Châu Âu lên kế hoạch dán nhãn khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân là 'xanh'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Reuters đưa tin Liên minh Châu Âu đang lên kế hoạch liệt kê một số dự án khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân là các khoản đầu tư 'xanh'; nỗ lực này hình thành sau cuộc chiến kéo dài hàng năm giữa các chính phủ về việc khoản đầu tư như thế nào được coi là thân thiện với môi trường. Động thái này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng khắp toàn cầu trầm trọng hơn bởi các chính sách biến đổi khí hậu.

Theo tin từ Reutes, ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, Uỷ ban Châu Âu sẽ đề xuất bộ quy tắc để quyết định liệu các dự án khai thác khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân có được đưa vào 'phân loại tài chính bền vững' của Liên minh Châu Âu hay không.

Khủng hoảng năng lượng: công nhận dự án 'không xanh hoàn toàn'

Với các chính sách chống biến đổi khí hậu hiện nay ở Liên minh Châu âu, khi một dự án được gán nhãn 'xanh', các chi phí thuế sẽ giảm mạnh (do đánh thuế theo mức độ carbon thải ra, gọi là thuế carbon), dự án được tiếp cận tín dụng rẻ theo chương trình tài chính xanh, thậm chí Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) còn ưu tiên mua lại trái phiếu của các dự án xanh như vậy...

Quan trọng hơn, một khi được liệt vào danh sách xanh, năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên sẽ được dễ dàng cấp phép. Điều này giúp Châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một tồi tệ nếu lập tức loại bỏ hai khu vực này khỏi danh sách 'năng lượng xanh'.

Châu Âu mong muốn, bằng cách đưa ra tiêu chí chặt chẽ cho các dự án 'xanh', thực sự thân thiện với khí hậu, họ sẽ ngăn chặn được tình trạng không ngừng 'rửa xanh' dự án; ám chỉ tình trạng các công ty, nhà đầu tư phóng đại quá mức thông tin thân thiện với môi trường trong các dự án của họ nhằm lấy được ưu đãi như đề cập ở trên.

Bỉ cũng có những động thái để áp dụng hệ thống này với một số nguồn tài trợ rót xuống từ Liên minh Châu âu. Bằng cách này, Bỉ có thể nhanh chóng xác nhận dự án nào đủ điều kiện xanh để nhận tài trợ từ nguồn vốn công.

Theo Reuters, dự thảo đề xuất của Uỷ ban sẽ dán nhãn các dự án nhà máy điện hạt nhân là xanh nếu dự án có kế hoạch, kinh phí và địa điểm để xử lý chất thải phóng xạ một cách an toàn. Để được coi là xanh, các nhà máy hạt nhân mới phải nhận được giấy phép xây dựng trước năm 2045.

Các khoản đầu tư vào khai thác khí gas tự nhiên cũng sẽ được coi là xanh nếu chúng tạo ra lượng khí thải dưới 270g CO2 tương đương mỗi kilowatt giờ (kWh). Châu Âu hy vọng các dự án này sẽ thay thế các nhà máy nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm hơn, nhận được giấy phép xay dựng vào ngày 31/12/2030 và có kế hoạch dịch chuyển sản xuất sang mức thải khí carbon thấp hơn vào cuối năm 2035.

Đây là một quyết định giải toả, mở rộng quan điểm về xanh, vốn gây tranh cãi trong nhiều năm qua ở Châu âu. Dù vậy, các dự án khai thác khí tự nhiên và năng lượng hạt nhân cũng không được coi là 'xanh hoàn toàn'; Châu âu coi đó như là giai đoạn chuyển tiếp, nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng không bị đột ngột đứt gãy.

Uỷ ban Châu âu tuyên bố rằng tiêu chuẩn dán nhãn xanh sắp công bố "Có tính đến các lời khuyên khoa học và tiến bộ công nghệ hiện tại cũng như các thách thức chuyển đổi khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Ủy ban cho rằng khí tự nhiên và hạt nhân có vai trò như một phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai chủ yếu dựa trên năng lượng tái tạo".

Các nước EU và một hội đồng chuyên gia sẽ xem xét kỹ lưỡng dự thảo đề xuất, có thể thay đổi trước khi nó được công bố vào cuối tháng Giêng. Sau khi được xuất bản, nó có thể bị đa số các nước EU hoặc Nghị viện châu Âu phủ quyết (theo Reuters).

Phản đối và ủng hộ

Bất chấp khủng hoảng năng lượng đang leo dốc ở Châu Âu, các nỗ lực công nhận dự án 'gần xanh' này cũng vấp phải sự phản đối của các chính trị gia cuồng nhiệt với biến đổi khí hậu.

Chính sách này đã vấp phải sự vận động hành lang từ các chính phủ trong hơn một năm và các nước EU không đồng ý về việc loại nhiên liệu nào thực sự bền vững.

Một số nhà vận động môi trường và các nhà lập pháp Green EU đã chỉ trích đề xuất

"Bằng cách bao gồm [những dự án 'gần xanh'] ... Ủy ban có nguy cơ làm mất uy tín về vai trò của EU như một thị trường tài chính bền vững hàng đầu", chủ tịch của Greens, Philippe Lamberts, nói với Reuters.

Áo phản đối năng lượng hạt nhân, cùng với các nước bao gồm Đức và Luxembourg. Trong khi đó, các quốc gia EU bao gồm Cộng hòa Séc, Phần Lan và Pháp, hiện 70% năng lượng quốc gia được sản xuất từ nhiên liệu hoá thạch, lại coi hạt nhân là yếu tố quan trọng để loại bỏ dần điện than thải CO2.

Khủng hoảng năng lượng đang leo dốc ở Châu âu

Thực tế, cùng với biến thể Omicron, Châu Âu đang ngồi trên đống lửa khủng hoảng năng lượng.

Giá điện và khí đốt đã đạt mức cao kỷ lục trên khắp lục địa già. Một nguyên nhân là việc đóng cửa đột xuất các nhà máy hạt nhân ở Pháp. Ngoài ra, nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga sụt giảm. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng vào mùa đông tăng cao khiến các nhà máy điện phải làm việc hết công suất cũng làm tăng giá năng lượng.

Giá khí đốt ở châu Âu đạt đỉnh mới vào hôm thứ 3 (21/12), tăng 800% so với đầu năm. Dù giá khí đốt có giảm vào thứ 6 (24/12), nhưng vẫn đang ở mức 400% so với đầu năm. Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga vẫn chưa được phê chuẩn. Việc hạn chế cung ứng khí đốt từ Nga được cho là để gây áp lực lên liên minh châu Âu, theo Reuters.

Bloomberg đánh giá việc châu Âu tập trung vào năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và hạt nhân cũng đang làm trầm trọng thêm tình hình.

Tốc độ gió vào thời điểm này tại châu Âu đang yếu hơn những năm khác, khiến các nhà máy điện gió sản xuất ít điện hơn bình thường. Theo nhiều nhà phân tích của Reuters, nguồn năng lượng tái tạo được cho là không ổn định và khiến giá năng lượng biến động mạnh.

Đà phục hồi của các nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với trở ngại lớn. Nhiều nhà máy phải tạm dừng hoặc giảm hoạt động do cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ.

​​Biến động về năng lượng tác động nặng nề lên nền kinh tế, có nguy cơ gây ra lạm phát đình trệ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng - vốn đã cao nhất trong 3 thập kỷ qua ở Đức và Tây Ban Nha - bị đẩy lên cao hơn, từ đó hạn chế tăng trưởng kinh tế.

Việc thừa nhận các dự án khí thải và năng lượng hạt nhân là xanh, chấp nhận nó trong giai đoạn chuyển tiến để giảm sốc về năng lượng và kinh tế là điều cần thiết với Châu Âu lúc này. Bất kỳ chính sách cực đoan nào cũng gây ra hậu quả khôn lường về kinh tế; đói và rét sẽ khiến nhân loại suy tàn sớm hơn biến đổi khí hậu do lượng CO2 dư thừa (mà điều này thậm chí còn đang tranh cãi trong giới khoa học).

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu lên kế hoạch dán nhãn khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân là 'xanh'