Câu chuyện dài đằng sau cách ăn mặc của cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới truyền thông tỏ ra mê mẩn vẻ ngoài luộm thuộm như một kẻ vô gia cư của cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried. Cho dù những người như ông Bankman-Fried có cả một lý thuyết làm cơ sở cho cách ăn mặc của mình, thì việc ăn mặc luộm thuộm chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác và tính vị kỷ của bản thân. Một người như vậy có lẽ không nên có được sự tin tưởng và tín nhiệm.

Thật đáng kinh ngạc khi rất nhiều người vốn thông minh bị lừa bởi ông Sam Bankman-Fried, cựu Giám đốc hiện đã thất sủng của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, người vẫn được mời phát biểu tại một hội thảo của New York Times. Để tham gia buổi hội thảo cần mất chi phí là 2.400 USD. Một phần sức hấp dẫn của ông ấy nằm ở cách ăn mặc luộm thuộm: áo phông, quần đùi, tất trắng và giày thể thao.

Xu hướng ăn mặc luộm thuộm

Làm thế nào thế giới lại trở thành như vậy? Mọi việc đã diễn ra theo cách này trong khoảng một thập kỷ rưỡi. Người ta có thể cho rằng ông Mark Zuckerberg là người tạo ra xu hướng này, nhưng nó đã lan truyền như một loại virus, với một loạt những người thuộc tầng lớp chuyên nghiệp tránh né những bộ quần áo trang trọng để khoác lên mình những bộ cánh lôi thôi bất cần đời.

Xu hướng này mang tính cách mạng rất cao. Trong hàng trăm năm, quần áo cao cấp là dấu hiệu của thành tựu trong xã hội và nghề nghiệp. Trên thực tế, giới tinh hoa thuộc giai cấp thống trị trong lịch sử đã khinh bỉ việc phổ biến quần áo sang trọng, điều trở nên khả thi bởi nền kinh tế thị trường. Ví dụ, toàn bộ ý tưởng của luật về sự xa hoa thời Thuộc địa của Mỹ xoay quanh việc ngăn chặn nông dân ăn mặc giống những người có địa vị cao hơn họ.

Tới thế kỷ 20 ở Mỹ, gần như mọi người đàn ông đều có thể mặc quần áo đẹp và theo cách đáng tôn trọng. Đây là lý do tại sao chúng ta thấy kinh ngạc trước những bức ảnh chụp những người đàn ông xếp hàng chờ mua bánh mì trong thời kỳ Đại khủng hoảng. Trông họ thật tuyệt vời, và chắc chắn là đẹp hơn nhiều so với các CEO của các công ty công nghệ lớn ngày nay!

Lý thuyết đằng sau việc ăn mặc lôi thôi

Chuyện gì đã xảy ra thế? Tôi có thể trình bày lý thuyết mà tôi đã nghe nhiều lần từ những người ăn mặc lôi thôi. Họ nói rằng họ không cần phải ăn diện vì thành tích của họ đã nói lên tất cả. Giá trị của họ nằm trong tâm trí họ chứ không phải tủ quần áo của họ. Họ muốn trông thành đạt đến mức thậm chí không cần phải có cổ áo hay áo khoác, càng không cần phải thắt cà vạt. Còn về giày dép, trời ơi, càng ít nói về chúng thì càng tốt.

Toàn bộ ý tưởng này đã thực sự trở nên phổ biến. Cà vạt bây giờ ít phổ biến hơn nhiều so với cách đây 5 năm. Thứ 6 ăn mặc ngẫu hứng đã trở thành sự luộm thuộm mỗi ngày. Ông Bankman-Fried vừa trở thành người thực hành nó giỏi nhất thế giới.

Như cây bút Charlotte Allen đã phát biểu một cách chính xác:

“Ông Bankman-Fried là sự chắt lọc cao nhất của tinh thần thiên tài nổi loạn về gu ăn mặc. Ông ấy không chỉ mặc một chiếc áo phông, mà là một chiếc áo phông trông như thể ông ấy đã đi ngủ cùng với nó. Và đôi khi ông ấy thực sự đã làm như vậy. Một bức ảnh được yêu thích lan truyền trước khi ông ấy thất bại cho thấy ông ấy đang nhắm mắt trong chiếc áo phông khi nằm trên một chiếc túi nệm trên sàn văn phòng trong khi các đệ tử FTX của ông ấy đang chăm chú vào màn hình máy tính. Và đó không chỉ là chiếc áo phông, mà còn là quần đùi, giày thể thao và tất nhàu nhĩ - trang phục của một đứa trẻ mới biết đi, vừa mới trở nên lớn hơn chiếc xe đẩy của mình - cùng với một mái tóc bù xù trông như thể lần cuối ông ấy gội nó là khi George Washington vượt qua Delaware”.

Bà ấy cũng đúng khi nói rằng giới truyền thông mê mẩn vẻ ngoài như một kẻ vô gia cư này!

Câu chuyện dài đằng sau cách ăn mặc của cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried
Ông Sam Bankman-Fried phát biểu trên sân khấu trong buổi Dạ hội Ánh trăng hàng năm đầu tiên, sự kiện gây quỹ ủng hộ cho tổ chức CARE For Special Children, tại khách sạn Casa Cipriani ở Thành phố New York, Mỹ vào ngày 23/06/2022 (Ảnh: Craig Barritt/Getty Images cho CARE For Special Children )

Một ý tưởng sai lầm và duy ngã

Chính xác thì có gì sai với lý thuyết đằng sau xu hướng này, theo đó ăn mặc xuề xòa là một cách thể hiện sự tự tin? Điều sai lệch ở đây là ý tưởng này mang tính duy ngã và thậm chí là ái kỷ [tự yêu bản thân].

Mục đích của việc ăn mặc đẹp không phải là để phô trương bản thân. Mục đích của việc ăn mặc lịch sự là để tôn trọng người khác và cho thấy bạn đánh giá cao phẩm giá của họ và sự kiện đang diễn ra. Theo đó, cái mốt luộm thuộm chẳng là gì ngoài sự xúc phạm đối với những người khác, những người phải nhìn vào bạn, và cả bối cảnh. Nó cho thấy rằng bạn không tôn trọng đến toàn khung cảnh và mọi người trong đó.

Đây chính là điểm sai lầm của tất cả các xu hướng hiện đại này: sự chống lại bản thân cuộc sống.

Chỉ cần thử một thí nghiệm bằng tâm trí của bạn. Bạn tổ chức một bữa tiệc nhân ngày lễ tại nhà của bạn. Bạn không đưa ra quy định về trang phục bởi vì, tại sao bạn lại làm vậy? Tất cả các vị khách đều đến, hầu hết đều mặc áo len, một số người đàn ông mặc áo khoác vải tuýt, một người mặc vest và đeo cà vạt, và một vị khách khác mặc áo trùm đầu, quần đùi, tất nhàu nhĩ và giày chạy bộ.

Hãy suy nghĩ về điều này trong chốc lát. Ai trong số họ, nếu bạn phải xếp hạng họ, đang thể hiện sự cảm kích về lời mời của bạn? Ai trong số họ cảm thấy thích thú nhất khi được ở nhà bạn? Bạn sẽ nói ai là người trân trọng cơ hội này nhất, tôn trọng chủ nhà và sẵn sàng đóng góp để mang lại niềm vui cho bữa tiệc?

Tôi đoán bạn đã biết câu trả lời. Đó chắc chắn không phải là anh chàng đã chọn loại thời trang theo kiểu vô gia cư. Bạn sẽ không bao giờ ném anh ta ra ngoài nhưng trong thâm tâm, có lẽ bạn sẽ cảm thấy hơi bị sỉ nhục, ngay cả khi bạn cố gắng không phán xét mọi người.

Nói chung, thật tốt khi không đánh giá người khác về trang phục của họ. Nhưng thật hợp lý khi đánh giá những gì người khác nghĩ về con người và hoàn cảnh dựa trên những gì họ mặc. Sự lựa chọn quần áo của mọi người là một cửa sổ nhìn vào giá trị mà họ đánh giá người khác. Càng coi mình là trung tâm và ích kỷ, họ càng ăn mặc xuề xòa. Càng tôn trọng và quan tâm đến người khác, họ càng ăn mặc đẹp.

Đây là quy tắc chung.

Từ đó, bạn có thể thấy rằng ý tưởng đằng sau việc thực hành ăn mặc như một kẻ ăn xin là hoàn toàn đảo lộn và đi lùi. Mặc quần áo xuống cấp là một sự xúc phạm người khác. Nếu bạn là một nhân viên và bạn lê bước vào văn phòng theo cách này, bạn sẽ không được tôn trọng. Bạn đang xúc phạm một cách tế nhị (hoặc không quá tế nhị) đồng nghiệp, sếp và toàn bộ cộng đồng nghề nghiệp của bạn.

Thật đáng buồn khi nên phải có quy định về trang phục cho nam giới tại nơi làm việc hoặc bữa tiệc tối. Trừ khi trang phục chỉnh tề được chỉ định là tùy chọn, đàn ông nên ăn mặc theo cách tôn trọng sự kiện ngay cả khi không có quy tắc rõ ràng.

Ăn mặc lịch sự trong những bối cảnh khác nhau

Nguyên tắc về ăn mặc lịch sự áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống.

Ví dụ, hãy xem xét du lịch. Mọi người thường chọn quần áo thoải mái, thậm chí đến mức bây giờ chúng ta thấy người ta đi máy bay trong trang phục có vẻ như là đồ ngủ.

Bạn nghĩ điều này khiến các tiếp viên hàng không và phi công cảm thấy thế nào? Họ phải ăn mặc trang trọng. Họ đang cố gắng cung cấp dịch vụ tốt. Họ cố gắng đưa bạn đến đích một cách an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, những hành khách xuất hiện trong sự kiện này trông như thể họ vừa mới lăn ra khỏi giường!

Việc nhận phòng khách sạn cũng vậy. Những nơi này cho phép bạn ngủ ở đó qua đêm và khách hàng xuất hiện trông như thể họ lôi quần áo của họ từ thùng rác ra. Điều đó không giúp củng cố sự tin tưởng vào cách bạn sẽ đối xử với căn phòng hoặc nhân viên.

Ăn mặc lịch sự là một dấu hiệu của sự tôn trọng người khác, không chỉ với chính bạn.

Câu chuyện dài đằng sau cách ăn mặc của cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried
Ông Samuel Bankman-Fried, người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành của FTX, ra làm chứng tại Đồi Capitol, Mỹ, vào ngày 09/02/2022. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Ăn mặc lịch sự vì lợi ích của bạn

Ăn mặc lịch sự cũng là vì lợi ích của bạn. Hãy thử làm điều đó lần tiếp theo bạn đi du lịch. Mặc quần áo lịch sự và bạn có thể thấy mình được nâng cấp chỗ ngồi hoặc có một ly cocktail miễn phí. Bạn chắc chắn sẽ được khen ngợi bởi các tiếp viên hàng không, những người rất biết ơn vì đã có người tỏ ra đủ quan tâm. Tại sao họ biết ơn? Bởi vì họ làm việc chăm chỉ và muốn tin rằng không gian chuyên nghiệp của họ xứng đáng được tôn trọng. Cho họ thấy điều đó và họ sẽ cho bạn thấy lại sự tôn trọng.

Điều này áp dụng cho dù bạn ở đâu: không chỉ nhà thờ (nhưng chắc chắn là ở đó!), mà còn cả bảo tàng, thư viện và nhà hàng. Hãy hỏi bất kỳ người phục vụ nào! Họ sẽ luôn có cái nhìn thiện cảm hơn đối với những khách hàng ăn mặc trang trọng hơn là xuề xòa, và họ cũng sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn. Tại sao lại như thế? Một lần nữa, đó là vì cách bạn ăn mặc nói lên rất nhiều điều về những gì bạn đánh giá về người khác.

Tôi sẽ nói thêm về một lợi ích cá nhân cuối cùng đến từ việc mặc quần áo, áo sơ mi, thắt lưng và cà vạt phù hợp. Chúng cung cấp một sự kiểm tra liên tục về cân nặng và sức khỏe của bạn. Sử dụng đồ thể thao và quần dây rút cho phép một người tự lừa dối bản thân về số cân mà người đó đang tăng lên. Thật vậy, có lẽ đó là một lý do khác giải thích tại sao chúng rất phổ biến! Tôi không cần phải giải thích vì bạn chắc chắn biết ý tôi là gì.

Tất cả những điều này có vẻ khá đơn giản, tuy nhiên, vì một số lý do cực kỳ kỳ quặc, nó đã bị một hoặc hai thế hệ bỏ qua. Có lẽ một trong những điều tốt đẹp tới từ sự thất bại của FTX và ông Sam Bankman-Fried sẽ là việc nó khiến người ta phải suy nghĩ lại về những lựa chọn trang phục này. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu xem những người trong đời sống chuyên nghiệp ăn mặc như những kẻ luộm thuộm là những dấu hiệu cảnh báo. Nếu người này quá ít quan tâm đến đồng nghiệp, khách hàng, nhà đầu tư và bản thân mình, thì có lẽ người đó cũng không xứng đáng với sự tin tưởng và tín nhiệm của bạn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Jeffrey A. Tucker - The Epoch Times

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện dài đằng sau cách ăn mặc của cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried