Châu Âu: Hà Lan và các khu vực khác của châu Âu biểu tình phản đối về các hạn chế COVID mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Châu Âu đang đối mặt với làn sóng bùng phát COVID mới và áp đặt các biện pháp hạn chế bao gồm phong tỏa COVID. Tình trạng này khiến người dân biểu tình phản đối và gây ra những bất ổn trong khu vực.

Tại Hà Lan, người dân ném pháo vào cảnh sát và đốt xe đạp ở The Hague, một đêm sau khi các cuộc biểu tình ở Rotterdam trở thành bạo lực và cảnh sát nổ súng.

Hàng nghìn người biểu tình cũng đã xuống đường ở Áo, Croatia và Ý khi sự tức giận trở thành cao trào phản đối các biện pháp kiểm soát COVID mới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ "rất lo lắng" về các ca nhiễm coronavirus gia tăng trên lục địa này.

Giám đốc khu vực của WHO, Tiến sĩ Hans Kluge, nói với BBC rằng, nếu châu Âu không thắt chặt các biện pháp hạn chế, thì có thể sẽ ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong vào mùa xuân tới.

Ông nói: “COVID-19 một lần nữa lại trở thành kẻ sát thủ số một trong khu vực của chúng ta”, và nói thêm rằng “chúng tôi biết những gì cần phải làm” để chống lại vi rút - chẳng hạn như tiêm phòng, đeo khẩu trang và thẻ xanh COVID.

Nhiều chính phủ trên khắp lục địa đang đưa ra những hạn chế mới để cố gắng kiểm soát các ca nhiễm mới đang gia tăng. Một số quốc gia gần đây đã báo cáo số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục.

Biểu tình và bất ổn

Tại Hà Lan, bạo động đã nổ ra liên tục hai đêm liền vào thứ Sáu và thứ Bảy (19-20/11) tại một số thị trấn và thành phố.

Những kẻ bạo loạn trùm đầu phóng hỏa đốt xe đạp ở The Hague, khi cảnh sát chống bạo động sử dụng ngựa, chó và dùi cui để đuổi đám đông đi. Các quan chức đã ban bố lệnh khẩn cấp trong thành phố. Ít nhất có 7 người bị bắt.

Cảnh sát cho biết một tảng đá đã được ném qua cửa sổ của chiếc xe cấp cứu chở một bệnh nhân. Các quan chức trong thành phố đã tweet rằng 5 cảnh sát đã bị thương, trong đó một người được đưa đi bằng xe cấp cứu với vết thương ở đầu gối.

Ở những nơi khác trong nước, hai trận đấu bóng đá hàng đầu đã phải tạm dừng một lúc sau khi những người hâm mộ xâm nhập sân vận động và tràn vào sân bóng. Người hâm mộ hiện đang bị cấm đến các sân vận động vì các quy định mới về virus coronavirus.

Tình trạng bất ổn diễn ra sau một đêm bạo loạn ở Rotterdam. Thị trưởng thành phố lên án đó là "một vụ bạo động". Cảnh sát đã bắn cảnh cáo và bắn trực tiếp "vì tình hình nguy hiểm đến tính mạng", một phát ngôn viên của cảnh sát nói với Reuters.

Các sĩ quan cho biết ít nhất ba người biểu tình bị thương do trúng đạn của cảnh sát và đang được điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, còn có và 51 người bị bắt ở Rotterdam. Các nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra.

Đây là một trong những đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất ở Hà Lan kể từ khi các biện pháp chống COVID được áp dụng lần đầu tiên vào năm ngoái. Vào tháng Giêng, những kẻ bạo loạn cũng tấn công cảnh sát và phóng hỏa trên đường phố Rotterdam sau khi lệnh giới nghiêm có hiệu lực, theo Aljazeera.

Vào cuối tuần trước, Hà Lan đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần sau khi ghi nhận số vụ Covid tăng kỷ lục. Các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 20:00 và đám đông bị cấm tại các sự kiện thể thao.

Tại, Áo, hàng chục nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Vienna sau khi chính phủ tuyên bố lệnh phong tỏa quốc gia mới và có kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine vào tháng 2/2022. Đây là quốc gia châu Âu đầu tiên coi việc tiêm chủng là một yêu cầu hợp pháp.

Giương cao quốc kỳ và biểu ngữ đọc "Tự do", những người biểu tình hét lên "Kháng chiến!" và la ó cảnh sát.

Nước này sẽ đóng cửa toàn quốc trong 20 ngày kể từ thứ Hai ngày 22/11, đóng cửa tất cả trừ các cửa hàng thiết yếu và yêu cầu mọi người làm việc tại nhà.

Andrea Ammon, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, mô tả lệnh bắt buộc tiêm vaccine là "con dao hai lưỡi".

Bà nói, các quy tắc nghiêm ngặt có thể khiến những người vẫn nghi ngờ vaccine - nhưng không hoàn toàn từ chối nó - sẽ hoàn toàn quay lưng với nó.

Tại Croatia, hàng nghìn người đã tuần hành ở thủ đô Zagreb để thể hiện sự tức giận trước lệnh bắt buộc tiêm chủng cho công nhân trong khu vực công, trong.

Ở Ý, vài nghìn người biểu tình đã tập trung tại trường đua xe cổ Circus Maximus ở Rome để phản đối yêu cầu trình thẻ xanh "Green Pass" tại nơi làm việc, địa điểm và trên các phương tiện giao thông công cộng

Nhà chức trách Pháp đang cử thêm hàng chục sĩ quan cảnh sát để dập tắt tình trạng bất ổn trên đảo Guadeloupe của Pháp ở vùng Ca-ri-bê.

Các cuộc bạo loạn kéo dài qua đêm chứng kiến ​​những kẻ cướp bóc lục soát hàng chục cửa hàng và khiến các doanh nghiệp bị đổ bể sau khi các cuộc biểu tình phản đối lệnh COVID ngoài đường phố của Pháp trở nên bạo lực.

Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin nói rằng một số người liên quan đến tình trạng bất ổn đã sử dụng "đạn thật" để chống lại cơ quan thực thi pháp luật, và hứa sẽ có phản ứng "kiên quyết" đối với những người có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Bộ trưởng Y tế Vương quốc Anh Sajid Javid cho biết hiện tại, Anh không có kế hoạch thay đổi các quy tắc đi lại giữa Vương quốc Anh và Đức, do số ca bệnh ở đó ngày càng tăng.

Ông nói điều này là do Đức đang đối phó với biến thể Delta: "còn Anh đã có Delta rồi, nên tôi không chắc nhiều quy tắc hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Tuy nhiên, Anh luôn theo dõi bất kỳ biến thể mới tiềm năng nào".

Nguyên Hương

Theo BBC

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu: Hà Lan và các khu vực khác của châu Âu biểu tình phản đối về các hạn chế COVID mới