Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 96: Hoa Kỳ sẽ cung cấp tên lửa tối tân cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ sẽ cung cấp tên lửa tối tân cho Ukraine

Quân đội Nga đã chiến đấu để giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố công nghiệp phía đông Sievierodonetsk vào hôm thứ Tư (1/6), trong bối cảnh Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các loại tên lửa tối tân để buộc Moscow đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Joe Biden hôm 31/5 xác nhận, Hoa Kỳ sẽ gửi các hệ thống tên lửa tối tân đến Ukraine để nước này có thể nhắm vào những "mục tiêu quan trọng" trên chiến trường.

"Chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tối tân, giúp họ tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine", ông Biden nói trên tờ New York Times. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không đề cập rõ hệ thống tên lửa này là gì.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, tại Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng ở Washington hôm 31/5/2022. (Ảnh: Kevin/Getty Images)

Về vấn đề này, một quan chức cấp cao Hoa Kỳ cho biết Washington sẽ gửi hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) cho Ukraine.

Trước lo ngại rằng những vũ khí như vậy có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, các quan chức chính quyền cấp cao cho biết, Ukraine đảm bảo rằng các tên lửa sẽ không được sử dụng để tấn công trên lãnh thổ nước Nga.

“Các hệ thống này sẽ được Ukraine sử dụng để đẩy lùi các bước tiến của Nga trên lãnh thổ nước này, nhưng chúng sẽ không được sử dụng cho các mục tiêu trên lãnh thổ nước Nga”, quan chức Mỹ nói với các phóng viên.


Nga kiểm soát phần lớn Sievierodonetsk

Các lực lượng Nga trong một "cuộc tiến công điên cuồng" đã chiếm một nửa Sievierodonetsk, thành phố phía đông Ukraine. Đây là chìa khóa trong nỗ lực tấn công của Moscow nhằm chiếm đóng khu vực công nghiệp Donbas, thị trưởng Oleksandr Striuk cho biết hôm thứ Ba (31/5).

Khói bụi bốc lên từ thành phố Sievierodonetsk, trong cuộc pháo kích vào khu vực Donbas, miền đông Ukraine hôm 26/5/2022, trong bối cảnh cuộc xâm lược quân sự của Nga vào Ukraine. (Ảnh: Aris Messinis/Getty Images)

Ông Oleksandr Striuk nói: “Thành phố về cơ bản đang bị phá hủy một cách tàn nhẫn". Ông cho biết các cuộc giao tranh trên đường phố vẫn tiếp tục diễn ra và các cuộc pháo kích đe dọa cuộc sống của khoảng 13.000 dân thường đang trú ẩn trong thành phố đổ nát. Sievierodonetsk từng là nơi sinh sống của hơn 100.000 người.

Theo ông Serhiy Haidai, thống đốc vùng Luhansk, một cuộc không kích của Nga vào Sievierodonetsk đã đánh trúng một thùng chứa axit nitric tại một nhà máy hóa chất, khiến khói bốc lên mù mịt. Ông đã đăng tải một bức ảnh về một đám mây lớn lơ lửng trên bầu trời thành phố và kêu gọi người dân ở trong nhà và đeo mặt nạ phòng độc hoặc những loại mặt nạ khác mà họ có.

Cũng trong hôm thứ Ba, ông Haidai cho biết, "phần lớn lãnh thổ Sievierodonetsk" nằm dưới sự kiểm soát của Nga, mặc dù ông nói thêm rằng cuộc giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn và thành phố không bị bao vây.

Sievierodonetsk đóng vai trò quan trọng trong bước tiến của Nga nhằm chiếm Donbas trước khi Ukraine nhận thêm viện trợ vũ khí từ phương Tây và củng cố khả năng phòng thủ. Phe ly khai do Moscow hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine trong khu vực trong 8 năm liền và vẫn đang nắm giữ nhiều phần lãnh thổ.


EU: Không có Rào cản Thương mại với nông sản

Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các đối tác quốc tế của mình tránh áp đặt các rào cản thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp, vì cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ thúc đẩy một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác không hạn chế thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sau hội nghị thượng đỉnh EU hôm thứ Ba tại Brussels.

Ukraine cho biết Nga đang chặn xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc của nước này, một số sẽ được xuất khẩu sang châu Phi. Các nước châu Phi nhập khẩu 44% lúa mì từ Nga và Ukraine từ năm 2018 đến năm 2020, theo Liên Hợp Quốc.

Bà Von der Leyen cho biết, EU đang cố gắng giúp xuất khẩu lương thực bằng đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, hỗ trợ vận tải đường bộ có thể chỉ đáp ứng 1/5 tổng lượng xuất khẩu hàng tháng của Ukraine.

“Tất nhiên là sẽ tốn kém hơn nhiều, nhưng cần phải xuất khẩu mặt hàng lúa mì này ngay", bà nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các lệnh trừng phạt của EU đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ông Putin cũng cho biết, ông sẵn sàng giúp giảm bớt mối lo ngại này nếu các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chiến sự Nga-Ukraine ngày thứ 96: Hoa Kỳ sẽ cung cấp tên lửa tối tân cho Ukraine