CDC Mỹ khuyến nghị trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 5/1, CDC Mỹ cho biết, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi nên tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19, mặc dù có rất ít dữ liệu về hiệu quả, thêm vào đó là lo ngại về biến chứng viêm tim sau tiêm chủng đối với nhóm tuổi này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã tán thành các khuyến nghị từ hội đồng tư vấn vaccine của mình. Hội đồng này đã bỏ phiếu với tỷ lệ 13–1 để khuyến nghị với CDC rằng trẻ em trong độ tuổi này “nên” tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer 5 tháng sau đợt tiêm chủng chính của các em. Đáng lý, hội đồng này có thể đưa ra khuyến nghị rằng trẻ em “có thể” được tiêm mũi tăng cường.

Trong một bản tuyên bố, giám đốc CDC Mỹ là Tiến sĩ Rochelle Walensky: “Hiện tại, chúng tôi khuyến nghị rằng tất cả thanh thiếu niên từ 12–17 tuổi nên tiêm nhắc lại 5 tháng sau loạt mũi chính của các em. Liều tiêm tăng cường này sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tối ưu chống lại COVID-19 và biến thể Omicron. Tôi khuyến khích tất cả các bậc cha mẹ cập nhật cho con em mình những khuyến nghị về vaccine COVID-19 của CDC”.

Các thành viên của hội động ủng hộ khuyến nghị cho biết, họ bị thuyết phục bởi sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 gần đây. Ngoài ra, dữ liệu cho thấy mũi tiêm tăng cường sẽ tăng khả năng bảo vệ chống lại virus Corona Vũ Hán gây ra dịch bệnh COVID-19, ít nhất là trong một khoảng thời gian.

Một thành viên của hội đồng là Tiến sĩ Camille Kotton cho biết: “Tôi thấy nhiều gia đình có sự lây truyền từ trẻ em sang người lớn và trong một số trường hợp có kết quả rất đau thương, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta có thể ngăn chặn những chứng bệnh có thể ở mức nhẹ đến trung bình ở trẻ em càng nhiều càng tốt, [cũng như] giảm thiểu bệnh tật trong gia đình, tôi thực sự nghĩ đó là cách để làm”. Tiến sĩ Kotton hiện là giám đốc lâm sàng về cấy ghép và các bệnh truyền nhiễm vật chủ suy giảm miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts.

Dựa trên dữ liệu từ Israel, CDC Mỹ cùng với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã xác định, mũi tiêm tăng cường mang đến nhiều lợi ích cho nhóm tuổi này hơn là rủi ro. Dữ liệu ban đầu từ Israel cho thấy, liều tiêm tăng cường dẫn đến ít ca nhiễm COVID-19 hơn.

Tiến sĩ Sharon Alroy-Preis thuộc Bộ Y tế Israel thông báo với cuộc họp rằng, hai trường hợp viêm cơ tim, hoặc viêm tim sau tiêm chủng, đã được phát hiện sau khi tiêm mũi vaccine tăng cường của Pfizer ở nước này, trong tổng số hơn 41.610 mũi tiêm tăng cường được sử dụng. Và các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, liều vaccine nhắc lại của Pfizer gây ra nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim ở nam giới trẻ cao hơn so với bản thân căn bệnh COVID-19.

Song, các thành viên liên tục nói rằng, họ hy vọng việc tiêm liều vaccine tăng cường cho trẻ em sẽ giúp ngăn chặn sự gia tăng số ca dương tính do biến thể Omicron của virus Corona Vũ Hán, và giảm số trẻ em phải nhập viện vì COVID-19.

Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại về hy vọng đó. Họ dẫn chứng dữ liệu từ Vương quốc Anh cho thấy, khả năng bảo vệ của các mũi tiêm tăng cường chống lại nguy cơ nhiễm bệnh đã giảm chỉ sau 4 tuần. Ngoài ra, còn thiếu dữ liệu về việc liệu mũi tiêm nhắc lại có giúp giảm số ca nhập viện hay không.

Một thành viên khác thuộc hội đồng của CDC Mỹ là Tiến sĩ Sarah Long cho biết, mũi tiêm tăng cường cung cấp lượng kháng thể trong thời gian ngắn “sẽ không kéo dài” và “nó có thể sẽ không có tác dụng bảo vệ chống lại [nguy cơ] nhiễm bệnh không có triệu chứng”. Tiến sĩ Long hiện là giáo sư nhi khoa tại Đại học Y khoa Đại học Drexel.

Tiến sĩ Helen Keipp Talbot - người duy nhất bỏ phiếu “không” cho khuyến nghị - cho biết, bà cho rằng trẻ em nên tiêm nhắc lại, nhưng bà lo ngại việc đẩy mạnh tiêm mũi nhắc lại sẽ làm xao nhãng việc tiêm chủng cho những người chưa được tiêm chủng.

Bà giải thích: “Tôi không nghĩ rằng chuyện này công bằng cho một thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine lại phải chịu nguy cơ bị viêm cơ tim một lần nữa vì một lợi ích không xác định, chỉ vì đồng trang lứa của các em sẽ không tiêm vaccine”.

Những người phản đối cho biết, cuộc thảo luận và bỏ phiếu càng tô đậm việc cần tránh tình trạng khan hiếm dữ liệu về mũi tiêm tăng cường, đặc biệt là ở trẻ em.

Trong một bài viết trên Twitter, Tiến sĩ Walid Gellad từ Đại học Pittsburgh nhận định: “Về cơ bản, họ đang bỏ qua việc thiếu dữ liệu về hiệu quả của mũi tiêm tăng cường ở nhóm tuổi này đối với tình huống nhiễm bệnh nặng, và thay vào đó tập trung vào lợi ích của việc ngăn ngừa nhiễm bệnh”. Trong khi đó, Tiến sĩ Gellad tiếp tục, hội đồng này không hướng đến việc giải đáp dữ liệu mới cho thấy, hiệu quả của liều vaccine nhắc lại chống lại nguy cơ nhiễm bệnh giảm xuống nhanh chóng như thế nào. Tiến sĩ Gellad không phải thành viên thuộc hội đồng CDC Mỹ.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

CDC Mỹ khuyến nghị trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi tăng cường phòng COVID-19