Châu Âu đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm, thời tiết khô nóng dẫn đến cháy rừng, làm giảm năng suất cây trồng và giảm sản lượng điện, theo phân tích sơ bộ từ Trung tâm Nghiên cứu Chung (JRC) của Liên minh châu Âu. Ngay cả đến sông Po ở miền Bắc nước Ý được ví như "vua của các con sông" và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này, nay cũng 'trơ đáy'.

Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong 500 năm qua. Hạn hán gây ra nhiều tác động khác như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức trong bối cảnh nước này mở rộng nguồn nhiên liệu thay thế cho khí đốt từ Nga.

Theo báo cáo mới nhất của Đài Quan sát Hạn hán Toàn cầu thuộc Liên minh châu Âu (EU-GDO), 47% diện tích lục địa đang trong tình trạng báo động do độ ẩm của đất bị giảm sút, 17% lục địa trong tình trạng báo động do thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng cộng, khoảng 64% diện tích EU đang trong tình trạng báo động vì hạn hán.

Khói bốc lên tại địa điểm xảy ra vụ cháy rừng hôm 17/8 ở Caldas da Rainha, với diện tích khoảng 650 ha, chủ yếu là bạch đàn ở Caldas da Rainha, Bồ Đào Nha. Quốc gia này đang trải qua hàng loạt vụ cháy rừng và chính phủ một lần nữa ban bố tình trạng cảnh báo trong khoảng thời gian từ 21/8 đến 23/8 do dự báo thời tiết khô nóng với nhiệt độ trên 40ºC kèm theo gió giật mạnh. (Ảnh: Horacio Villalobos/Corbis/Getty Images)

Cũng theo GDO, từ ngày 20 cho đến ngày 30/06, hơn một nửa lãnh thổ của châu Âu và Vương Quốc Anh trong tình trạng ‘‘có nguy cơ’’ khô hạn với 51%, 44% nằm trong diện ‘‘cảnh báo’’ và 9% ở mức ‘‘báo động’’, tức mức cao nhất, theo GDO.

Mức độ cảnh báo đầu tiên là thiếu mưa: chẳng hạn như trời không đủ mưa ở miền trung nước Ý và ở vùng Campania, miền nam nước Ý.

Mức độ cảnh báo thứ hai là đất thiếu độ ẩm. Gần như toàn bộ châu Âu bị ảnh hưởng, đặc biệt là Thụy Điển, Ba Lan, Rumani, nửa phía bắc của nước Ý và Đức, Bồ Đào Nha hoặc Anh Quốc.

Mức báo động tối đa là “căng thẳng thực vật”. Báo động được đưa ra khi đất bị thiếu độ ẩm và thảm thực vật bị thâm hụt.

Nhiệt độ kỷ lục ở châu Âu trong mùa hè này đã làm gián đoạn giao thông vận tải, hàng nghìn người phải di dời và dẫn đến hàng trăm người chết vì nắng nóng. Nắng nóng cũng đã làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng, có sức tàn phá nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây, theo đài CNBC.

“Sự kết hợp giữa hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng đã tạo ra một căng thẳng chưa từng có đối với mực nước trong toàn EU”, Ủy viên Đổi mới Châu Âu Mariya Gabriel cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi hiện đang nhận thấy một mùa cháy rừng cao hơn mức trung bình, có tác động nghiêm trọng đến sản xuất cây trồng".

Sông Rhine tại Cologne, Đức, cạn nước hôm 13/8/2022). (Ảnh: Horst Galuschka/Getty Images)

Báo cáo cho biết: “Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều khu vực của châu Âu kể từ đầu năm nay đã tiếp tục mở rộng và trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu tháng 8”, đồng thời cho biết thêm rằng khu vực Tây Âu-Địa Trung Hải có thể sẽ trải qua thời tiết ấm hơn và khô hơn so với điều kiện bình thường cho đến khi tháng 11.

Các khu vực của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Croatia có thể tiếp tục trải qua điều kiện thời tiết "khô hơn so với bình thường", trong khi thời tiết khô hạn ở dãy Alps có khả năng giảm bớt.

Báo cáo tiếp tục duy trì cảnh báo được đưa ra trước đó rằng gần 50% lãnh thổ EU có nguy cơ bị hạn hán. GDO cũng lưu ý rằng các con sông nhỏ và nguồn nước bị thu hẹp đang ảnh hưởng đến việc sản xuất năng lượng tại các nhà máy điện cũng như các vụ mùa.

Các nước châu Âu đã phải đối mặt với mùa hè nóng bức và khô hạn kỷ lục, trong đó miền Bắc nước Ý trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua khiến sông Po, được ví như "vua của các con sông" và là nguồn nước quan trọng đối với nền nông nghiệp nước này nay cũng đã "trơ đáy".

Lòng sông Po khô cạn tại thị trấn Occhiobello, thuộc vùng Veneto, miền Bắc nước Ý, hôm 05/7/2022. (Ảnh: Andrea Pattaro/AFP/Getty Images)

Nước Pháp bị tàn phá vì những trận cháy rừng diện rộng và lòng sông Loire khô cằn đến mức có thể đi bộ qua. Trong khi đó, mực nước sông Rhine ở Đức giảm mạnh làm tê liệt các hoạt động thương mại thiết yếu và thuyền bè bị mắc cạn.

Mực nước sông Loire đang ở mức thấp nhất do Châu Âu trải qua một đợt nắng nóng kể từ đầu mùa hè và lượng mưa ít ở Langeais, miền Trung nước Pháp vào ngày 8/8/2022. (Ảnh: Guillaume/Souvant/AFP/Getty Images)

Các khu vực hứng chịu những đợt mưa bất thường trong 3 tháng qua bao gồm các vùng của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, miền Trung nước Italy, Thụy Sĩ, miền Nam nước Đức và phần lớn lãnh thổ Ukraine.

GDO cũng cho biết lượng mưa bình thường sẽ được ghi nhận tại các khu vực của châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 song "có thể không đủ để phục hồi hoàn toàn từ mức thất thoát tích lũy trong hơn nửa năm nay".

Căng thẳng về nước và nhiệt đã làm giảm năng suất vụ mùa năm 2022 của châu Âu, với dự báo đối với ngô ngũ cốc, đậu tương và hoa hướng dương lần lượt thấp hơn 16%, 15% và 12% so với mức trung bình của 5 năm trước.

Một cánh đồng hoa hướng dương bị tàn phá do hạn hán ở vùng Rhone-Alps gần Lyon, đông nam nước Pháp, hôm 24/8/2022. (Ảnh: Olivier Chassignole/AFP/Getty Images)

Việc thiếu lượng mưa cũng đã ảnh hưởng đến việc xả thải của các con sông trên khắp châu Âu. Lượng nước giảm đã ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng đối với sản xuất thủy điện và hệ thống làm mát của các nhà máy điện khác.

Báo cáo cho biết nguy cơ hạn hán đang gia tăng đáng kể nhất là ở Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Ý, Luxembourg, Moldova, Hà Lan, bắc Serbia, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha, Ukraine và Anh.

GDO cho biết lượng mưa vào giữa tháng 8 có thể làm giảm bớt các điều kiện khô hạn, nhưng trong một số trường hợp, nó có kèm theo giông bão gây ra thiệt hại thêm.

Chỉ số hạn hán của đài quan sát được lấy từ các phép đo lượng mưa, độ ẩm của đất và phần bức xạ mặt trời được thực vật hấp thụ để quang hợp.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm