Châu Âu đang từng bước dồn bức ông Tập, ‘kỳ trăng mật’ của Trung Quốc - Châu Âu đã kết thúc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 14/9 đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh qua video trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc - Liên minh Châu Âu (EU). Ban đầu đây là nơi thể hiện sự hợp tác cao độ giữa các bên, nhưng thực tế nó lại đang làm nổi bật lên sự bất đồng. Một số nhà bình luận cho rằng hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ trăng mật Trung Quốc - Châu Âu.

EU đang từng bước dồn bức ông Tập trước các vấn đề như thương mại, Hong Kong, nhân quyền, virus Corona Vũ Hán và Biển Đông. EU cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không tuân thủ các cam kết quốc tế. Ông Tập đã không tham dự cuộc họp báo sau cuộc gặp, và hai bên cũng không ra tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh.

Vào ngày 14/9, nhóm Troika EU với Chủ tịch luân phiên là Thủ tướng Đức Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh qua video với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hội nghị thượng đỉnh ban đầu dự kiến ​​được tổ chức tại Leipzig, Đức vào tháng 6, nhưng đã bị hoãn lại do dịch viêm phổi Vũ Hán và được chuyển thành hội nghị qua video. Các nhà lãnh đạo EU đã tổ chức một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh và các chủ đề của hội nghị lần này bao gồm các vấn đề về biến đổi khí hậu, kinh tế và thương mại, Hong Kong và nhân quyền, virus viêm phổi Vũ Hán và phục hồi kinh tế, cùng vấn đề Biển Đông.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của ĐCSTQ, với khối lượng thương mại song phương mỗi ngày trên 1 tỷ euro. ĐCSTQ cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Hoa Kỳ. Chủ đề quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh lần này là đàm phán hiệp định đầu tư năm nay. Hiệp định này đã được đàm phán 7 năm, và EU hy vọng sẽ xúc tiến thông qua hội nghị thượng đỉnh này.

EU không còn bị ĐCSTQ lợi dụng

Tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói với ông Tập Cận Bình rằng, EU sẽ không còn bị ĐCSTQ lợi dụng nữa và yêu cầu Trung Quốc và EU thiết lập một mối quan hệ thương mại công bằng hơn.

Ông Michel nói tại cuộc họp báo rằng, “EU sẽ không tiếp tục làm đấu trường cho các nước khác nữa”, châu Âu cần là một người tham gia cuộc chơi, chứ không phải là một nơi để người khác chơi bời đùa giỡn.

Ông Michel nói: “EU yêu cầu một mối quan hệ thương mại công bằng hơn và một mối quan hệ EU - Trung Quốc cân bằng hơn, có nghĩa là hai bên phải cạnh tranh bình đẳng và công bằng”.

Mở đầu cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh qua video hôm nay là một cuộc đối thoại bốn bên căng thẳng và mục tiêu vẫn là đạt được một thỏa thuận đầu tư vào cuối năm nay, nhưng tôi phải nói rằng vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Bà Ursula von der Leyen cho rằng, Trung Quốc "gần như không có tiến triển" về các phương diện như năng lực sản xuất dư và trợ cấp nghề nghiệp, v.v. Bà kỳ vọng ông Tập Cận Bình sẽ phát huy được vai trò thúc đẩy.

Bà nói rằng, nếu ĐCSTQ muốn khiến EU cảm thấy rằng hiệp định này đáng được ký kết trước cuối năm, thì họ cần nhượng bộ về các phương diện như mở cửa và bình đẳng thị trường... Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi coi trọng việc tiếp cận thị trường và dỡ bỏ các rào cản thương mại của Trung Quốc".

Thủ tướng Đức Merkel cho biết tại cuộc họp báo: "Chúng tôi đã gia tăng áp lực lên phía Trung Quốc để đạt được tiến bộ trong thỏa thuận đầu tư".

Bà Merkel nói: "Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định: đôi bên cùng có lợi và cạnh tranh bình đẳng… Chúng tôi có các hệ thống xã hội khác nhau. Mặc dù chúng tôi cam kết theo chủ nghĩa đa phương, nhưng vẫn phải dựa trên các quy tắc cơ bản".

Ông Tập Cận Bình bị tra khảo về nhân quyền

Một vấn đề quan trọng khác được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU lần này là vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ lập trường rõ ràng với ông Tập khi nêu lên mức độ nghiêm trọng của các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc như Hong Kong và Tân Cương.

Bà Merkel cho biết sau cuộc họp rằng, EU và ông Tập Cận Bình đã thảo luận về các vấn đề của Hong Kong và các dân tộc thiểu số. EU sẽ tiếp tục đối thoại với ĐCSTQ về các vấn đề nhân quyền.

Ông Michel nói rằng EU bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về "Luật An ninh Quốc gia Hong Kong. Tiếng nói dân chủ của Hong Kong phải được lắng nghe, các quyền lợi phải được bảo vệ, và quyền tự trị phải được đảm bảo. Đây đều là những quan điểm được EU và các nước thành viên nhất trí".

EU cũng nhắc lại với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, cũng như lo ngại về số phận của các nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo Trung Quốc.

Về vấn đề virus Viêm phổi Vũ Hán, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và kêu gọi Trung Quốc hợp tác. EU nói rằng, ngoài việc phát triển và điều chế vaccine thì việc tìm ra nguồn gốc của virus cũng rất quan trọng.

Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình đã không tham dự cuộc họp báo, và hai bên cũng không ra tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh.

Rõ ràng, Trung Quốc và EU đã không đạt được đồng thuận về vấn đề nhân quyền. Truyền thông ĐCSTQ đã nhắc lại chiến lược cũ của Trung Quốc trong việc đáp trả những lời chỉ trích của phương Tây: "Kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc" và tuyên bố rằng "Trung Quốc không tiếp nhận ‘giáo sư’ nhân quyền (ý chỉ EU)”.

Truyền thông Đức: "Năm tháng tươi đẹp" của Trung Quốc - Châu Âu ‘một đi không trở lại’

Điều đáng nói là một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt của Đức, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Niels Annen đã đưa ra lời chỉ trích cực kỳ sắc bén đối với ĐCSTQ. Ông Annen cáo buộc ĐCSTQ đã kích động các cuộc xung đột chính trị quốc tế, tranh chấp lãnh thổ và vi phạm nhân quyền ở Hong Kong. Ông cũng tuyên bố rằng Đức phải cấm Huawei và các bên tham gia xây dựng mạng 5G.

Ông Tiền Dược Quân (Qian Yuejun), học giả luật pháp người Đức nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, tuyên bố của ông Annen cũng giống như thái độ cứng rắn của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trước đó, cho thấy Đức đã có một bước ngoặt chính trị rõ ràng đối với ĐCSTQ. Những hành động trấn áp trong nước và bành trướng khiêu khích với các nước bên ngoài của ông Tập cuối cùng đã khiến Đức và châu Âu tức giận.

Truyền thông Đức bình luận rằng, Đức và ĐCSTQ từng là đối tác và giờ là đối thủ của nhau. Đức đã thay đổi chính sách thỏa hiệp đối với Trung Quốc và trở thành yếu tố cho sự chuyển hướng chính trị tổng thể của châu Âu đối với Trung Quốc. "Năm tháng tươi đẹp" giữa Đức, EU với ĐCSTQ đã qua đi và sẽ không trở lại nữa.

Minh Thanh

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu đang từng bước dồn bức ông Tập, ‘kỳ trăng mật’ của Trung Quốc - Châu Âu đã kết thúc?