Chế độ Taliban: Kinh tế sụp đổ, hàng triệu người Afghanistan đối diện nạn đói

Giúp NTDVN sửa lỗi

Taliban đã thất bại trong việc quản lý đất nước khiến nền kinh tế Afghanistan đang rơi tự do, đẩy hàng chục triệu người vào nguy cơ chết đói. Ngay cả khi có hàng trăm triệu USD sẵn sàng viện trợ, Liên Hợp Quốc không thể gửi tiền vì hệ thống ngân hàng của Taliban đã sụp đổ. Lý do ngân hàng tê liệt vì mất thanh khoản do thiếu viện trợ sau khi Taliban chiếm chính quyền và vì người dân rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng vì không tin vào Taliban.

97% dân số đối mặt với nạn đói: tranh giành thức ăn và nhiên liệu

Mùa đông buốt giá ở Afghanistan khiến những đứa trẻ nhỏ co ro giữa những tấm chăn trong các trại tị nạn. Trẻ sơ sinh trong bệnh viện được bao bọc trong vòng tay gầy guộc của những người mẹ. Bên ngoài các trung tâm phát chẩn, hàng dài người xếp hàng nhận đồ ăn. Tình hình ngày một quá tải khi Afghanistan chìm sâu hơn vào thời kỳ tuyệt vọng.

Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul vào ngày 15/08, một nền kinh tế vốn đã bị tàn phá bởi chiến tranh và thoi thóp nhờ vào các khoản viện trợ quốc tế giờ đây đang trên bờ sụp đổ vì các khoản cứu trợ không còn.

Các hãng truyền thông quốc tế liên tục cung cấp hình ảnh. Những đứa trẻ thiếu dinh dưỡng, đói ăn và thiếu nhiên liệu sưởi ấm trong mùa đông buốt giá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo tình trạng hàng triệu trẻ em tại Afghanistan bị suy dinh dưỡng. Liên Hợp Quốc cho biết 97% người dân Afghanistan sẽ không lâu nữa phải sống dưới mức đói nghèo.

Hàng triệu người Afghanistan sống trong các lán trại tồi tàn dành cho dân tị nạn do mất nhà cửa sau chiến tranh. Số khác ngồi bên ngoài các trụ sở các cơ quan chính phủ cầu xin cứu trợ. Ban đêm, nguồn sưởi ấm duy nhất giúp họ vượt qua cái lạnh buốt giá là quây quần bên những đống củi.

Theo hãng tin AP, với những người nghèo tại Afghanistan, bánh mì là thứ lương thực duy nhất họ có. Phụ nữ xếp hàng bên ngoài các tiệm bánh lớn nhỏ trong thành phố, còn trẻ nhỏ xếp trước bình minh để xin bánh mì. Phần lớn tranh giành thức ăn và nhiên liệu. Các số liệu thống kê do Liên Hợp Quốc cung cấp thật là nghiệt ngã: Hiện tại, gần 24 triệu người ở Afghanistan (khoảng 60% dân số) đang phải gánh chịu nạn đói nghiêm trọng. Như ước tính của Liên Hợp Quốc ở trên, con số này đã, đang và sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Hệ thống ngân hàng tê liệt, viện trợ bất lực

Gần 80% ngân sách của chính phủ tiền nhiệm tại Afghanistan đến từ viện trợ của cộng đồng quốc tế. Khoản tiền này được dùng để duy trì hoạt động của các bệnh viện, trường học, nhà máy và các cơ quan chính phủ. Nay đã không còn.

Không chỉ thế, theo tin từ Reuters, Liên Hợp Quốc cảnh báo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng dưới triều đại Taliban vào trung tuần tháng 11/2021; chỉ 3 tháng sau khi Taliban chiếm đóng xong ở Kabul.

Lý do thứ nhất là các khoản tiền viện trợ không đổ vào hệ thống tài chính nước này. Lý do thứ hai là những người gửi tiền cũng vội vã rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng; họ không tin vào hệ thống ngân hàng dưới thời Taliban, nơi tài khoản có thể bị đóng băng bởi bất kỳ lý do gì không báo trước. Cả hai nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng Taliban tê liệt.

Theo UNDP và Liên Hợp Quốc, hệ thống tài chính của Taliban rơi tự do, nền kinh tế của họ cũng vậy.

Sự thất bại của Taliban trong quản lý và điều hành nền kinh tế là điều đã được dự báo trước. Afghanistan của Taliban là một đất nước vốn đã kiệt quệ về kinh tế. Các biện pháp trừng phạt và niềm tin của người dân Afghanistan dành cho chính quyền Taliban là con số không đã khiến các ngân hàng tê liệt.

Do đó, dù có sẵn hàng trăm triệu USD viện trợ, Liên Hợp Quốc và các nhà tài trợ quốc tế không có cách nào đưa tiền đến tay người dân Afghanistan.

Liên hợp quốc và các nhóm viện trợ hiện đang vật lộn để có đủ tiền mặt vào đất nước. Hoa Kỳ đang làm việc với Liên hợp quốc, UNDP, các tổ chức quốc tế khác và các quốc gia "để tìm cách cung cấp tính thanh khoản, truyền tải, để người dân Afghanistan có thể tận dụng sự hỗ trợ quốc tế theo những cách không chảy vào kho bạc của Taliban, "phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết.

Tháo chạy ồ ạt khỏi Taliban

Nhiều tháng trước, Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã cảnh báo về làn sóng di cư ồ ạt khỏi Afghanistan nếu nền kinh tế của nước này rơi tự do.

Cuộc tháo chạy đã bắt đầu. Hàng ngàn người rời Afghanistan trong tuyệt vọng. Hàng trăm người chen chú trong mỗi chuyến xe bus đi từ Herat đến tỉnh Nimroz. Từ đây họ sẽ mạo hiểm đi bộ cho đến khi vào được Iran. Một số hy vọng đi càng xa càng tốt, đến Thổ Nhĩ Kỳ cũng được, thậm chí là châu Âu - bất chấp việc châu Âu ngăn chặn người di cư bất hợp pháp.

Tính đến tháng 12, gần 97.000 người Afghanistan đã đến các nước láng giềng cần được bảo vệ, Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Ngoài ra, còn có khoảng 2,2 triệu người Afghanistan tị nạn và xin tị nạn đang cư trú ở Pakistan, Iran và các nước láng giềng khác. Tuy nhiên, con số thực có thể cao hơn. Các quan chức Iran cho biết không chính thức rằng khoảng 100.000 và 300.000 người Afghanistan có thể đã đến Iran trong suốt năm 2021.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường phòng thủ dọc biên giới phía đông với Iran để ngăn chặn những người Afghanistan và những người di cư khác.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chế độ Taliban: Kinh tế sụp đổ, hàng triệu người Afghanistan đối diện nạn đói