Canada: Các nghị sĩ nhất trí bỏ phiếu thông qua Dự luật chống buôn bán nội tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau gần 15 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, các nghị sĩ Canada đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ một dự luật của Thượng viện Canada, trong đó quy định các tội danh mới liên quan đến cưỡng bức thu hoạch và buôn bán nội tạng ra nước ngoài.

Vào ngày 14/12 tại Hạ viện Canada, các nghị sĩ từ tất cả các bên đã bỏ phiếu ủng hộ Dự luật S-223, một dự luật chống cưỡng bức thu hoạch nội tạng do Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan đệ trình vào tháng 11/2021.

Sau khi dự luật nhận được sự đồng thuận của hoàng gia và chính thức trở thành một đạo luật của Quốc hội, Canada sẽ gia nhập hàng ngũ các quốc gia đã thông qua luật chống mổ cướp nội tạng cưỡng bức, du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng như: Vương quốc Anh, Ý, Israel, Bỉ, Na Uy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Đài Loan.

Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Garnett Genuis, người bảo trợ cho dự luật tại Hạ viện, cho biết trên Twitter ngay sau khi dự luật được thông qua: “Đây là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn nạn giết người hoặc thu hoạch nội tạng trên phạm vi toàn cầu".

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Những học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công giương biểu ngữ tại một cuộc mít tinh trước Khu phía Tây trên Đồi Quốc hội để ủng hộ dự luật cấm cưỡng bức thu hoạch nội tạng, ở Ottawa, hôm 14/12. (Ảnh: Jian Ren/The Epoch Times)

Luật sư nhân quyền người Canada David Matas, người đã nghiên cứu về nạn thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công, cho biết, việc thông qua luật này có nghĩa là nhiều sinh mạng sẽ được cứu.

“Chấm dứt mổ cướp nội tạng có nghĩa là những người vô tội sẽ không còn bị sát hại để lấy nội tạng nữa. Nếu điều đó xảy ra thì đây là thành quả rất quan trọng, vì có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội ác tàn bạo này", ông Matas cho biết trong một email vào ngày 13/12.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Những học viên Pháp Luân Công và những người biểu tình Tây Tạng giương cờ và biểu ngữ tại một cuộc mít tinh trước Khu nhà phía Tây trên Đồi Quốc hội để ủng hộ dự luật cấm mổ cướp nội tạng ở Ottawa, hôm 14/12. (Ảnh: Jian Ren/The Epoch Times)

Luật sư nhân quyền Matas và cố cựu nghị sĩ và bộ trưởng nội các David Kilgour đã đưa ra báo cáo gây chấn động có tiêu đề "Thu hoạch đẫm máu" vào năm 2006, sau đó là một cuốn sách cùng tên vào năm 2009, kết luận rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tham gia vào cưỡng bức thu hoạch nội tạng quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công, sau đó sát hại họ trong quá trình thu hoạch nội tạng để bán các bộ phận cơ thể của họ kiếm lời.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định và tâm linh dựa trên nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn. Dưới sự cai trị của nhà lãnh đạo lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng đối với môn tu luyện này vào năm 1999, và chiến dịch này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Đọc thêm:

Vì sao ĐCS Trung Quốc muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P2): Âm mưu, thủ đoạn và tội ác

Nạn mổ cướp tạng sống học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

Dự luật S-223, do Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan bảo trợ, sẽ coi việc công dân hoặc thường trú nhân Canada ra hải ngoại để nhận cơ quan nội tạng được thu hoạch từ người không đồng ý [hiến tặng] là hành vi phạm tội hình sự.

Dự luật này cũng sẽ sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Tị nạn để từ chối quyền tiếp cận thường trú nhân hoặc công dân ngoại quốc vào Canada nếu họ tham gia vào các hoạt động liên quan đến buôn bán nội tạng người.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/12, phiếu bầu của nghị sĩ đảng Bảo thủ Gary Vidal ban đầu được ghi là “không”, nhưng văn phòng của ông đã xác nhận với The Epoch Times rằng đó là một sai sót và cuộc bỏ phiếu để thông qua dự luật đã đạt được sự đồng thuận.

Lễ kỷ niệm

Ông Genuis đã mời hàng trăm học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng đã được Genuis mời đến phòng trưng bày của Hạ viện Canada để quan sát cuộc bỏ phiếu về cả Dự luật S-223 và một thỉnh nguyện liên quan đến Đối thoại Trung Quốc - Tây Tạng (Sino-Tibet Dialogue)và Giải pháp Trung Dung cho Tây Tạng (Middle Way Approach).

Trước khi bỏ phiếu, các nhóm trên đã tập hợp trước Khu phía Tây trên Đồi Quốc hội, giương cao các biểu ngữ và bảng hiệu, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với dự luật và thỉnh nguyện.

Phát biểu tại sự kiện, ông Genuis bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nỗ lực của của ông Matas và ông Kilgour.

“[Họ] đã làm công việc ban đầu là phát hiện và phơi bày tất cả những gì đang xảy ra ở Trung Quốc với nạn cưỡng bức thu hoạch và buôn bán nội tạng, và tất nhiên cộng đồng Pháp Luân Công đã rất tích cực phản đối và thỉnh nguyện", ông nói.

Ông Genuis cũng đặc biệt đề cập đến các cựu nghị sĩ và bà Ataullahjan, những người đã đưa ra các dự luật tương tự trong 15 năm qua.

“Rất nhiều người đã tham gia vào nỗ lực này. Nhưng đóng góp lớn nhất là cộng đồng đã ra ngoài và thu thập các thỉnh nguyện, chữ ký, những người không nổi tiếng nhưng đã thực hiện công việc trên nền tảng của việc ủng hộ các nghị sĩ của họ, cũng như tổ chức [các sự kiện thỉnh nguyện]", ông nói.

Sau cuộc bỏ phiếu, ba nhóm diễu hành về phía đông dọc theo Phố Wellington đến Đại sứ quán Trung Quốc, nơi họ tổ chức mít tinh và ăn mừng chiến thắng khi dự luật S-223 được thông qua.

Phát biểu ngay trước khi cuộc tuần hành bắt đầu, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Arnold Viersen cho biết, ông đã trình bày hàng trăm bản thỉnh nguyện tại Hạ viện Canada để kêu gọi chấm dứt nạn mổ cướp nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc và yêu cầu chính phủ liên bang cần có động thái nào đó để ngăn chặn vấn đề này.

Ông Viersen cũng vinh danh sự đóng góp của ông Kilgour trong phong trào chống mổ cướp nội tạng.

“Ông ấy thực sự là người đã truyền cảm hứng để tôi làm việc về vấn đề này và ông ấy cũng đã nỗ lực rất nhiều. Điều này đã được thực hiện hơn 15 năm qua. Đây là một ngày trọng đại để ăn mừng", ông Viersen nói.

“Cộng đồng Pháp Luân Công thực sự là một phần quan trọng trong hành trình đưa chúng ta đến ngày hôm nay", ông nhận định.

Các vụ việc tương tự

Trong khi điều trần trước một ủy ban của Thượng viện vào tháng 4 năm ngoái về Dự luật S-204, tiền thân của Dự luật S-223, ông Kilgour lưu ý rằng, nhiều quốc gia đã có luật chống buôn bán nội tạng và thật “đáng xấu hổ” khi Canada chưa có luật như vậy .

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Cựu Ngoại trưởng Canada phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương David Kilgour (phải) trình bày một báo cáo sửa đổi về mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đồng tác giả báo cáo và luật sư nhân quyền David Matas (trái) đang lắng nghe ở phía sau, hôm 31/1/2007. (Ảnh: The Epoch Times)

Cựu Nghị sĩ Đảng Tự do Borys Wrzesnewskyj đã đề xuất phiên bản đầu tiên của dự luật vào năm 2008. Dự luật C-500 mà ông giới thiệu vào tháng 2/2008 đã bị hủy bỏ khi Quốc hội bị giải tán. Ông tiếp tục đệ trình dự luật này vào năm 2009 với tên gọi là Dự luật C-381. Dự luật này cũng chung số phận khi Quốc hội bị giải tán.

Nghị sĩ Đảng Tự do lúc bấy giờ là ông Irwin Cotler đã giới thiệu Dự luật C-561 vào năm 2013 nhưng không thành công. Sau khi ông Cotler nghỉ hưu, ông Genuis đã giới thiệu lại dự luật tại Quốc hội lần thứ 42 với tên gọi Bill C-350, nhưng dự luật này chỉ được thông qua lần đọc đầu tiên tại Thượng viện.

Vào tháng 12/2019, bà Ataullahjan đã đề xuất Dự luật S-204, nhưng sau khi Thủ tướng Justin Trudeau thành lập Quốc hội vào năm 2020, mọi hoạt động lập pháp đã dừng lại và dự luật mới chỉ được thông qua lần đọc đầu tiên tại Thượng viện.

Cả ba nghị sỹ đều cho biết những nỗ lực của họ trong việc chống lại tội ác thu hoạch nội tạng được lấy cảm hứng từ cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” của ông Matas và ông Kilgour.

Vào năm 2016, ông Matas, ông Kilgour và nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã cùng xuất bản một báo cáo dài 680 trang về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Họ ước tính rằng, các bệnh viện Trung Quốc đã thực hiện 60.000 đến 100.000 ca phẫu thuật ghép tạng hàng năm và nguồn nội tạng chính đến từ các học viên Pháp Luân Công.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan (phải) và Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Garnett Genuis trong một bức ảnh hồ sơ. (Ảnh: Limin Zhou/The Epoch Times)

Nguyên tắc đạo đức

Phát biểu tại Quốc hội Canada vào ngày 5/12, Nghị sĩ Đảng Tự do Sameer Zuberi, người bảo trợ cho Dự luật S-223, cho biết, dự luật này là một bộ luật quan trọng sẽ “giúp Canada giải quyết mối quan ngại nghiêm trọng về nhân quyền” và gửi đi một “thông báo rõ ràng và tín hiệu mạnh mẽ rằng, Canada không chấp nhận [tội ác] này".

Ông Zuberi lưu ý rằng, Bộ luật Hình sự không đề cập đến tội phạm liên quan đến mổ cướp nội tạng bên ngoài Canada. Đây là điều mà dự luật này nhắm tới.

Ông Genuis cho biết, Dự luật S-223 công nhận một nguyên tắc đạo đức căn bản rằng, sát nhân hoặc cướp nội tạng là hành vi sai trái và cần phải bị ngăn chặn ở bất cứ đâu.

“Việc không có bất kỳ giới hạn nào đối với chủ quyền quốc gia nhằm bảo vệ các quyền con người phổ quát sẽ tạo ra một thực tế mà ở đó chúng ta sẽ ngoảnh mặt làm ngơ khi các quốc gia phạm những tội ác ghê tởm nhất đối với chính người dân của họ", ông cho biết tại Hạ viện Canada vào ngày 5/12.

“Bất kỳ người đạo đức nào tin vào công lý và phẩm giá con người phổ quát, tại một thời điểm nhất định, cần phải từ chối đồng ý cho phép một số tội ác được thực hiện dưới danh nghĩa chủ quyền quốc gia".

'Hành vi man rợ'

Nghị sĩ Đảng Dân chủ mới của Canada Alistair MacGregor cho biết, ông rất vui khi các nghị sĩ công nhận rằng, Dự luật S-223 là một thay đổi quan trọng và được mong đợi từ lâu đối với luật hình sự.

“Tôi cho rằng, dự luật gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những người sống trên khắp thế giới, những người không chỉ phải đối mặt với những hành vi man rợ này dưới các chế độ như Trung Quốc", ông nói vào ngày 5/12.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Garnett Genuis (giữa) chụp ảnh cùng những người biểu tình Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng khi họ tập trung trước Khu phía Tây trên Đồi Quốc hội để ủng hộ dự luật cấm mổ cướp nội tạng cưỡng bức, tại Ottawa, hôm 14/12. (Ảnh: Jian Ren/The Epoch Times)

Nghị sĩ Kristina Michaud của Khối Québécois cho biết, các nghị sĩ có trách nhiệm thông qua Dự luật S-223 vì đây là "một bước đi đúng hướng trong việc ngăn chặn nạn buôn bán nội tạng."

“Đây là một vụ án tội phạm có tổ chức với nhiều thủ phạm, người tuyển dụng, người vận chuyển, nhân viên phòng khám bệnh viện, chuyên gia y tế thực hiện phẫu thuật, người trung gian, người mua, ngân hàng nội tạng - có rất nhiều nhân vật có liên quan”, bà giải thích.

Trong cuộc tranh luận lần thứ hai về lần đọc thứ ba của dự luật vào ngày 7/12, nghị sĩ Đảng Bảo thủ James Bezan tuyên bố rằng, mặc dù Dự luật S-223 được lưỡng đảng ủng hộ, nhưng các nghị sĩ phải đảm bảo rằng "chúng ta có thể đẩy mạnh" để ngăn chặn những người tham gia buôn bán nội tạng bất hợp pháp nhập cảnh vào Canada bằng cách thi hành Đạo luật Magnitsky.

Ông nói: “Họ đang che giấu sự giàu có của mình, lợi dụng hệ thống ngân hàng vững mạnh của Canada, lợi dụng thị trường bất động sản khá phát triển của chúng ta và tận dụng những lợi ích bất hợp pháp mà họ có thể đạt được thông qua hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp này”.

“Canada cũng cần đảm bảo rằng, những người biết rằng họ đang mua nội tạng thông qua hành vi thu hoạch nội tạng bất hợp pháp vi phạm nhân quyền trắng trợn này phải đối mặt với hậu quả và luật pháp Canada".

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Canada: Các nghị sĩ nhất trí bỏ phiếu thông qua Dự luật chống buôn bán nội tạng