Chào mừng Phần Lan và Thụy Điển đến với NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một hiện tượng trong lĩnh vực khoa học xã hội được gọi là “quy luật về những hậu quả khôn lường” (law of unintended consequences). Về cơ bản, đây là một kết quả đầy bất ngờ hoặc không lường trước được của một hành động có chủ ý. Nói cách khác, quý vị thực hiện việc A và mong đợi kết quả B nhưng rốt cuộc thì lại nhận được kết cục C. Những "hậu quả khôn lường" kiểu này có thể là tích cực, chẳng hạn như khi Sở Thuế Vụ Mỹ (IRS) trả cho quý vị một khoản hoàn thuế ngoài mong đợi. Nhưng rất tiếc, chúng thường là những kết cục tiêu cực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hẳn đã nghỉ học vào ngày hôm đó, nhưng hầu như ngày nào ông cũng nếm trải sức mạnh của "quy luật về những hậu quả khôn lường". Cuộc xâm lược Ukraine của ông khó có thể trở nên thảm hại hơn nữa. Ông đã thất bại trong việc xóa sổ Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập. Thay vào đó, ông đã góp phần củng cố chủ nghĩa dân tộc Ukraine và phá hủy quân đội của chính mình.

Ngoài ra, các động thái của ông chủ Điện Kremlin vô hình trung đã góp phần củng cố sức mạnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khiến cho các quốc gia phương Tây xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Điều quan trọng nhất trong số những diễn biến này là việc Thụy Điển và Phần Lan đồng thời bỏ phiếu gia nhập NATO.

Trước đây tôi từng nói rằng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được điều này sẽ xảy ra trong đời mình. Thụy Điển và Phần Lan đã hoàn tất thủ tục đăng ký gia nhập NATO vào tháng 7, mở đầu cho quá trình gia nhập liên minh này. Việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên đầy đủ của NATO có thể diễn ra trong vòng một năm, nếu không muốn nói là sớm hơn.

Sự phát triển của NATO không khác gì một sự kiện chấn động toàn cầu. Trong Chiến tranh Lạnh, chỉ riêng ý tưởng về việc đưa Thụy Điển hoặc Phần Lan gia nhập Liên minh Đại Tây Dương đã bị coi là dị giáo ở Stockholm và Helsinki. Có không ít chính trị gia Thụy Điển và Phần Lan đã hủy hoại sự nghiệp của họ chỉ vì đề cập đến khả năng gia nhập NATO.

Phần Lan thường bị coi là thái quá, thậm chí là có phần khúm núm, đối với Liên Xô đến nỗi đã xuất hiện một thuật ngữ - Phần Lan hóa (Finlandization) - để mô tả một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa thỏa hiệp của nước này đối với các nhà độc tài láng giềng. Trong Chiến tranh Lạnh, Helsinki đã cấm hàng trăm cuốn sách và phim ảnh được coi là chống Liên Xô, chẳng hạn như tác phẩm "One Day in the Life of Ivan Denisovich" (tạm dịch: Một ngày trong đời của Ivan Denisovich) của tác giả Aleksandr Solzhenitsyn.

Tất nhiên, Phần Lan nhìn nhận điều này theo cách khác. Họ coi đây là một phần tất yếu của chính sách thiết thực nhằm duy trì vị thế là một quốc gia dân chủ với thị trường tự do.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (phải) tham gia cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, vào ngày 28/6/2022. (Ảnh: Henrik Montgomery/AFP/Getty Images)

Trong mọi trường hợp, nếu không phải vì cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin, thì Stockholm và Helsinki có lẽ sẽ chẳng bao giờ liên kết về mặt quân sự vô thời hạn. Và thực tế là cả hai quốc gia không những lựa chọn gia nhập NATO mà họ còn làm điều đó hết sức chóng vánh. Quá trình ra quyết định chính trị ở các nền dân chủ xã hội đa đảng như Thụy Điển và Phần Lan thường diễn ra khá chậm chạp, thế nhưng cả hai quốc gia này đều nhất trí quyết định gia nhập Liên minh Đại Tây Dương trong vòng vài tháng.

Phương Tây được hưởng lợi gì từ việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO? Rất nhiều.

Việc bổ sung hai quốc gia này vào liên minh quân sự sẽ góp phần gia cố cho sườn bắc của NATO, vốn luôn là một mắt xích yếu nhược trong hệ thống phòng thủ của liên minh này.

Ví dụ, các lực lượng vũ trang của Thụy Điển với khoảng 27.000 nam nữ quân nhân tại ngũ, bao gồm lính chuyên nghiệp, lính tình nguyện, lính nghĩa vụ, cũng như quân dự bị đang thi hành công vụ.

Ngoài ra, 11.000 quân khác được bổ sung vào lực lượng dự bị, trong khi 22.000 binh lính được bổ sung vào lực lượng Home Guard (lực lượng bảo vệ lãnh thổ). Thụy Điển hiện có ý định tăng gần gấp đôi quy mô của các lực lượng vũ trang nước này vào năm 2025, chẳng hạn như khoảng 90.000 quân.

Nhìn chung, Lục quân Thụy Điển gồm có 8 tiểu đoàn cơ giới hóa, 19 tiểu đoàn chiến đấu hỗ trợ (bao gồm pháo binh, phòng không, công binh, kiểm lâm, v.v.), 4 tiểu đoàn thiết giáp hạng nặng dự bị và 40 tiểu đoàn Vệ binh Nhà nước.

Không quân Thụy Điển sở hữu khoảng 100 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen sản xuất trong nước, 60 trong số đó sẽ được thay thế bằng dòng Gripen-E cực kỳ tối tân, trong khi Hải quân Thụy Điển sở hữu 5 tàu ngầm, 7 tàu hộ tống và 13 tàu tuần tra.

Khi được huy động đầy đủ, Lực lượng Phòng vệ Phần Lan (FDF) bao gồm ba lữ đoàn sẵn sàng (một lữ đoàn thiết giáp), hai lữ đoàn "Jaeger", hai nhóm tác chiến cơ giới, một tiểu đoàn Jaeger đặc nhiệm, sáu lữ đoàn bộ binh khu vực và nhiều tiểu đoàn độc lập.

Trong thời bình, FDF có khoảng 21.000 lính nghĩa vụ và 12.400 nhân viên thường trực: khoảng 8.400 quân nhân chuyên nghiệp và 4.000 dân thường. Trong một cuộc xung đột, FDF có thể huy động lực lượng dự bị lên 280.000 quân.

Về phần mình, Không quân Phần Lan sở hữu 62 máy bay chiến đấu F/A-18C/D được sản xuất tại Hoa Kỳ. Chúng sẽ được thay thế bằng 64 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp (Joint Strike Fighter - JSF) F-35, và việc giao hàng sẽ bắt đầu vào cuối thập kỷ này. Các tàu chính của hải quân Phần Lan là tám tàu hộ tống nhỏ và mười ba tàu quét mìn.

Thụy Điển và Phần Lan cung cấp khoảng 370 xe tăng chiến đấu chủ lực, hơn 2.000 xe bọc thép, 15 tàu hộ tống, 13 tàu tuần tra tên lửa, 5 tàu ngầm và hơn 160 máy bay chiến đấu hiện đại cho NATO. Các lực lượng này được trang bị nhiều loại vũ khí tấn công chính xác cũng như đạn chống tăng. Hơn nữa, hai quốc gia này đã di dời các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của NATO cách biên giới Nga hàng trăm km về phía đông.

Cuối cùng, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO đã lấp đầy khoảng trống đáng kể trong các yêu cầu giám sát và cảnh báo sớm của liên minh này. Radar trên mặt đất, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (chẳng hạn như Erieye của Thụy Điển), máy bay và tàu tuần tra biển tăng cường đáng kể và mở rộng khả năng tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) của phương Tây.

Tổng thống Nga Putin gần như đã tạo ra một kịch bản kinh dị chỉ trong một cú trượt ngã. Giờ đây, ông phải đối mặt với khả năng NATO chia sẻ thêm 830 dặm biên giới với Nga, cùng hàng trăm nghìn binh sĩ NATO, cũng như xe tăng, máy bay chiến đấu hiện đại và hàng nghìn tên lửa các loại. Ông Putin có rất ít khả năng chống lại lực lượng hùng mạnh này, đặc biệt là khi quân đội của ông đã bị suy yếu đáng kể trong cuộc chiến Ukraine. Một lần nữa, ông còn có thể đổ lỗi cho ai khác ngoài chính mình?

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Lam Giang

Richard A. Bitzinger là một nhà phân tích bảo mật quốc tế độc lập. Ông từng là thành viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore. Ông cũng từng đảm nhiệm các công việc trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.



BÀI CHỌN LỌC

Chào mừng Phần Lan và Thụy Điển đến với NATO