CDC khuyến cáo các bác sĩ nên cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Sáu (20/05), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã ban hành một khuyến cáo yêu cầu các bác sĩ trên khắp Hoa Kỳ chú ý đến bệnh đậu mùa khỉ trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận 80 ca nhiễm tại 11 quốc gia.

WHO xác nhận dịch bệnh bùng phát ở 11 quốc gia

Bệnh đậu mùa khỉ vốn là một bệnh do virus đặc hữu ở miền Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng Năm, hàng chục ca nhiễm được xác nhận đã được báo cáo ở một số quốc gia bên ngoài lục địa này. Nhiều ca bị nghi ngờ vẫn đang được điều tra.

CDC đang yêu cầu các bác sĩ “cảnh giác với triệu chứng phát ban đặc trưng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ”, mô tả triệu chứng phát ban liên quan đến “mụn nước hoặc mụn mủ sâu dưới da, chắc hoặc cứng và có giới hạn rõ” cùng các tổn thương “có thể lõm sâu hoặc lan ra và sau đó đóng vảy”.

Monkey Pox Lesions
Các triệu chứng của một trong các ca nhiễm virus đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện thể hiện trên tay của một bệnh nhân hôm 27/05/2003. (Ảnh: CDC/Getty Images)

Khuyến cáo nói thêm rằng, ngoài triệu chứng phát ban đặc trưng, các bác sĩ cần coi đây là một chẩn đoán khả thi nếu bệnh nhân đã đi du lịch đến các quốc gia có ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận gần đây. Có báo cáo đã tiếp xúc với bất kỳ ai nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, hoặc nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ, hoặc có phát ban tương tự như bệnh đậu mùa khỉ; hoặc là nam giới thường xuyên tiếp xúc trực tiếp hoặc gần gũi với những người đàn ông khác.

Monkey Pox Lesions
Các triệu chứng của một trong những trường hợp đầu tiên được biết đến của virus đậu mùa khỉ trên bàn tay của bệnh nhân hôm 05/06/2003. (Ảnh: CDC/Getty Images)

CDC cũng nêu rõ trong khuyến cáo rằng, “Tổn thương có thể lan rộng hoặc chỉ tập trung ở bộ phận sinh dục hoặc vùng quanh hậu môn”.

Cơ quan này cho biết thêm: “Một số bệnh nhân có thể bị viêm trực tràng và bệnh này có thể bị nhầm lẫn về mặt lâm sàng với các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) như giang mai hoặc virus herpes (HSV), hoặc nhiễm virus varicella zoster. Viêm trực tràng là tình trạng viêm niêm mạc trực tràng và có thể gây đau trực tràng, tiêu chảy và chảy máu.

Trước tháng 5/2022, CDC cho biết các ca nhiễm bên ngoài Châu Phi là những người có tiền sử du lịch đến Nigeria hoặc tiếp xúc với một người khác được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, CDC cũng cho hay nhiều ca được xác nhận kể từ đầu tháng này không có tiền sử du lịch đến Châu Phi với nguồn gốc của các ca nhiễm này “chưa được biết rõ”.

monkeypox
Bức ảnh một bệnh nhân đậu mùa khỉ trong một cuộc điều tra của CDC về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo hồi năm 1997. (Ảnh: Brian W.J. Mahy/CDC)

Các ca nhiễm bên ngoài Châu Phi đã được báo cáo ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Úc và Canada, cũng như trên khắp Châu Âu bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý, Bỉ, Pháp và Đức. Số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở Vương quốc Anh, nơi có ca nhiễm đầu tiên được phát hiện bên ngoài Châu Phi, đã lên tới 20 ca tính đến ngày 20/05.

CDC lưu ý rằng trong số các ca nhiễm ở Vương quốc Anh, có một “nhóm ca nhiễm được phân loại tạm thời liên quan đến bốn người tự nhận là đồng tính nam, song tính hoặc nam giới quan hệ tình dục đồng tính”.

“Một số bằng chứng cho thấy các ca nhiễm ở nam giới quan hệ tình dục đồng tính có thể liên quan đến dịch tễ học; các bệnh nhân trong nhóm này đã được xác định tại các phòng khám sức khỏe tình dục. Cuộc điều tra đang tiến triển và các cơ quan y tế công cộng hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về các con đường phơi nhiễm trong những ngày tới”, CDC cho biết.

WHO cho biết các đợt bùng phát gần đây ‘không điển hình’

Hôm 20/5, WHO cho biết rằng các đợt bùng phát gần đây tại 11 quốc gia cho đến nay là “không điển hình vì đang xảy ra ở các quốc gia không có bệnh đặc hữu”. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có khoảng 80 ca đã được xác nhận và 50 ca đang chờ điều tra, trong đó nhiều ca có thể sẽ sớm được báo cáo.

WHO cho biết: “Những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, gồm cả các nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình”.

CDC cho biết, bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn với các triệu chứng giống như bệnh cúm như sốt, đau nhức cơ và mệt mỏi, cũng như sưng hạch bạch huyết. Trong vòng vài ngày sau khi sốt, ban xuất hiện trên mặt và cơ thể, cũng có thể bao gồm cả vùng sinh dục hoặc quanh hậu môn. Thời gian ủ bện có thể từ 5 đến 21 ngày.

Bệnh thường tự khỏi với các triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần, mặc dù các trường hợp nghiêm trọng có thể xảy ra và thậm chí có thể dẫn đến tử vong, với tỷ lệ tử vong gần đây là khoảng 3 đến 6%, theo WHO.

Hoa Kỳ đã xác nhận một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở tiểu bang Massachusetts, ca đầu tiên trong năm nay. CDC cho biết họ đang làm việc với bộ y tế của tiểu bang để điều tra về ca nhiễm này. Bệnh nhân liên quan có chủng virus đậu mùa khỉ ở Tây Phi và hiện đang được cách ly. Gần đây, ông này đã du lịch đến Canada, nơi báo cáo có hai ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được xác nhận hồi cuối ngày 19/05 ở Quebec.

Một ca nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ khác đang được điều tra ở thành phố New York.

Năm 2021, Hoa Kỳ có hai ca được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, một ở Maryland và một ở Texas. Cả hai ca nhiễm đều liên quan đến những người gần đây đã đi du lịch đến Nigeria nơi bệnh này được xem là đặc hữu.

Hôm 18/05, chính phủ Tổng thống Biden đã đặt hàng hàng triệu liều vaccine để phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ từ Bavarian Nordic, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Đan Mạch. Vaccine này được chấp thuận dưới tên Jynneos ở Hoa Kỳ, dành cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ.

Hồi tháng 09/2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết: “Jynneos không chứa virus gây bệnh đậu mùa hoặc bệnh đậu mùa khỉ. Vaccine này được tạo ra từ virus vaccinia, một loại virus có liên quan chặt chẽ nhưng ít gây hại hơn virus bệnh đậu mùa hoặc bệnh đậu mùa khỉ và có thể phòng chống cả hai bệnh này. Jynneos có chứa một dạng đã biến đổi của virus gây bệnh có tên là Vaccinia Ankara sửa đổi, không gây bệnh cho người và không tái tạo, có nghĩa là nó không thể nhân đôi trong tế bào của con người”.

Theo CDC, vì virus đậu mùa khỉ có liên quan đến virus đậu mùa, nên vaccine này có thể bảo vệ mọi người khỏi bị bệnh đậu mùa khỉ.

CDC nêu rõ: “Dữ liệu trước đây từ Châu Phi cho thấy rằng vaccine đậu mùa có hiệu quả ít nhất là 85[%] trong việc phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Hiệu quả của [Jynneos] phòng bệnh đậu mùa khỉ được kết luận từ một nghiên cứu lâm sàng về khả năng sinh miễn dịch của Jynneos và dữ liệu hiệu quả từ các nghiên cứu trên động vật.

“Vaccine đậu mùa và đậu mùa khỉ có hiệu quả bảo vệ mọi người chống lại bệnh đậu mùa khỉ khi được tiêm trước khi tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ. Các chuyên gia cũng tin rằng việc tiêm phòng sau khi tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ có thể giúp phòng bệnh hoặc làm cho bệnh thuyên giảm”.

Lam Giang

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

CDC khuyến cáo các bác sĩ nên cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ