Cảnh sát Hong Kong đàn áp giới truyền thông vì điều tra vụ Đụng độ Nguyên Lãng 21/7/2019

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 3/11, một nhà biên soạn và đạo diễn nổi tiếng của Radio Television Hong Kong đã bị cảnh sát Hong Kong bắt giữ vì tham gia điều tra và đưa tin về “Vụ đụng độ ở nhà ga Nguyên Lãng 21/7/2019” - sự việc xảy ra trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình chống dẫn độ về Trung Quốc đại lục ở Hong Kong. Sự việc đã bị báo chí và xã hội Hong Kong lên án mạnh mẽ.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, hôm 3/11, cảnh sát Hong Kong đã đến chỗ ở của bà Thái Ngọc Linh (Cai Yuling), nhà biên soạn và đạo diễn nổi tiếng của Radio Television Hong Kong, để bắt giữ và khám xét căn hộ của bà. Bà Thái không bị còng tay khi bị đưa đi, và không trả lời các câu hỏi của giới truyền thông tại hiện trường.

Bà Thái Ngọc Linh (tay cầm áo vàng) bị cảnh sát đưa đi hôm 3/11. (Ảnh chụp màn hình)
Bà Thái Ngọc Linh (tay cầm áo vàng) bị cảnh sát đưa đi hôm 3/11. (Ảnh chụp màn hình)

Cảnh sát Hong Kong cho biết, bà Thái Ngọc Linh bị nghi ngờ vi phạm Quy định về giao thông đường bộ, vì trong khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Sáu vừa rồi, bà Thái đã đăng ký lấy “Giấy chứng nhận chi tiết đăng ký xe” thông qua hệ thống trang web của Sở Giao thông vận tải Hong Kong, để lấy dữ liệu cá nhân của chủ xe có liên quan, sau đó sử dụng dữ liệu cho các mục đích không như trong khai báo.

Theo Quy định này, khi bị kết án, có thể bị phạt 5.000 đô-la Hong Kong (khoảng 15 triệu VNĐ) và 6 tháng tù.

Vụ việc này khiến báo chí Hong Kong và xã hội Hong Kong bất mãn mạnh mẽ. Ông Dương Kiến Hưng (Yang Jianxing), Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hong Kong, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do rằng, ông rất sốc trước vụ việc, đồng thời mô tả rằng việc điều tra hồ sơ là cách làm phổ biến của các nhà báo và trước đây chưa từng xảy ra việc bị bắt vì điều tra hồ sơ. Ông lo lắng rằng sự việc lần này sẽ ảnh hưởng đến việc điều tra và đưa tin của giới truyền thông.

Ông Dương Kiến Hưng nói: "Chúng tôi cho rằng điều đó khá vô lý, và đó là một đòn giáng vào quyền tự do báo chí. Sẽ tạo ra một hiệu ứng ‘câm như hến’ ngay lập tức, bởi vì những gì phóng viên làm và những gì truyền thông vẫn luôn làm đều là điều tra như vậy, bao gồm nhiều kênh truyền thông với bối cảnh khác nhau, chúng tôi thấy một số tờ báo thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Ta Kung PaoWen Wei Po cũng đều tiến hành những cuộc điều tra như vậy, nếu bị truy tố vì điều tra hồ sơ tài liệu thì đương nhiên là các phóng viên sẽ không dám điều tra, và họ sẽ không dám làm cho đến khi các vấn đề pháp lý được làm rõ”.

Ông Lương Gia Vinh (Leung Ka-wing), Giám đốc của Radio Television Hong Kong (RTHK), nói với Đài Á Châu Tự do rằng, việc bà Thái Ngọc Linh bị bắt có tác động "vô cùng lớn" đến mảng tin tức của RTHK, và ông lo lắng rằng nó sẽ gây ra "hiệu ứng câm như hến". Ông Lương nói: "Nếu cáo buộc liên quan đến cách làm của cô ấy trong khi phỏng vấn hoặc thu thập dữ liệu, thì chúng tôi phải xem xét nó một cách nghiêm túc và toàn bộ ngành công nghiệp nên xem xét nó một cách nghiêm túc".

Nhiều nhà lập pháp phái dân chủ chỉ trích rằng, việc cảnh sát bắt giữ bà Thái - nhà biên soạn kiêm đạo diễn của Clang Collection là nhằm chống lại quyền tự do báo chí và ngăn chặn các cuộc điều tra sự thật về ‘Sự kiện 7.21’ (vụ đụng độ ở nhà ga Nguyên Lãng hôm 21/7/2019) của giới truyền thông.

Hiệp hội Nhà báo Hong Kong và Hiệp hội Phóng viên ảnh Hong Kong đã ra thông cáo bày tỏ sự kinh ngạc và tức giận trước hành vi ngang ngược và vô lý của cảnh sát, nhấn mạnh rằng truyền thông có trách nhiệm điều tra sự thật về các sự kiện và yêu cầu cảnh sát ngay lập tức thả người vô điều kiện.

Cách đây hơn vài tháng, bà Thái Ngọc Linh đã sản xuất một trong những tập của chương trình tin tức chuyên đề "Clang Collection", có tựa đề "7.21 Ai kiểm soát sự thật". Trong quá trình sản xuất chương trình, người phụ trách đã từng thông qua Sở Giao thông Vận tải để điều tra tài liệu về các loại xe cộ xuất hiện tại hiện trường ‘Sự kiện 7.21’, nhằm tìm hiểu lý lịch của chủ sở hữu. Ngoại trừ tên chủ sở hữu, chương trình không công bố các thông tin còn lại về người đứng tên biển số xe.

"Điều tra hồ sơ" là một phương pháp phổ biến được các phóng viên Hong Kong sử dụng để thực hiện các cuộc điều tra và phóng sự, họ tìm kiếm tài liệu thông qua thông tin công khai của chính phủ.

Sau khi bà Thái Ngọc Linh được tại ngoại vào tối 3/11, bà đã xác nhận rằng vụ bắt giữ này có liên quan đến việc đưa tin về sự kiện ngày 21/7/2019 và bà đã bị buộc tội vì việc này. Bà Thái nói rằng, việc cảnh sát bắt giữ một phóng viên vì đã đưa tin về "Sự kiện 7.21", có lẽ đã khiến mọi người lo lắng.

Vào tối ngày 21/7/2019, một lượng lớn người mặc áo trắng được trang bị gậy tre, ô và các loại vũ khí khác, đã tấn công người dân ở khu vực trong và ngoài ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng, Hong Kong một cách tàn bạo. Rất nhiều người dân đã gọi điện hoặc trực tiếp đến thẳng sở cảnh sát để báo án ngay tối hôm đó, nhưng 39 phút sau khi báo án thì cảnh sát mới xuất hiện tại hiện trường. Vì vậy, vụ việc bị dư luận nghi ngờ là "sự thông đồng giữa cảnh sát và xã hội đen," và nó vẫn bị chỉ trích cho đến ngày nay. Sau sự kiện đó, xung đột vũ lực giữa cảnh sát và những người dân thường không ngừng leo thang.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh sát Hong Kong đàn áp giới truyền thông vì điều tra vụ Đụng độ Nguyên Lãng 21/7/2019