Chuyên gia ảnh vệ tinh: Quân đội Trung Quốc chỉ lùi quân chứ không rút quân tại biên giới Trung - Ấn, trái với tin tức truyền thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin các điểm nóng cuối cùng tại Đường kiểm soát ranh giới thực tế Trung - Ấn (LAC) đã được dàn xếp; quân đội hai nước rút khỏi các vị trí tương ứng của họ ở khu vực Gogra Heights-Hot Springs, xung đột lắng xuống. Tuy nhiên, theo Thượng tá đã nghỉ hưu Vinayak Bhat người Ấn Độ, việc lùi quân đã diễn ra tại một số điểm giao tranh nhưng căng thẳng không hề dịu bớt.

“Những hình ảnh [vệ tinh] mới nhất cho thấy PLA [Quân đội Giải phóng Nhân dân] của ĐCSTQ không hề có bất kỳ sự cắt giảm đáng kể nào về số lượng hay trang thiết bị”, Thượng tá đã nghỉ hưu Vinayak Bhat, chuyên gia về ảnh vệ tinh và cựu tình báo quân đội Ấn Độ, nói với The Epoch Times trong một email. “Các phương tiện truyền thông đã thổi phồng về việc PLA giảm đe dọa hoặc giảm leo thang xung đột, điều đó không chính xác”.

“Rời quân (disengagement) là việc quân đội, vốn ở vị trí mặt đối mặt [đối đầu trực diện], di chuyển về các vị trí phía sau để tránh xung đột bùng phát đột ngột”, ông Bhat nói. "Trong khi giảm leo thang (de-escalation) là việc quân đội trở về doanh trại của họ và tiếp tục các hoạt động thời bình”.

Chỉ rời quân, không giảm leo thang xung đột

Ông Bhat cho biết ảnh chụp từ vệ tinh từ ngày 16/09/2022 cho thấy PLA vẫn hiện diện tại điểm tuần tra 15 (PP-15) tại Gogra-Hot springs và điểm tuần tra PP-17A (còn được gọi là Gogra Post).

Sau cuộc tấn công của PLA vào lãnh thổ Ấn Độ năm 2020, khi mọi thứ bắt đầu leo ​​thang, PP-15 nằm trong số 5 điểm giao tranh giữa quân đội hai nước. Những điểm khác bao gồm PP-14 ở thung lũng Galwan, nơi xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu vào ngày 15/06/2020; điểm PP-17A; và 2 điểm khác ở bờ phía bắc và phía nam của hồ Pangong Tso (hồ đồng cỏ cao).

Từ tháng 05/2020, PLA đã chiếm đóng đất của Ấn Độ, đẩy một lượng lớn quân đội và vũ khí vào khu vực, tạo ra thế đối đầu trực diện giữa hai bên, đó là lý do tại sao việc rút quân lại có ý nghĩa quan trọng như vậy.

Tháng 02/2021, quân đội hai nước đã hoàn thành việc rút quân ở khu vực Pongong Tso. Vài tháng sau đó, vào tháng 08/2021, các đợt triển khai quân tại PP-17A kết thúc. Gần đây, sau cuộc hội đàm cấp chỉ huy quân sự giữa hai quốc gia, quân đội hai bên cho biết trong một tuyên bố chung rằng việc rút quân cũng đang bắt đầu ở PP-15.

“Ngày 08/09/2022, theo sự nhất trí đạt được trong cuộc họp vòng 16 cấp Tư lệnh Quân đoàn Trung Quốc - Ấn Độ, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực Gogra-Hot springs (PP-15) đã bắt đầu rút quân một cách phối hợp và có kế hoạch, có lợi cho hòa bình và bình yên ở khu vực biên giới”, trích tuyên bố chung.

Tuy nhiên, ông Bhat cho biết trong một bài đăng trên Twitter vào ngày 18/09 rằng ảnh vệ tinh mới nhất của PP-15 và khu vực Gogra Heights-Hot Springs cho thấy lực lượng quân đội không hề giảm, điều đó có nghĩa là quân đội chỉ di dời khỏi các vị trí mặt đối mặt trực diện, chỉ lùi quân chứ không rút quân, xung đột vẫn leo thang và tình hình biên giới vẫn rất nhạy cảm.

“PLA của ĐCSTQ ở vùng Đông Ladakh bị [Trung Quốc] chiếm đóng KHÔNG giảm leo thang xung đột. Hình ảnh vệ tinh của đồn [kiểm soát] tạm thời cách PP15 & Gogra 42 km. Con đường xây dựng trái phép dài 15 km vượt LAC vẫn tồn tại”, ông viết.

Trung Quốc không phải nước láng giềng đáng tin cậy

Ông Bhat nói với The Epoch Times rằng ông không tin PLA đang làm đúng với tinh thần của những gì họ tuyên bố sẽ làm ở khu vực biên giới. Theo ông, việc giữ quân đội ở gần biên giới như vậy sẽ tạo ra môi trường căng thẳng, khiến xung đột có thể nhanh chóng bùng phát.

“Vì Trung Quốc không phải là một nước láng giềng đáng tin cậy, nên cần phải càng sớm càng tốt đạt được việc giảm leo thang hoàn toàn thông qua các cuộc đàm phán. Điều này cũng sẽ mang đến lợi ích kinh tế cho cả Ấn Độ và Trung Quốc, khi hai nước đều mong muốn đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định”.

Như The Epoch Times đã đưa tin trước đây, tranh chấp biên giới Trung - Ấn kéo dài nhiều thập kỷ được khởi xướng bởi nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ Mao Trạch Đông và các kế hoạch chinh phục của ông ấy đối với các vùng phía tây Tân Cương và Tây Tạng.

Xuân Hoa

Theo Venus Upadhayaya - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia ảnh vệ tinh: Quân đội Trung Quốc chỉ lùi quân chứ không rút quân tại biên giới Trung - Ấn, trái với tin tức truyền thông