kể của tác chiến điện tử. Còn GLCM có thể bổ sung một bộ bệ phóng khác vào mạng lưới A2/AD của Trung Quốc, mặc dù chúng không nhất định sẽ có hiệu quả hơn tên lửa phóng từ tàu ngầm, tàu chiến hoặc máy bay.

Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột, khả năng tồn tại của những thiết bị tên lửa này như thế nào thì vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Tên lửa phóng từ mặt đất có thể tồn tại trong các cuộc không kích vì chúng có thể ẩn náu trong đồi, rừng và các lớp che phủ tự nhiên khác.

Nhưng trên các đảo mà Trung Quốc xây dựng lại không có lớp che phủ tự nhiên nào hiệu quả, vậy thì ngay cả các công trình phòng thủ nhân tạo cũng có thể không tồn tại được sau cuộc tấn công phối hợp. Ngoài ra, bệ phóng tên lửa ít nhất cũng phải có một mạng lưới hậu cần mạnh mẽ đủ để cung cấp nhiên liệu, điện và đạn dược. Mà Trung Quốc có thể sẽ không cung ứng đủ những thứ này trong một trận chiến thực tế.

Sân bay

Bốn căn cứ quân sự lớn nhất ở Biển Đông của Trung Quốc có các cơ sở rộng rãi cho máy bay quân sự hoạt động. Trong đó bao gồm máy bay chiến đấu tiên tiến, nhưng quan trọng hơn là máy bay tuần tra, tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm tiên tiến.

Năng lực sử dụng các sân bay này sẽ giúp mở rộng hiệu quả phạm vi hoạt động của vũ khí A2/AD của Trung Quốc, cho phép truyền dữ liệu mục tiêu tới các bệ phóng tên lửa trên biển và ở Trung Quốc đại lục. Bản thân các máy bay chiến đấu này có nhiệm vụ là làm cho bầu trời Biển Đông trở nên chết chóc hơn trước, và đe dọa tàu Mỹ ở khoảng cách xa bằng tên lửa hành trình.

Nhưng trong cuộc xung đột, độ bền của một sân bay phụ thuộc vào việc có vật liệu và thiết bị để sửa chữa sau cuộc tấn công hay không. Không rõ các đảo do Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông có đủ mạnh để tiếp tục hoạt động sau các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom của Mỹ hay không. Mặc dù các đảo lớn hơn đều có boongke dành cho máy bay, nhưng liệu những boongke này có thể tồn tại lâu dài sau các cuộc tấn công phối hợp của Hoa Kỳ hay không thì lại là một vấn đề bỏ ngỏ nữa.

Ra-đa

Hiệu quả của hệ thống SAM, GLCM và máy bay chiến đấu phụ thuộc vào dữ liệu định vị mục tiêu chính xác. Đóng góp quan trọng nhất mà các đảo ở Biển Đông có thể mang lại cho quân đội Trung Quốc là hệ thống ra-đa mà họ thiết lập trên nhiều đảo. Mặc dù mỗi hệ thống này đều mỏng manh, nhưng chúng giúp cung cấp một bức tranh toàn cảnh hơn về không gian chiến đấu so với những gì Trung Quốc vốn có. Chúng đã nâng cao đáng kể lực sát thương của mạng lưới phòng thủ của Trung Quốc.

Nói cách khác, bản thân các ra-đa rất dễ bị Mỹ tấn công. Các cuộc tấn công này bao gồm các phương pháp động học như tên lửa (phóng từ tàu ngầm, máy bay tàng hình hoặc các bục bệ khác), tác chiến điện tử, tấn công mạng và thậm chí cả các cuộc đột kích của lực lượng đặc biệt...

Trong cuộc xung đột, Trung Quốc có thể nhanh chóng mất quyền truy cập vào mạng lưới ra-đa mà họ đã thiết lập. Tuy mạng lưới này có chi phí tương đối thấp nhưng lại khiến công việc thâm nhập Biển Đông của quân đội Mỹ phức tạp thêm.

Hậu cần

Tất cả năng lực quân sự của các đảo ở Biển Đông đều phụ thuộc vào thông tin liên lạc an toàn với Trung Quốc đại lục. Hầu hết các đảo do Trung Quốc xây dựng đều không thể hỗ trợ cho các kho dự trữ hậu cần rộng lớn, hoặc giữ cho các kho này an toàn trước cuộc tấn công. Trong một trận thực chiến, việc duy trì nguồn cung ứng nhiên liệu, thiết bị và đạn dược cho các hòn đảo có thể sẽ sớm trở thành một gánh nặng cho Trung Quốc.

Giả sử rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không màng đến sự mạo hiểm và tốn kém khi cung ứng cho các đảo giữa làn đạn pháo, vậy thì trong xung đột, giá trị quân sự của các đảo ở Biển Đông sẽ trở thành khối tài sản lãng phí. Thật không may cho Trung Quốc là, bản chất của các cuộc chiến tranh trên đảo, và bản chất của các loại hình chiến đấu mà Trung Quốc quyết định hỗ trợ lại gây khó khăn cho chính họ trong việc duy trì hoạt động của các cơ sở, căn cứ này. Chúng chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Tàu chiến với Pháo đài

Huân tước Horatio Nelson có thể đã cười nhạo rằng, "Một con tàu sẽ là kẻ ngốc khi chiến đấu với một pháo đài". Nhưng trong một số trường hợp, tàu chiến có lợi thế hơn hẳn so với pháo đài. Các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông không di động, cũng không đủ lớn để cất giấu nhiều thiết bị và vật liệu quân sự.

Hoa Kỳ sẽ có thể lập bản đồ tỉ mỉ các cơ sở quân sự trên mọi hòn đảo ở Biển Đông và có thể theo dõi các trang thiết bị quân sự được vận chuyển đến các đảo này. Như vậy những hòn đảo này cực kỳ dễ bị tấn công từ tàu chiến, tàu ngầm và máy bay, vì tên lửa sẽ không yêu cầu dữ liệu nhắm mục tiêu theo thời gian thực.

Một bước đi tích cực của Mỹ là đảo ngược quyết định cho "nghỉ hưu tại chỗ" hệ thống pháo tiên tiến trên tàu khu trục lớp Zumwalt. Việc trang bị đạn dược cho khẩu pháo này sẽ cho phép Zumwalt có thể tấn công các công trình trên đảo của Trung Quốc ở khoảng cách xa, và có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho đối phương, mà trên thực tế là không thể khắc phục được với chi phí tương đối thấp. Nếu không, những hòn đảo này sẽ “bị ăn” tên lửa hành trình. Nhờ có hệ thống pháo nói trên mà những tên lửa này có thể được dùng vào việc tấn công các mục tiêu khác.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương - Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Căn cứ quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn là hổ giấy