Cập nhật tình hình Covid-19 (5/3) - Một hành khách về từ Hàn Quốc, ngất xỉu tại sân bay Cần Thơ sau đó tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số ca tử vong tại Đại Lục đã vượt ngưỡng 3000 người; con số này ở bên ngoài Đại Lục là gần 300 người...

Cập nhật lúc 20:47

SỐ CA NHIỄM SỐ CA TỬ VONG
Đại Lục 80.430 3.012
Hàn Quốc 5.621 35
Italy 3.089 107
Iran 2.922 92
Diamond Princess 706 6
Nhật Bản 331 6
Pháp 285 4
Đức 262 -
Tây Ban Nha 228 2
USA 158 11
Singapore 112 -
Hồng Kông 103 2
TOÀN THẾ GIỚI 95.334 3.285

Việt Nam

Một hành khách về từ Hàn Quốc, ngất xỉu tại sân bay Cần Thơ sau đó tử vong

Báo Tuổi trẻ đưa tin hành khách này 65 tuổi quê ở Đồng Tháp, đi thăm con ở Hàn Quốc và trở về Việt Nam cùng vợ.

Khi bệnh chuyển biến nặng, hành khách này được đưa tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, sau đó tử vong vào sáng 5/3.

Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ ghi nhận bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do viêm phổi, suy thận cấp, có bệnh thận mãn, hôn mê nhiễm ceton acid/bệnh đái tháo đường type 2.

Toàn bộ quy trình đưa đi cấp cứu, chuyển viện đã được thực hiện theo đúng quy định hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19. Bệnh nhân được chuyển thẳng đến khu tiếp nhận cách ly đã được bố trí sẵn của các bệnh viện.

Chiều 5/3, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho biết, bệnh nhân trên có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Trung Quốc thực hiện ca ghép phổi đầu tiên trên bệnh nhân COVID-19, tăng thêm mối lo ngại nguồn gốc của phổi hiến tặng

Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, một bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc gần đây đã tiến hành phẫu thuật ghép phổi cho một bệnh nhân bị nhiễm Coronavirus (COVID-19).

Các báo cáo phương tiện truyền thông Trung Quốc cho biết cặp phổi này được quyên góp tự nguyện từ một người đã chết.

Các chuyên gia về Đạo đức và Virus học đặt câu hỏi liệu việc điều trị này có hiệu quả hay không, và dấy lên lo ngại rằng ca phẫu thuật có thể liên quan đến việc mổ cướp nội tạng.

Trong một phán quyết vào tháng 6/2019, phiên tòa độc lập ở London đã kết luận một cách nhất trí “không chút hoài nghi rằng” tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã và đang tiếp tục bị giết để lấy nội tạng “trên một quy mô đáng kể”.

Xác định 6 hành khách nhập cảnh Việt Nam trên chuyến bay có người Nhật nhiễm Covid-19

Cụ thể, chuyến bay VN814 từ Siem Reap về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 22h03 ngày 3/3. Một hành khách Nhật Bản trên chuyến bay này, đã chuyển tiếp đi Nagoya, Nhật Bản (cất cánh 1h19 ngày 4/3). Hành khách đó được xác định nhiễm Covid-19 sau khi hạ cánh xuống Nhật Bản.

Trong số 67 hành khách trên chuyến bay VN814, có 6 người làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, bao gồm: một người Việt Nam, ba người Pháp, một người Australia và một người Philippines.

Người Philippines ngày 4/3 đã xuất cảnh về nước. Năm người còn lại đang được các cơ quan chức năng tìm kiếm, xác định nơi lưu trú để hướng dẫn phòng bệnh, theo Vnexpress.

Việt Nam tăng lên 92 ca nghi nhiễm Covid-19, hơn 16.000 người cách ly

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 4/3, Việt Nam có 92 ca nghi mắc Covid-19 và 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, giám sát y tế.

Những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 thường có dấu hiệu sốt, ho, và đến từ vùng dịch, đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Trước đó, ngày 29/2, Việt Nam có hơn 6.000 người đang cách ly và 81 ca nghi nhiễm virus corona. Như vậy sau 4 ngày, số người phải cách ly ở Việt Nam đã tăng vọt hơn 10.000 người, và số ca nghi nhiễm tăng 11 trường hợp.

Một khách Nhật nhiễm Covid-19 đi trên chuyến bay Vietnam Airlines

Hành khách ngồi ghế 33D trên chuyến bay ngày 3/3 sau đó chuyển tiếp chuyến bay đi Nagoya, Nhật Bản (cất cánh 1h19 ngày 4/3, giờ Việt Nam), theo báo Tuổi trẻ. Khi đáp xuống tại Nhật Bản, hành khách này có biểu hiện sốt. Cơ quan y tế Nhật Bản tiến hành kiểm tra sức khoẻ đối với hành khách này, kết quả dương tính với COVID -19.

Trước thông tin cho rằng đây là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam, Bộ Y tế xác định bệnh nhân kể trên chỉ đi qua Việt Nam và có tiếp xúc hạn chế.

Ngoài ra, cô giáo 39 tuổi đi theo đoàn hội thảo do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức ở Ý trở về đã có biểu hiện sốt, ho, tức ngực phải nhập viện, có nguy cơ cao về dịch Covid-19.

Thế giới

Một thành phố ở Trung Quốc yêu cầu tất cả học sinh uống thuốc để chống Covid-19

Một trường mẫu giáo đã thông báo cho các bậc cha mẹ rằng con họ có thể bị tiêu chảy và chóng mặt sau khi uống thuốc. Loại thuốc này chưa được chứng minh chữa khỏi hay điều trị bệnh COVID-19.

Vào ngày 2/3, chính quyền thành phố Lâm Thương nằm ở phía tây nam tỉnh Vân Nam Trung Quốc tuyên bố rằng chính quyền cấp quận đã đưa ra chỉ thị này cho học sinh và giáo viên. Thành phố cho biết họ đã ngừng việc buộc mọi người uống thuốc và trừng phạt các quan chức liên quan.

Cùng ngày hôm đó, chính quyền quận Lâm Tường thuộc thành phố Lâm Thương đã ra thông báo đẩy trách nhiệm cho chính quyền thành phố. Họ cho biết nhân viên của mình là Ling Bo do không hiểu rõ những điều chính quyền thành phố yêu cầu nên đã ban hành lệnh này.

Ý đóng cửa tất cả các trường học trong bối cảnh bùng phát COVID-19, khuyến cáo người dân tạm ‘chia tay’ cách chào hỏi truyền thống

Theo Wall Street Journal, “Chúng tôi tập trung vào tất cả các biện pháp nhằm làm chậm và ngăn chặn sự lây lan của virus, bởi vì mặc dù hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi hoạt động hiệu quả nhưng đang có nguy cơ bị quá tải”, Thủ tướng Conte cho biết.

Tất cả các trường học dự kiến ​​sẽ phải đóng cửa từ 5/3 đến 15/3, theo Thủ tướng Giuseppe Conte và Bộ trưởng Giáo dục Lucia Azzolina. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 8 triệu học sinh và sinh viên trên cả nước.

Các trường học ở phía bắc nước Ý, tâm dịch COVID-19, đã đóng cửa. Tổng số hơn 3.000 trường hợp nhiễm virus đã được xác nhận tại quốc gia ở châu Âu này cùng với 107 trường hợp tử vong, cơ quan y tế của nước này cho biết.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện 2 loại virus Corona

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy một loại coronavirus mới mạnh hơn liên quan đến sự bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán chiếm khoảng 70% các chủng được phân tích, trong khi 30% được liên kết với một loại ít nguy hiểm hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ nhiễm của loại virus mạnh hơn đã giảm sau đầu tháng 1/2020.

“Những phát hiện này hỗ trợ mạnh mẽ cho nhu cầu cấp thiết về các nghiên cứu toàn diện, tức thời, kết hợp dữ liệu gen, dữ liệu dịch tễ và hồ sơ biểu đồ về các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân mắc bệnh COVID-19”, báo cáo cho biết.

Phát hiện của họ được công bố vào ngày 3/3 trên Tạp chí Khoa học Quốc gia, tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Lo sợ Covid-19, Triều Tiên yêu cầu trường học khử trùng, buộc phụ huynh trả chi phí

Dự án khiến mỗi gia đình học sinh phải chi trả 30.000 Won (gần 100.000 VNĐ). Đúng vào thời điểm này, các gia đình đang phải gánh chịu giá thực phẩm tăng vọt và nỗi lo kiếm đủ tiền để sống. Tiền lương trung bình hàng tháng do chính phủ Triều Tiên cấp chưa tới 5 USD (khoảng 120.000 VNĐ).

Triều Tiên vẫn chưa có trường hợp chính thức nào xác nhận nhiễm Covid-19, nhưng cuối tuần qua truyền thông nhà nước này thừa nhận họ đang theo dõi khoảng 7.000 trường hợp nghi ngờ nhiễm dịch.

Triều Tiên thông báo: Nếu người Trung Quốc vượt biên sẽ bắn chết

"Thông báo" cho biết Triều Tiên đã thông báo cho Trung Quốc rằng công tác phòng chống và kiểm soát Covid-19 ở trong nước Triều Tiên đã được nâng lên mức cao nhất và yêu cầu Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới, nếu phát hiện có người vượt biên, Triều Tiên sẽ trực tiếp bắn chết .

Trên tờ "Thông báo" có đóng dấu của chi bộ làng và tên của người nhận. Việc này cho thấy thông báo này không được dán ở cửa thôn mà được phát tới tay từng dân làng.

Italy: Hơn 3.000 người nhiễm và 107 người chết do Covid19, đóng cửa tất cả trường học

Cơ quan Bảo vệ dân sự của Italy tối 4/3 ghi nhận số ca COVID-19 tử vong ở nước này tăng lên 107, đồng thời có đến 3.089 trường hợp nhiễm bệnh, tiếp tục là tâm dịch ở châu Âu.

Số ca nhiễm mới và tử vong ở Ý đã tăng hơn 20% trong vòng 1 ngày. Tỷ lệ tử vong do virus corona ở quốc gia này khoảng 3,5%. Phần lớn người tử vong ở độ tuổi trên 80 và có mắc bệnh mãn tính.

Trước tình trạng dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh, Bộ trưởng Y tế Italy Lucia Azzolina thông báo tất cả trường học phổ thông và trường đại học toàn quốc sẽ đóng cửa từ ngày 5/3 cho đến ít nhất ngày 15/3, theo hãng tin AFP.

Cấp trên của bác sỹ Lý Văn Lượng tử vong do COVID-19

Bác sỹ Mai, phó giám đốc nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã qua đời vào ngày 3/3 tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm, Vũ Hán ở tuổi 57. Bệnh viện cho biết, cũng như bác sỹ Lý, bác sỹ Mai đã bị nhiễm virus khi điều trị cho bệnh nhân của mình.

Bác sỹ Mai Trọng Minh là cấp trên của bác sỹ Lý Văn Lượng, một trong số các chuyên gia y tế đầu tiên công bố thông tin về vụ dịch, và đã bị chính quyền trừng phạt vì hành động này. Bác sỹ Lý sau đó đã nhiễm virus từ một bệnh nhân mà anh đang điều trị và qua đời ở tuổi 34 vì bệnh COVID-19 vào tháng 2/2020, theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc.

Giang Học Khánh (Jiang Xueqing), một bác sỹ ngoại khoa chuyên về phẫu thuật tuyến giáp và vú tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã qua đời ngày 01/03 ở tuổi 55 do nhiễm COVID-19. Ông cũng bị lây nhiễm trong quá trình điều trị bệnh nhân tại bệnh viện.

Công ty Trung Quốc dối trá về thuốc điều trị virus Corona

Đầu tháng 2, Tổ chức Y tế Sinh học BrightGene có trụ sở tại Tô Châu cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận của công ty chủ sở hữu Gilead Science để chế tạo ra Remdesivir - loại thuốc duy nhất được cho là có hiệu quả trong điều trị virus Corona chủng mới (theo WHO).

Ngày 12/2, cổ phiếu của BrightGene đã tăng đột biến lên gần 60% sau khi công ty này cho biết họ đã được ủy quyền để sản xuất hàng loạt thuốc Remdesivir.

Tuy nhiên ngày 1/3, Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải cho biết BrightGene không hề nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý thuốc Trung Quốc, cũng như từ chủ sở hữu bằng sáng chế thuốc Remdesivir - nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ Gilead Science để sản xuất thuốc với số lượng lớn.

Thông tin xác thực này đã khiến cổ phiếu của BrightGene rớt thê thảm, giảm 20% vào ngày thứ Hai (2/3).

Ông Trump trích tiền lương để quyên góp cho bộ Y tế

Thứ Ba (3/3), Thư ký Báo chí Nhà Trắng, ông Stephanie Grisham đăng thông báo trên twitter, Tổng thống Trump đã dùng toàn bộ tiền lương quý 4 năm 2019 của mình để quên tặng cho Bộ Y tế, nhằm mục đích ngăn chặn và kiểm soát SARS-CoV-2.

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump đóng góp cho một cơ quan chính phủ bằng tiền lương cá nhân. Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã trích tới 400.000 đô la khoản tiền lương hàng năm, để ủng hộ cho nhiều cơ quan tổ chức khác nhau.

Google và Microsoft chuyển dịch sản xuất ra khỏi ​​Trung Quốc

Sự bùng phát của dịch Covid-19 xảy ra khi ngành công nghệ đang chuẩn bị cho việc triển khai mạng không dây 5G trị giá 1 nghìn tỷ đô la trên toàn thế giới. Trước bối cảnh đó Microsoft và Google đang nhanh chóng tiến hành chuyển dịch dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử của họ từ Trung Quốc sang các địa điểm khác ở Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan.

Theo Nikkei Asian Review

Trung Quốc: Yêu cầu địa phương tiêu hủy toàn bộ dữ liệu liên quan đến Covid-19

The Epoch Times đã có được một bản sao một tài liệu vào ngày 23/2, được gửi từ ủy ban y tế thành phố Triều Dương đến đối tác là ủy ban y tế tỉnh Liêu Ninh. Theo tài liệu này, tuân thủ hướng dẫn của ủy ban y tế tỉnh, chính quyền thành phố Triều Dương đã hỏi thăm, kiểm tra trong các cơ quan chính phủ và các cơ quan trước đó đã nhận được “các tài liệu và dữ liệu” liên quan đến vụ dịch, để tiêu hủy chúng theo đúng yêu cầu.

Nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu cũng được yêu cầu ký vào “thư cam kết”, quy định rằng các quan chức hứa sẽ xóa các tài liệu liên quan khỏi các thiết bị của họ như máy tính xách tay, máy tính, điện thoại thông minh, ổ đĩa ngoài, v.v.

Hơn nữa, người ký cam kết cần phải xóa bất kỳ ảnh chụp màn hình và hình ảnh nào mà họ tạo ra từ các tài liệu, đồng thời phải hứa sẽ không chia sẻ nội dung của các tài liệu nói trên với bất kỳ bên nào.

Ảnh chụp màn hình cơ sở dữ liệu của chính phủ, nơi hiển thị danh sách một số văn phòng và phòng ban trong chính quyền thành phố Triều Dương đã xóa tài liệu liên quan đến sự bùng phát dịch COVID-19 (Được cung cấp cho Báo The Epoch Times)

Covid-19 lây lan đến 80 quốc gia và lãnh thổ

"Covid-19 không lây lan nhanh như cúm, những người không bị ốm dường như không bị lây truyền. Nhưng nó gây ra bệnh nặng hơn cúm, chưa có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị nào, và nó có thể được ngăn chặn," - Tổng giám đốc WHO nói.

Hơn 80 quốc gia và lãnh thổ đã phát hiện thấy virus, hơn 93.000 người đã nhiễm bệnh, hơn 3000 người đã tử vong; theo đó là giá khẩu trang và đồ bảo hộ tăng giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí là nhiều hơn.

Ước tính nhân viên chăm sóc sức khỏe mỗi tháng sẽ cần 89 triệu khẩu trang, 76 triệu găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ; cùng với đó là sự lo lắng thiếu hụt trang thiết bị y tế trên toàn cầu.

Đọc bản cập nhật ngày 4/3 tại đây.

Hiền Anh, Tiểu Tuệ



BÀI CHỌN LỌC

Cập nhật tình hình Covid-19 (5/3) - Một hành khách về từ Hàn Quốc, ngất xỉu tại sân bay Cần Thơ sau đó tử vong