Cảnh sát Đan Mạch: ‘Các vụ nổ lớn’ gây ra vụ rò rỉ đường ống Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Ba (19/10), các quan chức Đan Mạch công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ rò rỉ khí đốt tại đường ống dẫn thuộc dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) đoạn qua nước này trên biển Baltic. Theo đó nguyên nhân dẫn tới sự cố trên là do 'các vụ nổ lớn' gây ra.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream do Nga xây dựng đã vận chuyển hàng tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức trước khi bị hư hại vào cuối tháng trước. Không có quốc gia hoặc nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc và Mỹ cũng không đưa ra tuyên bố công khai về việc ai có thể đứng sau sự cố này.

Trong một tuyên bố, Cơ quan tình báo và an ninh Đan Mạch xác nhận rằng “thiệt hại lớn” đối với các đường ống là do “những vụ nổ lớn”. Tuy nhiên, cơ quan an ninh Đan Mạch chưa thể kết luận ai chịu trách nhiệm cho các vụ rò rỉ.

"Khó có thể tuyên bố thời điểm kết thúc cuộc điều tra lớn hơn về sự cố trên", tuyên bố cho biết. “Chúng tôi hiểu rằng vụ việc nhận được sự quan tâm lớn, nhưng tại thời điểm này, chúng tôi không có thêm thông tin nào về cuộc điều tra sự cố rò rỉ”.

Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch đang tiến hành điều tra 4 lỗ hổng trong đường ống Nord Stream 1 và 2, nối Nga và Đức qua Biển Baltic. Các phát hiện của Đan Mạch có vẻ tương đồng với kết quả của các công tố viên Thụy Điển. Phía Thụy Điển cho biết hai lỗ hổng khác trên đường ống dường như là do các vụ nổ gây ra.

Một đoạn dài ít nhất 50 mét bị đứt ra khỏi đường ống dẫn khí Nord Stream 1, tờ Expressen của Thụy Điển đưa tin hôm 18/10. Đoạn video do một công ty chế tạo robot của Na Uy quay được cho thấy những hình ảnh đầu tiên về vụ thiệt hại.

Đổ lỗi về vụ nổ đường ống Nord Stream

Một số quan chức châu Âu cho rằng, Nga có thể là thủ phạm gây ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Tuy nhiên, phát ngôn viên hàng đầu Dmitry Peskov đã phủ nhận những cáo buộc này.

Vài ngày sau khi xuất hiện tin tức về các vụ nổ đường ống Nord Stream, ông Peskov nói với các phóng viên rằng những cáo buộc như vậy là "thiếu sáng suốt nhưng có thể đoán trước được". Ông cũng đặt câu hỏi tại sao Nga lại phá hủy một hệ thống mà họ đã đổ rất nhiều kinh phí về đầu tư và xây dựng vào đó.

Một quan chức hàng đầu của Mỹ cũng phủ nhận việc Washington có liên quan đến vụ việc. Một giáo sư kinh tế của Đại học Columbia đưa ra suy đoán rằng, Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích khi đường ống Nord Stream bị phá hủy, bởi vì các quốc gia châu Âu khi đó sẽ tăng cường phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Giáo sư Jeffrey Sachs cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 10 rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng công khai tuyên bố ông phản đối đường ống Nord Stream 2 từ trước khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi tháng Hai.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rõ ràng rằng ông sẽ "kết thúc" đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến châu Âu nếu Moscow điều quân vào Ukraine.

"Nếu Nga điều quân, dù là xe tăng hay quân đội vượt qua biên giới Ukraine một lần nữa, thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa. Tôi hứa với quý vị là chúng ta sẽ kết thúc nó", Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng với Thủ tướng Scholz.

Tuy nhiên, việc Nga cắt giảm 40% lưu lượng khí đốt qua Nord Steam 1 hồi tháng Sáu đã khiến Liên minh châu Âu (EU) chao đảo.

Thị trường khí đốt châu Âu đã bất ổn trong nhiều tháng, liên quan đến việc tìm cách ứng phó với giá cả tăng vọt, vốn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho các gia đình và doanh nghiệp.

Châu Âu ứng phó với giá năng lượng tăng cao

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một loạt các biện pháp khẩn cấp vào hôm 18/10 để giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, gói giải pháp này sẽ không bao gồm việc áp trần giá khí đốt, vấn đề vốn đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên.

Tờ Reuters cho biết, việc đề xuất thêm gói các biện pháp khẩn cấp là nỗ lực mới nhất của EU nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt và cuộc khủng hoảng cung cấp nhiên liệu diễn ra tại châu Âu thời gian qua.

Theo đó, biện pháp cuối cùng là EU sẽ đặt ra "giá biến động tối đa" tạm thời cho các giao dịch khí đốt tại Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF). Chỉ số TTF đóng vai trò là giá chuẩn cho tất cả các giao dịch khí đốt trên toàn châu Âu. Bên cạnh đó, các trung tâm kinh doanh khí đốt khác của EU cũng được liên kết với mức giá này thông qua "hành lang biến động giá”.

Châu Âu sắp bước vào mùa đông, khi nhu cầu năng lượng tăng cao. Nguồn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 đã bị tạm ngừng từ 31/8 đến 3/9 để bảo trì. Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu đã giảm mạnh trong năm nay do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Tất cả những điều này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt năng lượng của lục địa già, đồng thời đẩy giá năng lượng tăng vọt và có nguy cơ gây ra lạm phát toàn cầu.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh sát Đan Mạch: ‘Các vụ nổ lớn’ gây ra vụ rò rỉ đường ống Nord Stream