Câu chuyện về Aiko Kawasaki - một người Nhật gốc Hàn tự nguyện đến Triều Tiên và đã may mắn trốn thoát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 1960, bà Aiko Kawasaki khi đó mới 17 tuổi đã từ bến cảng Niigata (Nhật Bản) lên con tàu khởi hành đến Bắc Triều Tiên. Bất chấp cha mẹ van xin cô gái trẻ đừng rời đi, cô vẫn nhất quyết ra đi và hứa với họ rằng một năm sau cả gia đình sẽ đoàn tụ ở “thiên đường trần gian”.

Bà Kawasaki nói với The Epoch Times rằng bà từng tràn đầy hy vọng rằng cuộc sống mới ở Triều Tiên sẽ tốt hơn ở Nhật Bản, không có nghèo đói và không có phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ngay khi đặt chân đến cảng Chongjin của Triều Tiên, bà ngay lập tức cảm thấy “bị lừa dối”. Nhưng đã quá trễ rồi.

Bà nhanh chóng nhận ra mình bị lừa bởi những lời tuyên truyền sai sự thật của tổ chức Chongryon (Tổng hội Cư dân Triều Tiên tại Nhật Bản), một tổ chức có quan hệ mật thiết với Bắc Triều. Vì Bắc Triều Tiên và Nhật Bản không thiết lập quan hệ ngoại giao nên trên thực tế, Chongryon đã hoạt động như Đại sứ quán Bắc Triều tại Nhật.

Kết quả là cô gái trẻ Kawasaki khi ấy đã mắc kẹt ở Triều Tiên trong suốt 43 năm, hoàn toàn tách khỏi gia đình ở Nhật Bản.

Năm 2003, bà Kawasaki cuối cùng đã thành công trốn thoát khỏi “thiên đường trần gain”, nhưng phải chịu đựng nỗi nhớ nhung con cháu vẫn đang ở Bắc Triều.

Bà Kawasaki là người Nhật gốc Hàn thế hệ thứ 2, sinh ra ở Kyoto (Nhật Bản). Hiện tại, bà đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù lấy lại được tự do, bà thường không ngủ ngon giấc bởi luôn bị ám ảnh bởi những ngày tháng khốn khổ ở Bắc Triều.

Bà là tác giả của cuốn sách “The Stories of People Who Had Gone to North Korea from Japan” (Câu chuyện về những người đã từ Nhật Bản đến Bắc Triều Tiên”, xuất bản năm 2007 tại Nhật Bản.

Năm 2014, bà thành lập nhóm phi chính phủ “Let’s Get Together”, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Nhật Bản hoạt động vì các vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều.

Hiện tại, bà Kawasaki vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau để giúp thế giới có cái nhìn thực tế về Triều Tiên. Bà là một trong ba người trốn thoát khỏi Triều Tiên được mời đến Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) để hỗ trợ điều tra các vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên.

Câu chuyện về Aiko Kawasaki, một người Nhật gốc Hàn tự nguyện đến Triều Tiên và đã may mắn trốn thoát
Bà Aiko Kawasaki là một trong năm nguyên đơn đã đệ đơn kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và người đứng đầu tổ chức Chongryon Ho Jong-man lên Tòa án Hình sự Quốc tế ở Hague, Hà Lan, vào năm 2018. (Ảnh: Bà Aiko Kawasaki cung cấp)

Quyết định lên tàu

Cô gái trẻ Kawasaki học rất giỏi nhưng phải bỏ học cấp ba vì gia đình nghèo khó. Ngày nọ, vị quản lý của tổ chức Chongryon đến thăm nhà cô và cố gắng thuyết phục cô theo học tại một trường trung học phổ thông do Chongryon thành lập. Cô được nhận học bổng Kim Nhật Thành sau khi vượt qua kỳ thi tuyển sinh với điểm số cao nhất.

Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) là người khai sinh ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, là nhà độc tài và là ông nội của nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un.

Trường học đó dạy học sinh hát những bài ca ngợi “lãnh tụ vĩ đại” Kim Nhật Thành; tuy nhiên, cô gái trẻ Kawasaki khi ấy chưa một lần hát những bài ca đó. Ngay cả khi chỉ là một cô gái trẻ, theo bản năng, cô biết rằng tôn thờ một người là điều không đúng đắn.

“Các giáo viên trong trường liên tục dạy chúng tôi rằng Triều Tiên là thiên đường trần gian. Họ nói rằng ở đó không phải đóng thuế, được hưởng dịch vụ y tế miễn phí, nhà ở miễn phí và giáo dục miễn phí. Học sinh của trường bị sử dụng làm công cụ tuyên truyền sau giờ học; họ sẽ đến thăm những ngôi nhà nơi người Nhật gốc Hàn sinh sống và nói rằng: ‘Triều Tiên là thiên đường trên mặt đất, vì vậy tất cả chúng ta nên đến đó’”, bà Kawasaki nói.

Câu chuyện về Aiko Kawasaki, một người Nhật gốc Hàn tự nguyện đến Triều Tiên và đã may mắn trốn thoát
Nhiều người Nhật gốc Hàn, giống như cô gái trẻ 17 tuổi Kawasaki, chuẩn bị bắt đầu cuộc hành trình đến nơi mà họ gọi là “Thiên đường trần gian” — Triều Tiên, tại cảng Niigata, Nhật Bản, ngày 14/12/1959. (Ảnh: Bà Aiko Kawasaki cung cấp)

Bà Kawasaki đã không tham gia các hoạt động tuyên truyền và bà tự hào về điều đó. Bà đã từng chứng kiến ​​rất nhiều người bị trầm cảm nghiêm trọng hoặc thậm chí đã tự tử sau khi họ thuyết phục được những người khác chuyển đến Bắc Triều và biết rằng cuộc sống của những người đó trở nên khốn khổ như thế nào.

“Cha tôi đến từ tỉnh Gyeongsang và mẹ tôi đến từ tỉnh Jeolla (Hàn Quốc). Vì vậy, tôi không có lý do gì để đến Bắc Triều Tiên bởi tôi không có mối liên hệ nào với nơi đó. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, tôi ngày càng tò mò về đất nước đó vì tôi tự hỏi làm thế nào một nước xã hội chủ nghĩa lại có thể cung cấp mọi thứ miễn phí, thậm chí không thu thuế. Thế nên tôi đã quyết định đến ​​Bắc Triều để tận mắt chứng kiến và trải nghiệm”, bà Kawasaki giải thích. Quyết định này đánh dấu sự khởi đầu cơn ác mộng của bà.

Câu chuyện về Aiko Kawasaki, một người Nhật gốc Hàn tự nguyện đến Triều Tiên và đã may mắn trốn thoát
Người Nhật gốc Hàn lên tàu đến Triều Tiên vào ngày 14/12/1959. (Ảnh: Bà Aiko Kawasaki cung cấp)

Đến nơi

“Tôi không sợ hãi chút nào, không nghi ngờ chút nào - đó là do nền giáo dục tẩy não. Kể từ khi vào cấp 3, tôi đã liên tục bị tẩy não để tin rằng Bắc Triều Tiên là thiên đường trần gian. Do đó, tôi không lo lắng về bất cứ điều gì khi quyết định một mình đến Triều Tiên”, bà Kawasaki nói.

Cha của bà Kawasaki đã cố gắng khuyên can bà một cách tuyệt vọng. Cuối cùng, gia đình đã đồng ý rằng họ sẽ gặp lại bà ở Bắc Triều sau một năm.

Tuy nhiên, thực tế ở Triều Tiên hoàn toàn khác với những gì bà đã nghe ở Nhật Bản.

“Khi những người trên tàu nhìn thấy đất liền Triều Tiên từ xa, họ đã đổ ra boong tàu và rơi nước mắt vì sung sướng. Nhưng khi thực sự đến cảng Chongjin, chúng tôi bắt đầu thì thầm với nhau. Khung cảnh hoàn toàn khác với những gì chúng tôi nghe được ở Nhật Bản. Ngay lập tức, chúng tôi biết rằng mình đã bị lừa.

Cả thành phố chìm trong bóng tối; những người dân ra cảng đón chúng tôi với bó hoa trên tay và không ngừng ca hát. Khuôn mặt của họ đen sạm và hốc hác vì suy dinh dưỡng. Họ thậm chí không đi tất; bộ quần áo xám xịt của họ rách tả tơi. Không ai đi giày da. Hầu hết họ đều đi giày vải với những ngón chân thò ra. Nói tóm lại, họ là những kẻ ăn xin chết đói.

Ai đó trên tàu hét lên bằng tiếng Nhật khiến binh lính Bắc Triều không thể hiểu được: "Này, các học sinh từ trường trung học ở Nhật Bản! Đừng xuống tàu! Hãy quay trở lại Nhật Bản với con tàu này”, bà Kawasaki kể lại.

Sau khi biết sự thật, để ngăn gia đình đến Triều Tiên, bà Kawasaki đã gửi cho họ một lá thư. Trong thư, bà Kawasaki đề nghị rằng họ nên đợi cho đến khi em trai của bà - lúc đó đang là học sinh tiểu học - kết hôn trước khi đoàn tụ với bà ở Bắc Triều.

Bức thư đó đã tách bà Kawasaki ra khỏi gia đình trong hơn 40 năm ròng rã.

Cuộc sống ở Nhật Bản trước khi đến Triều Tiên

“Gia đình tôi nghèo khó và người Nhật gốc Hàn bị phân biệt đối xử ở Nhật. Đó là trước khi Nhật Bản bước vào thời kỳ bùng nổ kinh tế. Vì vậy, người Nhật gốc Hàn đặc biệt gặp khó khăn trong cuộc sống. Người Nhật sẽ không thuê chúng tôi, vậy nên chúng tôi chỉ có thể lao động chân tay vào thời điểm đó”, bà Kawasaki nói.

“Sau khi Hàn Quốc được giải phóng khỏi [ách thuộc địa của] Nhật Bản vào năm 1945, hơn 2 triệu người Nhật gốc Hàn sống ở Nhật Bản đã trở về Hàn Quốc. Nhưng khoảng 600.000 người Nhật gốc Hàn đã chọn ở lại Nhật vì lý do này hay lý do khác. Trong những năm 1960, Triều Tiên đã tích cực tìm cách đưa càng nhiều càng tốt những người Nhật gốc Hàn đến Triều Tiên để bù đắp cho sự thiếu hụt trong lực lượng lao động gây ra bởi Chiến tranh Triều Tiên. Nền kinh tế Nhật Bản vào thời điểm đó vẫn đang chìm trong tình trạng tồi tệ sau thất bại tại Thế chiến II. Do đó chính phủ Nhật Bản hoan nghênh nỗ lực của Triều Tiên vì họ đang gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề của người Nhật gốc Hàn ở trong nước”.

“Theo kết quả của ‘Thỏa thuận về vấn đề hồi hương của người Nhật gốc Triều’ mà cả hai nước đã đạt được, dự án hồi hương của Bắc Triều Tiên mang tên ‘Phong trào dân tộc quy mô lớn từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội’ đã được phát động một cách nghiêm túc. Từ 1959-1984, trong 25 năm, đã có tổng cộng 187 chuyến tàu từ cảng Niigata ở Nhật Bản đến cảng Chongjin ở Triều Tiên. Trong thời gian đó, tổng cộng 93.340 người Nhật gốc Hàn đã di cư đến Triều Tiên. Trong số đó có 6.800 người Nhật, chẳng hạn như vợ của những người Nhật gốc Triều. Và 98% trong số đó đến từ Hàn Quốc”, bà Kawasaki giải thích.

Bà đưa ra 2 lý do chính khiến những người kể trên quyết định đến Bắc Triều. Thứ nhất, họ bị lừa dối bởi lời tuyên truyền xảo quyệt của Chongryon. Tổ chức này đã ca ngợi Bắc Triều Tiên là “thiên đường trần gian”. Thứ hai, những người do dự về việc đến Bắc Triều đã quyết định di cư khi Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế can thiệp vào dự án. Nhiều người cảm thấy yên tâm vì họ nghĩ rằng họ có thể tin tưởng một tổ chức uy tín như vậy.

Câu chuyện về Aiko Kawasaki, một người Nhật gốc Hàn tự nguyện đến Triều Tiên và đã may mắn trốn thoát
The Asahi Shimbun, một tờ báo của Nhật Bản, đưa tin vào thời điểm đó rằng người Nhật gốc Hàn đã rời khỏi Nhật Bản để đến Triều Tiên trên những con thuyền. (Ảnh: Bà Aiko Kawasaki cung cấp)

Địa ngục trần gian

Bà Kawasaki nói: “Tôi cho rằng nhiều người đã không thể thích nghi với cuộc sống ở Bắc Triều”.

“Mọi người bị các dạng rối loạn tâm thần khác nhau. Bởi vì tình hình kinh tế tồi tệ, hầu như tất cả mọi người đều mắc bệnh này hay bệnh khác. Trên hết những khó khăn đó, chúng tôi được coi là những kẻ đảo chính tiềm tàng và do đó luôn bị giám sát và phân biệt đối xử, vì chúng tôi đến từ Nhật Bản - một quốc gia tư bản”.

Bà Kawasaki đã mô tả trải nghiệm và quan sát của bà trong thời gian ở Bắc Triều Tiên trong 8 chương của cuốn sách “The Stories of People Who Had Gone to North Korea from Japan” (Câu chuyện về những người đã từ Nhật Bản đến Bắc Triều Tiên).

Nhiều đoạn trong cuốn sách mô tả vô cùng sống động điều kiện sống ở Bắc Triều, chẳng hạn như:

“Những đứa trẻ chết đói thường nhai than xương (bone char) trộn với than củi và đất sét, giống như nhai kẹo cao su”.

“Các chuyến tàu không có cửa sổ luôn chật cứng hành khách, chật đến mức người ta không thể đi đến nhà vệ sinh. Vì vậy, họ buộc phải tiểu tiện và đại tiện trên ghế của mình”.

“Ngay cả việc tự sát cũng không được phép vì nó bị coi là một hành động xúc phạm và phản bội đối với [đất nước] xã hội chủ nghĩa”.

Bà Kawasaki cho biết: “Những học sinh theo học các trường trung học phổ thông do Chongryon thành lập ở Nhật Bản được phép học tại các trường cùng cấp ở Bắc Triều Tiên. Tôi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Hóa chất Hamhung ở Hamhung (Bắc Triều) và làm việc tại một nhà máy sản xuất máy móc với tư cách là kỹ sư. Họ trả cho tôi một khoản tiền cực kỳ nhỏ trong lương hàng tháng, hầu như không đủ để sinh sống. Phần còn lại của khoản lương bị chính quyền lấy đi. Từ đó, tôi hiểu được một quốc gia xã hội chủ nghĩa không có thuế có nghĩa là gì”.

“Trái ngược hoàn toàn với những lời tuyên truyền của tổ chức Chongryon rằng mọi hình thức tự do đều được đảm bảo ở Triều Tiên, đất nước này không có tự do và nhân quyền. Tôi đã trải qua 43 năm cuộc đời đầy đau thương và khắc nghiệt ở Bắc Triều”.

Bà Kawasaki nói rằng người dân Bắc Triều Tiên không có trải nghiệm thực sự về tự do. Bởi vì họ chỉ từng sống qua chế độ phong kiến ​​của triều đại Joseon, sau đó là thuộc địa của Nhật Bản, và sau đó là chủ nghĩa cộng sản mà Liên Xô cưỡng bức áp lên thông qua con rối Kim Nhật Thành.

“Bởi lịch sử này, người dân Bắc Triều đã coi cấu trúc thứ bậc của người cai trị và người bị trị là lẽ đương nhiên. Do đó, họ coi sự kế thừa quyền lực cha truyền con nối của gia đình họ Kim là điều tự nhiên”, bà giải thích.

Trốn thoát

Bà Kawasaki cho biết: “Không quá khó để đào tẩu khỏi Triều Tiên vì hàng ngày có rất nhiều người đến và đi từ Trung Quốc”.

Bà Kawasaki kể rằng bà đã may mắn trong quá trình chạy trốn. Bà mặc đồ và trang điểm như một người Nhật Bản, sau đó trả giá gấp đôi cho một người môi giới để có thể băng qua biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc một cách an toàn. Sau khi thành công đến Trung Quốc vào tháng 03/2003, bà bay về Nhật Bản vào năm sau đó.

“Trước khi thực hiện kế hoạch trốn khỏi Bắc Triều, tôi không nói với ai về điều đó. Tôi quyết định sẽ trốn ra thế giới tự do trước và sau đó đưa các con tôi đến Nhật Bản”.

Bà Kawasaki kể rằng bà đã không nghe được tin tức gì từ các thành viên trong gia đình ở Triều Tiên.

“Nhưng tôi biết họ sẽ bị chính quyền liên tục giám sát kể từ khi tôi rời đất nước đó. Tôi tự hứa với bản thân rằng sẽ đưa các con đến thế giới tự do khi tôi trốn thoát được, nhưng đến bây giờ tôi vẫn không thể làm được điều đó. Cách duy nhất để làm điều đó là phá bỏ chế độ Bắc Triều. Tôi sẽ sống để chứng kiến ​​sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên và gặp lại gia đình mình”, bà nói.

Bà Kawasaki thổ lộ rằng trong phần còn lại của cuộc đời, bà muốn chứng kiến "hai miền Triều Tiên thống nhất" và thế giới sẽ hòa bình hơn nhiều nếu mong ước ấy thành sự thất.

“Tôi đã sống tách biệt với gia đình trong phần lớn cuộc đời mình. Thật đáng buồn cho những người như tôi, chính phủ Hàn Quốc không coi các gia đình người Nhật gốc Hàn ly tán [là] những gia đình ly tán của Hàn Quốc”.

Đừng bao giờ mơ mộng về Bắc Triều Tiên

Khi được hỏi về những điều rút ra từ kinh nghiệm đau thương của mình, bà Kawasaki muốn cảnh báo mọi người rằng đừng bao giờ tin vào lý tưởng hay bất cứ điều gì mà Bắc Triều Tiên tuyên truyền.

Với hiểu biết về những thực tế khủng khiếp ở Bắc Triều, bà Kawasaki nói rằng một nền kinh tế kế hoạch không thể thịnh vượng, và những lý tưởng của Bắc Triều không thể thành hiện thực. Chế độ ba ông Kim của Bắc Triều chỉ bỏ đói và giết người, chứ không giúp người dân trở nên hạnh phúc.

“Tương tự như Trung Quốc, Triều Tiên cũng có nhiều trường hợp mổ cướp nội tạng. Không ai biết điều gì đang xảy ra với những tù nhân bị nhốt trong các trại tập trung ở Bắc Triều. Những hành vi man rợ này không thể xảy ra trong xã hội loài người”, bà Kawasaki nói.

Xuân Hoa

Theo Lee Yun-Jeong - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện về Aiko Kawasaki - một người Nhật gốc Hàn tự nguyện đến Triều Tiên và đã may mắn trốn thoát