Cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ sẽ gieo rắc thảm họa cho người nộp thuế phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại cuộc họp G7 năm 2022, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc trao 600 tỷ USD cho những nước đang phát triển đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên khắp phương Tây.

Điều gì đang thúc đẩy sự chuyển dịch của cải khổng lồ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển?

Chính là việc Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Biden đã thuyết phục được các nhà lãnh đạo G7 rằng các nền dân chủ phương Tây cần đối phó với hành vi mua chuộc các nước đang phát triển của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Mỹ lập luận rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã thu hút thành công các nhà lãnh đạo thuộc “thế giới thứ ba” tham gia khối Bắc Kinh - Moscow; và do đó, phương Tây bắt buộc phải tạo ra một đối sách với BRI — trong trường hợp này là Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII).

G7 thực chất đã tuyên bố về một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới nhằm thu hút một nhóm các nước kém phát triển hơn bị kẹt giữa giữa Bắc Kinh và phương Tây.

Vì vậy, việc BRI ngày càng mở rộng ảnh hưởng và quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các khu vực ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ đã quyết định tái khởi động "viện trợ phát triển", mà họ hy vọng sẽ mua chuộc được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba.

Trong Chiến tranh Lạnh trước đây, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô đã xây dựng nên các ngành công nghiệp lớn có nhiệm vụ viện trợ cho nước ngoài - họ rót một lượng tiền khổng lồ vào những nước đang phát triển, tạo ra sự phụ thuộc và tham nhũng của giới tinh hoa, những người bòn rút số tiền này từ các nhóm dân nghèo trong đất nước của họ. Nhưng quan trọng, nó không tạo ra nhiều “sự phát triển”.

Không phải là 'Viện trợ hay từ thiện'

Ông Biden tuyên bố rằng ngành công nghiệp phát triển mà G7 hướng tới này không phải là “viện trợ hay từ thiện”. Có lẽ ông cảm thấy buộc phải nói điều này bởi vì ngành viện trợ nước ngoài cũ chính xác đã bị mất uy tín vì nó đã trở thành một hệ thống từ thiện “có ý tốt” nhưng thực tế hoàn toàn không hiệu quả.

Nó tạo ra sự phụ thuộc và hệ thống quản trị kém, đồng thời làm giàu cho các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba tham nhũng và các chủ ngân hàng phương Tây, những người vui vẻ chấp nhận các khoản tiền gửi phi đạo đức của các nhà lãnh đạo này.

Ngành công nghiệp viện trợ nước ngoài thời Chiến tranh Lạnh là một hệ thống đáng xấu hổ, nó đã khiến người nộp thuế phương Tây phải chi trả rất nhiều tiền chỉ đơn giản là để hỗ trợ giới tinh hoa châu Phi - châu Á vốn tham nhũng và làm việc kém hiệu quả. Sau đó những người này quay lại và cắn nát bàn tay đã nuôi sống họ bằng cách công kích phương Tây là chủ nghĩa đế quốc, những kẻ phân biệt chủng tộc thuộc địa.

Thật khó để tưởng tượng ra một chính sách đối ngoại có thể ngu xuẩn hơn nữa.

Hàng tỷ USD do phương Tây và Liên Xô cung cấp chỉ đơn giản là để duy trì sự tồn tại của các chính phủ tồi. Thực tế là tất cả số tiền đầu tư này là cả một thảm họa khi chúng không thể mua được “đồng minh” vững chắc hoặc tạo ra “sự phát triển” hữu ích của thế giới thứ ba. Bây giờ với PGII, G7 muốn xây dựng lại ngành viện trợ nước ngoài này và tái diễn vụ hối lộ tai tiếng.

Ngoài ra, khi khói bụi lắng xuống từ thông báo G7, người ta có thể cảm thấy sự sôi động đang diễn ra ở các thành phố trên khắp thế giới đang phát triển, nơi giới tinh hoa thế giới thứ ba nhận ra rằng những ngày xưa tốt đẹp khi tiền đổ vào ví của họ sắp quay trở lại.

Các nước Phương Tây có thể đầu tư nhiều hơn Bắc Kinh không?

Đối với các quốc gia kém phát triển, một lần nữa họ có thể vui mừng khi quyết định xem Bắc Kinh hay G7, tức là BRI hay PGII, sẽ mang lại cho họ những khoản hối lộ lớn nhất.

Điều đáng chú ý là kế hoạch mà ông Biden đưa ra cho G7 dường như là một phiên bản khác tên của một phần trong chương trình “Xây dựng lại tốt hơn”, vốn đã bị Đảng Cộng hòa ngăn chặn.

Đáng chú ý, kế hoạch của PGII chứa đựng những lời hùng biện thường thấy của cánh tả về biến đổi khí hậu, chi tiêu của Thỏa thuận xanh mới, chính trị giới và sự bình đẳng cho phụ nữ. Từ một khía cạnh khác, những người nộp thuế phương Tây hiện phải trả tiền cho việc triển khai các dự án cánh tả trên khắp các nước đang phát triển.

Tại Mỹ, con số này đã lên tới 200 tỷ USD trích từ tiền nộp thuế của người dân. Phần còn lại của số tiền 600 tỷ USD sẽ đến từ các thành viên G7 khác và thông qua việc tận dụng các khoản đầu tư của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như truyền thông kỹ thuật số và khai thác đất quý.

Ngược lại, do Bắc Kinh không phải lo lắng về các cuộc nổi dậy của người đóng thuế khi họ ném tiền cho các nước đang phát triển, nên điều đáng quan tâm ở đây là liệu phương Tây có thể thực sự vượt mặt Trung Quốc để giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc cạnh tranh hối lộ nào nhằm thu phục các nhà lãnh đạo thế giới thứ ba hay không.

Suy cho cùng, việc tham gia vào một cuộc tranh giành hối lộ với một chế độ độc tài không chịu trách nhiệm trước cử tri hoặc người nộp thuế có vẻ thực sự ngu ngốc. Bất kỳ cơ hội cạnh tranh thực tế nào trong lĩnh vực này đều đòi hỏi các chính phủ dân chủ phải bắt đầu in tiền mặt hàng loạt. Điều này sẽ khiến lạm phát thậm chí còn tăng cao hơn.

Người nộp thuế cần biết tiền thuế chảy về đâu

Đáng chú ý là các dự án PGII được G7 công bố cho đến nay đặt trọng tâm ở biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng năng lượng sạch (bao gồm các dự án pin và năng lượng mặt trời), phương tiện vận chuyển ít phát thải gây ô nhiễm môi trường, chuỗi cung ứng năng lượng sạch, bình đẳng giới, việc làm của phụ nữ và chăm sóc trẻ em, cơ sở hạ tầng y tế, cơ sở hạ tầng truyền thông kỹ thuật số toàn cầu, cùng với hệ thống cáp ngầm mà Trung Quốc không thể xâm nhập.

Người nộp thuế phương Tây nên nghiêm túc chú ý đến các kế hoạch PGII này để đảm bảo chúng đáp ứng kỳ vọng của cử tri về cách tiền của họ được chi tiêu.

Người ta chỉ có thể hy vọng rằng lần này, những người nộp thuế sẽ quan tâm nhiều hơn đến những thất bại của viện trợ nước ngoài và các chương trình phát triển của thế giới thứ ba hơn so với lần trước và tránh sinh ra hàng loạt tham nhũng, lãng phí và quản trị kém ở những vùng đất xa xôi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng

Theo The Epoch Times

Tác giả Eric Louw là Giáo sư đã nghỉ hưu, chuyên về truyền thông chính trị. Ông từng dạy ở nhiều trường đại học tại Nam Phi và Úc. Trước đó, ông Louw là một nhà hoạt động, ký giả và nhà đào tạo truyền thông thuộc Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress) - nơi ông nghiên cứu về quá trình chuyển đổi của Nam Phi sang thời kỳ hậu Apartheid. Ông Louw cũng là chuyên gia về các chính sách phân biệt đối xử tích cực (ưu tiên các thành phần yếu thế) và các chính sách Trao quyền cho Người da đen trong Nền kinh tế. Đề tài tiến sĩ của ông là về chủ nghĩa Marx, cũng như các học thuyết hậu hiện đại của nó. Ông Louw là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm cuốn “The Rise, Fall and Legacy of Apartheid”; “Roots of the Pax Americana” và “The Media and Political Process”.



BÀI CHỌN LỌC

Cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ sẽ gieo rắc thảm họa cho người nộp thuế phương Tây