Châu Âu một lần nữa trở thành con mồi cho chiến thuật 'chia để trị' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Bali (Indonesia), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa áp dụng chiến lược 'chia để trị' nhằm lôi kéo và gặp gỡ 'có chọn lọc' các nhà lãnh đạo châu Âu, đồng thời tránh các cuộc đàm phán khó khăn vốn đã được lên kế hoạch từ trước.

Tờ Politico hôm thứ Tư (16/11) đưa tin, Bắc Kinh đã tái hiện rõ ràng chính sách "chia để trị", vốn là chiến lược lâu dài của nước này nhằm đối đầu với các quốc gia cụ thể trong Liên minh châu Âu (EU). Chiến lược này thường được dùng để gây bất ổn cho Brussels.

Bài báo cho biết, Brussels coi ĐCSTQ là một "đối thủ cạnh tranh có hệ thống", điều này đã khiến Bắc Kinh tức giận và quyết định sử dụng ảnh hưởng của mình đối với từng quốc gia châu Âu nhằm gây chia rẽ nội bộ EU.

Tại Hội nghị thương đỉnh G20 ở Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Trong khi đó, ông Tập được cho là tránh các cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel. Giới ngoại giao rất mong chờ một cuộc gặp giữa ông Tập và ông Michel, người đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU.

Vào năm 2013, Brussels tuyên bố sẽ mở cuộc chiến thương mại toàn diện chống lại Trung Quốc vì đã làm tê liệt thị trường xuất khẩu các tấm pin mặt trời và thiết bị viễn thông của EU, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ trả đũa các sản phẩm rượu vang Pháp và Tây Ban Nha. Đồng thời, Trung Quốc cũng sử dụng chính phủ Pháp và Tây Ban Nha để chống lại các quan chức thương mại EU và coi đây là cơ hội để phá vỡ khối đoàn kết của liên minh EU.

Kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19 vào năm 2020, ông Tập Cận Bình đã không đến thăm châu Âu hoặc gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu trong gần ba năm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia hôm15/11/2022 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Ludovic Marin/Pool/AFP/Getty Images)

Ông Tập Cận Bình gặp gỡ 'có chọn lọc' với lãnh đạo các nước lớn trong EU

Theo bài báo, mối quan tâm chính của ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Rutte là thuyết phục nước này không tham gia bất kỳ liên minh EU - Mỹ nào, đồng thời ủng hộ Trung Quốc mua công nghệ hoặc thiết bị chip mới. Hà Lan là quê hương của gã khổng lồ chip ASML, nơi sản xuất các thiết bị chính cho sản xuất vi mạch.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói trong cuộc gặp với thủ tướng Hà Lan rằng ông “hy vọng Hà Lan sẽ thúc đẩy sự cởi mở và hợp tác liên tục của châu Âu”, ngụ ý rằng Hà Lan không nên tạo rắc rối thương mại với Bắc Kinh về vấn đề vi mạch.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là đầu tàu du lịch của Tây Ban Nha, với việc Madrid thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với khách du lịch cao cấp từ châu Á. “Cần phải chuẩn bị tốt cho Năm Văn hóa và Du lịch Trung Quốc với phương Tây, để thắt chặt tình hữu nghị giữa Trung Quốc và phương Tây”, ông Tập Cận Bình nói.

Tương tự, ông Tập đã nói trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Pháp Macron rằng, "Tôi hy vọng rằng phía Pháp sẽ thúc đẩy EU tiếp tục theo đuổi chính sách độc lập và tích cực đối với Trung Quốc". Ông Macron nói rằng, ông hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực Hàng không và năng lượng hạt nhân dân dụng.

Lợi ích mà Bắc Kinh mang lại cho Thủ tướng Italia Meloni là Bắc Kinh sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn của Italia và sẽ hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất cao cấp, năng lượng và hàng không vũ trụ.

Trong một video TikTok do đại sứ quán Trung Quốc tại Paris quảng bá, ông Macron đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ.

Ông Macron cũng nói với giới truyền thông rằng, ông dự định thăm Trung Quốc vào đầu năm tới.

Trong khi ông Macron tuyên bố rằng ông Tập đồng ý với "lời kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", thông cáo báo chí của Trung Quốc không đề cập đến điều này, chỉ nói rằng nó "đại diện cho một lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột và đàm phán hòa bình".

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự một phiên họp về an ninh lương thực và năng lượng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 15/11/2022 tại Nusa Dua, Indonesia. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images,)

Ông Tập tránh gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của EU

Trái ngược hoàn toàn với các nhà lãnh đạo Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Italia, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu không nhận được sự quan tâm của ông Tập Cận Bình.

Tức giận trước việc Brussels coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống", Bắc Kinh quyết định không gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Michel để thể hiện sự "không hài lòng" của Bắc Kinh với EU. Theo sự sắp xếp trước đó, cuộc họp này gần như đã được ấn định.

Nếu ông Michel gặp mặt trực tiếp ông Tập, rất có thể ông Michael sẽ thể hiện tiếng nói của các nền kinh tế nhỏ hơn trong khối EU, vì giờ đây Tập đang bận rộn với các giao dịch trực tiếp với các quốc gia EU lớn hơn.

Bài phát biểu được ghi âm trước của ông Michel cho hội chợ thương mại Thượng Hải đã bị hủy bỏ, trong đó ông cố gắng đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine, một thông điệp mà chính quyền Trung Quốc cho là nhạy cảm, theo tờ Reuters.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen chỉ đơn giản chọn đứng về phía Tổng thống Hoa Kỳ Biden, tập trung vào tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và cạnh tranh với sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" của ông Tập Cận Bình.

Bà Von der Leyen công khai chỉ trích cách tiếp cận của sáng kiến"Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh. "Các quan hệ đối tác đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu (của các nước phương Tây) là một động thái địa chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược", bà nói.

"Cùng với các nền dân chủ hàng đầu, chúng tôi cung cấp các mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, có tiêu chuẩn cao và định hướng giá trị cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình".

Ngoài ra, cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng bị hủy bỏ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, hôm 30/11/2018. (Ảnh: Alejandro Pagni/AFP/Getty Images)

Video ông Tập phàn nàn về Thủ tướng Canada vô tình bị rò rỉ

Hôm thứ Tư (16/11), ông Tập Cận Bình phàn nàn riêng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 rằng, ông Trudeau lẽ ra không nên nói với giới truyền thông về các cuộc đàm phán kín trước đó giữa hai bên.

“Tất cả những gì chúng ta nói đã bị rò rỉ trên mặt báo, điều này rất không phù hợp", ông Tập Cận Bình nói bằng tiếng Quan Thoại. “Nếu chúng ta có sự chân thành, chúng ta có thể giao tiếp với nhau bằng thái độ tôn trọng lẫn nhau, bằng không thì kết quả sẽ không tốt".

Đáp lại những phàn nàn của ông Tập, ông Trudeau nói, "Ở Canada, chúng tôi tin tưởng vào đối thoại tự do, cởi mở và thẳng thắn, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác mang tính xây dựng, nhưng ở những nơi chúng tôi không đồng ý..."

Sau đó, ông Tập ngắt lời ông một cách dứt khoát trước khi bắt tay ông Trudeau với một nụ cười và rời đi: "Hãy tạo điều kiện, hãy tạo điều kiện, được chứ?".

Cuộc trò chuyện này đã tình cờ được ghi lại bởi các phương tiện truyền thông trực tiếp. Đây là một dịp hiếm hoi khi một nhà lãnh đạo Trung Quốc công khai phàn nàn về một nhà lãnh đạo nước ngoài ở hải ngoại.

Lam Giang

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Châu Âu một lần nữa trở thành con mồi cho chiến thuật 'chia để trị' của Trung Quốc